Thay đổi văn hóa doanh nghiệp để giữ chân nhân viên

Việc tuyển nhân viên mới để thay thế cho người vừa rời bỏ công ty tốn khá nhiều thời gian và chi phí.

Tại Randstad US, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân khiến nhân viên nghỉ việc, và kết quả là:

Hơn một nửa (59%) số người được hỏi cảm thấy công ty của họ xem lợi nhuận và doanh thu quan trọng hơn cách đối xử với nhân viên.
60% số người được hỏi đã hoặc đang xem xét việc rời bỏ công việc vì họ không thích những người quản lý trực tiếp.
69% cho biết họ sẽ hài lòng hơn nếu sếp của họ sử dụng tốt hơn các kỹ năng và khả năng của họ.
57% cho biết họ muốn rời khỏi công ty hiện tại để phát huy sự nghiệp ở mức độ cao hơn.

Vai trò của nhà quản lý

Những số liệu trên đưa đến kết luận rằng, các nhà quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên nhân khiến nhân viên nghỉ việc. Để cải thiện tình hình trên, bên cạnh việc các nhà quản lý phải thay đổi thái độ của họ đối với nhân viên, thì sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Nhà quản trị nên tỏ ra thân thiện và xem trọng nhân viên như là một đối tác kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là người cấp dưới.

Khi nhân viên cảm thấy như thể họ sở hữu một doanh nghiệp nhỏ và vị sếp đồng hành với họ là một đối tác thân thiện, họ sẽ làm việc với tinh thần hợp tác, năng nổ và hết mình vì “doanh nghiệp nhỏ” của họ, khiến cho hiệu suất làm việc đạt hiệu quả cao và điều này kéo theo doanh thu của công ty sẽ tăng lên đáng kể.

Việc hình thành nên tinh thần doanh nghiệp như trên không phải là điều mới lạ, nhiều công ty lớn cũng đã áp dụng hiệu quả như Apple, Virgin, Google hay Zappos. Với tinh thần doanh nghiệp, nhân viên có thể chủ động tìm kiếm sự thay đổi, thay vì ngồi chờ đơn hàng tự tìm đến.

Dần dần, khi tinh thần doanh nghiệp ngày càng được phát huy trong môi trường làm việc sẽ hình thành nên văn hóa doanh nghiệp. Môi trường này cũng giúp nhân viên có tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm hiệu quả thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và các ý tưởng mới cũng dễ dàng xuất hiện.

6 cách để phát triển văn hóa doanh nghiệp

Hãy để mọi người đưa ra ý tưởng và nhận ra sức mạnh cũng như động lực khi duy trì văn hóa doanh nghiệp để công ty ngày càng phát triển. Dưới đây là sáu cách để nuôi dưỡng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

1. Cho phép nhân viên suy nghĩ và hành động như người sở hữu doanh nghiệp

Nhà quản trị nên tin tưởng vào năng lực của nhân viên, để họ có thể tự đưa ra quyết định. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong quản lý khi trao quyền cho nhân viên và đơn giản hóa các quy trình khi cần phê duyệt ra quyết định.

2. Giảm thiểu quan liêu

Khi để mọi người suy nghĩ và hành động như chủ doanh nghiệp, có một số quy tắc cần được giảm thiểu, vì các chính sách không cần thiết đến từ bộ máy quan liêu sẽ kìm hãm tinh thần kinh doanh. Vì vậy, trước khi thiết lập một chính sách mới, hãy cân nhắc áp dụng chế độ giảm bớt công việc hành chính phức tạp. Giữ chân nhân viên bằng cách thiết lập các chiến lược để duy trì doanh nghiệp với sự quan liêu ở mức tối thiểu.

3. Cho nhân viên cơ hội “cầm cương”

Nếu một thành viên trong nhóm đưa ra ý tưởng mà không nằm trong phạm vi trách nhiệm của họ, hãy giúp kết nối họ với các nhóm phù hợp và để ý tưởng của họ được áp dụng vào cuộc sống. Cho dù bạn là sếp hay đồng nghiệp, hãy cố gắng cho họ cơ hội để mở rộng các kỹ năng, suy nghĩ và sáng tạo. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần và khuyến khích nhân viên rất nhiều.

4. Củng cố tư duy kinh doanh

Ghi nhận và khen thưởng những nhân viên thể hiện các hành vi kinh doanh có lợi cho công ty – những người chia sẻ ý tưởng tạo ra sự khác biệt đáng kể cho trải nghiệm của khách hàng hoặc lợi nhuận của công ty.

5. Cung cấp cho nhân viên quyền truy cập thông tin

Nếu nhân viên đang được yêu cầu suy nghĩ như chủ doanh nghiệp, họ cần quyền truy cập vào cùng thông tin mà chủ sở hữu nhận được. Đó có thể là việc đọc tài liệu, tham gia vào các cuộc hội thoại quan trọng, được gặp gỡ những khách hàng hàng đầu, biết rõ các mục tiêu chiến lược, thay đổi định hướng và những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp.

6. Cho nhân viên được quyền phát ngôn

Nhà quản trị nên cho nhân viên được quyền phát ngôn, đưa ra ý tưởng sáng tạo mà không bị chỉ trích. Điều này thực sự thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà quản trị và nhân viên càng thêm vững mạnh. Nhà quản trị cũng cần nuôi dưỡng một nền văn hóa minh bạch bằng cách cho phép nhân viên được đặt ra những câu hỏi bất kỳ, ngay cả khi đó là những câu hỏi khó. Sau đó, giải đáp chúng trong cuộc họp toàn công ty để có thể làm thỏa mãn nhân viên.

Những điều kể trên sẽ làm gia tăng đáng kể niềm tin của nhân viên đối với sếp của họ và thúc đẩy sự hợp tác, hòa nhập cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh.

Theo Doanhnhanplus

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thay-doi-van-hoa-doanh-nghiep-de-giu-chan-nhan-vien-151065.html