Thay đổi tư duy sản xuất để làm giàu từ nông nghiệp

Kỳ 2: Xóa bỏ 'lời nguyền' may rủi

Mặc dù Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, song trong sâu thẳm tư duy của nhiều nông dân thì chuyện có làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp hay không vẫn còn phụ thuộc vào yếu tố “rủi may”. Với người nông dân, thị trường và thời tiết chính là hai nguyên nhân chủ yếu làm nên sự “may rủi” trong sản xuất nông nghiệp. Để “cởi trói” cho tư duy của người nông dân và giúp bà con tin rằng làm giàu từ nông nghiệp là hoàn toàn khả thi thì chính quyền và người nông dân cần có những chiến lược cụ thể hơn…

>> Kỳ 1: Tránh “bình mới rượu cũ” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, “chuyên nghiệp và tử tế” là hai tố chất cần thiết của một nông dân hiện đại

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, “chuyên nghiệp và tử tế” là hai tố chất cần thiết của một nông dân hiện đại

Giúp nông dân trở nên chuyên nghiệp và tử tế

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thanh long, dưa hấu. Tại nhiều tỉnh thành, để giúp nông dân, cộng đồng đã xắn tay vào chiến dịch “giải cứu nông sản” và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp (DN), siêu thị, người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ kinh tế thì rõ ràng “giải cứu” chưa thật sự là giải pháp lâu dài.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội làm Vườn Việt Nam bày tỏ, việc “giải cứu nông sản” ở nhiều nơi đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương và cả người nông dân về hiện trạng sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau củ quả của Việt Nam vượt lên các nhóm mặt hàng khác, có mức tăng trưởng ngoạn mục, song nhìn lại cơ cấu thị trường thì có đến 70 – 90% tổng kim ngạch xuất khẩu là ở thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là một thị trường lớn và là đối tác quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam nhưng việc “tập trung trứng một giỏ” đã không tránh được nhiều hệ lụy như khi xảy ra tình trạng dịch viêm phổi cấp Covid-19 tại Trung Quốc.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc... mở ra nhiều hi vọng mới cho nông sản Việt Nam. “Vấn đề nội tại bây giờ là phải tổ chức lại sản xuất, để vào được các thị trường khó tính này, nông sản Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP). Muốn có được quy trình sản xuất bài bản, nông dân phải tham gia vào tổ chức hợp tác xã (HTX). Chỉ khi tham gia vào HTX thì nông dân mới có điều kiện học tập và tham dự các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp miễn phí. Điều quan trọng là tham gia vào HTX, nông dân mới có thể có vùng nguyên liệu đủ lớn được cấp chứng nhận, đủ điều kiện đặt vấn đề liên kết tiêu thụ với DN” - Tiến sĩ Võ Mai khẳng định.

Tại Đồng Tháp, thời gian qua, nhằm giúp nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất kinh doanh, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo mang tính đột phá. Điển hình là mô hình Hội quán đang nhận được sự đồng tình lớn của người dân.

Đề cập đến sự cần thiết và cấp bách trong cập nhật kiến thức cho người nông dân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, cần có một cuộc cách mạng tri thức cho người nông dân về phát triển nông nghiệp bền vững. Để làm được điều đó, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần xây dựng các chương trình hành động thiết thực bám sát tình hình thực tế địa phương. Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác... để người dân chủ động hơn trong sản xuất. Các ngành cần tận dụng tối đa các thành tựu về công nghệ thông tin thông qua các chương trình ứng dụng, hoặc trang tin điện tử nhằm truyền tải các thông tin và nội dung cho người dân biết và dễ tiếp cận.

Đi đầu trong việc đổi mới tư duy cho nông dân, giúp bà con trở nên tiến bộ và chuyên nghiệp hơn, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan luôn có những cách làm hay trong việc “truyền cảm hứng” cho người nông dân. Những chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh đã được Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ một cách dễ hiểu nhất thông qua những buổi nói chuyện tại các Hội quán, HTX. Đáp lại nhiệt thành của Bí thư Tỉnh ủy, nhiều nông dân đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ chỉ làm lủi thủi một mình, tự ti và khó mở lòng chia sẻ, đến nay, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã được “cởi trói” tư duy và trở thành những điểm sáng trong đột phá sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Phước Tánh - Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh bày tỏ: “Vào Hội quán nghe các nhà khoa học nói chuyện lạm dụng phân thuốc hóa học sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp, nói hoài nói mãi riết mình cũng thấy ngại, từ chỗ ngại nên mạnh dạn làm tốt hơn. Hơn 2 năm qua, nhờ chuyển sang sản xuất xoài theo hướng hữu cơ nên sản phẩm xoài đạt chất lượng cao, uy tín được DN tin tưởng, thu mua với giá tốt, ổn định. Quan trọng là nhờ thay đổi cách sản xuất mà mình góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 29.200ha sản xuất cây ăn trái, trong đó có 928ha diện tích cây ăn trái được cấp chứng nhận VietGAP, 33ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Toàn tỉnh hiện có khoảng 476,2ha được cấp mã vùng trồng cây ăn trái đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất theo các quy trình đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP vẫn còn rất ít so với tổng diện tích sản xuất cây ăn trái toàn tỉnh. Do đó, trong năm 2020, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt trong việc mở rộng diện tích cây ăn trái có giá trị cao, thị trường ổn định...

