Thay đổi và thích ứng

Khi 'chuyển đổi số' trở thành từ khóa được quan tâm trong nhiều lĩnh vực và là mục tiêu của quốc gia, văn hóa nghệ thuật cũng không tách rời vòng xoay này. Ngay tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, đại biểu tham dự cũng được cung cấp tài liệu thông qua việc quét mã QR. Một ví dụ nhỏ để thấy, 'chuyển đổi số' hay 'số hóa' trong văn hóa nghệ thuật không là khẩu hiệu hô hào theo tính thời sự, mà đó chính là xu hướng.

Một trong những xu hướng được nhắc đến nhiều trong năm qua chính là nền tảng NFT, một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain - chuỗi khối, để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm, tác phẩm nào đó từ âm nhạc, nghệ thuật, thẻ bài bóng rổ… NFT được mua qua đấu giá trực tuyến, được thanh toán bằng USD...

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về nền tảng số hóa này, nhưng một số quốc gia trên thế giới bắt đầu chuyển đổi và cởi mở hơn khi tham gia vào thị trường NFT. Đầu tháng 12-2021, kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50 của mình, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) quyết định ra mắt bộ tem NFT đầu tiên. Bộ tem này bao gồm 4 con tem NFT, phát hành song song dưới dạng tác phẩm vật lý và phiên bản NFT kèm theo.

Tại Việt Nam, nền tảng này vẫn đi giữa hai chiều ý kiến và câu chuyện bảo vệ tác quyền cho nghệ sĩ hay tính độc bản vẫn còn một số lăn tăn; nhưng ít nhất trên thị trường hiện tại đã có hơn 3 nền tảng NFT ra mắt trong năm 2021 và một số họa sĩ trong nước cũng đã có tác phẩm bán thành công từ vài trăm ngàn đến cả triệu USD trên một số nền tảng NFT. Và dù e dè hay ủng hộ, thì cũng không thể phủ nhận NFT dần trở thành một phần quan trọng trong công cuộc “số hóa” nghệ thuật.

Điển hình như tại TPHCM, tìm năng của NFT không hề nhỏ, như tại Hội Mỹ thuật TPHCM có gần 700 hội viên, mỗi họa sĩ sở hữu bình quân hàng trăm tác phẩm hội họa. Với các tác phẩm văn hóa nghệ thuật phi vật thể, một số nền tảng NFT cung cấp một phương thức mới trong việc lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt của một thần tượng cho người hâm mộ. Phương thức truyền thống như xin chữ ký, chụp ảnh chung… sẽ được thay thế bằng chữ ký số của thần tượng, xác nhận của chủ sở hữu tác phẩm trên một đoạn clip được trích ra từ tác phẩm. Đó là những khoảnh khắc đã được số hóa gắn liền với một sự kiện quan trọng của thần tượng và giá trị hơn nữa bởi quỹ thời gian hoạt động nghệ thuật của bất kỳ nghệ sĩ nào cũng luôn là hữu hạn.

Tuy nhiên để nói NFT hay bất kỳ công việc “chuyển đổi số” nào trong văn hóa nghệ thuật muốn hiệu quả, trước hết là tư duy của người làm nghề và cách chúng ta vận hành. Cái gì mới cũng sẽ có những khoảng hở chưa hoàn thiện, dựa vào đây để “thi triển” chiêu trò hay hoàn thiện dần, đều phụ thuộc vào cách chúng ta tham gia vào việc “chuyển đổi số”.

Và “chuyển đổi số” dù là xu hướng thì cũng sẽ rất khó để đòi hỏi tất cả phải cùng đồng bộ “số hóa” bởi với những nghệ sĩ có tuổi, chuyện cập nhật công nghệ là điều không mấy dễ dàng… Tuy nhiên, thế hệ nghệ sĩ trẻ, nhất là những năm gần đây, sự tỏa sáng của nghệ sĩ thế hệ gen Y, gen Z - những người đã, đang và còn rất nhiều thời gian theo nghề, cần chuẩn bị cho mình tư duy thay đổi và thích ứng với “chuyển đổi số”. Điều này không phải nói cho vui, bởi vì dù muốn hay không thì công nghệ vẫn sẽ phát triển, để mình không bị bỏ lại thì chính bản thân người làm nghệ thuật phải thay đổi tư duy sáng tạo và linh hoạt thích ứng.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thay-doi-va-thich-ung-785977.html