Đầu tháng 2, cả nước phải chung tay giải cứu thanh long và một số mặt hàng nông sản khác khi thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu do ảnh hưởng dịch viêm phổi cấp Covid-19

Không chỉ đủ ăn mà còn có thể làm giàu

Rõ ràng “giải cứu nông sản” chỉ là giải pháp nhất thời, vì vậy trong tương lai để không phải “giải cứu”, nông dân cần phải thay đổi cách làm căn cơ hơn. Trong đó, quan trọng nhất là sản xuất nông sản đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP.

Theo Sở Công Thương, kể từ đầu năm 2019, Trung Quốc đã tăng cường các rào cản kỹ thuật, thực hiện nhiều giải pháp siết nhập khẩu tiểu ngạch với hàng loạt mặt hàng nông sản. Hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ cấp nhận cho 9 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc (thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm và măng cụt). Để vào được thị trường nội địa Trung Quốc, nông sản còn phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật với các tiêu chí như: đảm bảo ATVSTP, nông sản phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng...

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ, có nhiều nguyên nhân khiến cho nông sản bị động trong khâu tiêu thụ thời gian qua. Trong đó, tỉ lệ nông sản chất lượng vẫn còn chiếm tỉ lệ hạn chế. Đây là nguyên nhân chính khiến cho việc kết nối, liên kết tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, nếu thay đổi cách làm, trong thời gian tới, ngày càng có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận an toàn, chất lượng thì dư địa về thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn rộng lớn. Cụ thể, ở thị trường nội địa, hiện có hơn 1.000 siêu thị lớn, hơn 5.000 cửa hàng tiện lợi trải khắp từ Nam tới Bắc và các kênh thương mại điện tử... là những kênh phân phối tiềm năng cho nông sản của Đồng Tháp.

Đẩy mạnh chế biến giúp cho nông sản phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: M.LÝ

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Nhiều DN và nhà đầu tư đều nói nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn mà còn có thể làm giàu được. Đó là cơ hội, niềm tin mới để chúng ta phát triển mạnh mẽ một số sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương”. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với quan điểm của các DN là “xuất khẩu nông sản tươi rất quan trọng nhưng chế biến sâu còn là giải pháp quan trọng hơn”. Để giúp ngành nông nghiệp đột phá, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần có những chiến lược cụ thể của ngành mình trong việc tạo mọi điều kiện, cơ chế thuận lợi, phù hợp nhằm hỗ trợ DN cũng như người nông dân.

Thực hiện Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp có 70 sản phẩm được cấp chứng nhận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Thông qua chương trình OCOP, Đồng Tháp mong muốn phát huy những giá trị của bản địa, nâng cao giá trị của những sản phẩm mới từ khởi nghiệp, để từ đó góp phần cải thiện thu nhập cũng như nâng cao chuỗi giá trị của nông nghiệp. Thời gian tới, tỉnh quyết tâm khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP nhiều hơn, sẽ thúc đẩy thành một phong trào lan rộng ở nông thôn. Chủ trương này nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển ở nông thôn và góp phần cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tăng thêm giá trị kinh tế”.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan có câu nói truyền cảm hứng cho nhiều nông dân quê nhà là “Ngoài kia gió đang thổi” để gửi gắm thông điệp rằng, chúng ta sẽ mượn gió để đẩy mình đi xa hơn hay chúng ta dừng lại rồi bị gió xô ngã. Rõ ràng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới như hiện nay, nếu chịu khó thay đổi tư duy sản xuất và có cách nhìn rộng mở hơn thì việc làm giàu từ ngành nông nghiệp không là chuyện quá khó khăn.

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/thay-doi-tu-duy-san-xuat-de-lam-giau-tu-nong-nghiep-89636.aspx