Thay đổi tư duy khởi nghiệp để hiện thực hóa mô hình kinh doanh

Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC), Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chính thức triển khai chương trình khởi nghiệp tạo lập mô hình kinh doanh theo phương pháp Nhật Bản trong năm 2023.

Đây là chương trình được thiết kế và kế thừa từ chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho chuyên gia tư vấn khởi nghiệp/kinh doanh mới của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong năm 2022, chương trình đã tổ chức rất thành công, thu hút sự quan tâm và tham gia hàng trăm học viên là các chủ doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng…

Chương trình khởi nghiệp tạo lập mô hình kinh doanh theo phương pháp Nhật Bản đang kỳ vọng hướng tới một chương trình huấn luyện khởi nghiệp chất lượng cao, có chiều sâu, có nhiều điểm mới lạ so với các chương trình khởi nghiệp khác.

Các học viên tham gia chương trình

Phương pháp tạo lập mô hình kinh doanh của Nhật Bản có tính định lượng cao, tập trung phân tích và giải quyết vấn đề khởi nghiệp dựa trên cơ sở các số liệu, thang đo và logic, nhờ vậy có ưu điểm là rõ ràng, chính xác, thực tiễn và có tính thuyết phục cao. Phương pháp tiếp cận này kỳ vọng giúp các nhà khởi nghiệp có thể tự hoạch định được cho mình một kế hoạch kinh doanh khả thi, rõ ràng, hướng mục tiêu và giúp các chủ doanh nghiệp đang hoạt động định hình và đánh giá lại mô hình kinh doanh hiện tại, nhận biết được hạn chế để tối ưu hóa và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Chia sẻ về chương trình này, Ông Yashiro Hiroaki, Cố vấn trưởng Dự án Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp (JICA) cho biết: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu về phương pháp quản trị kinh doanh của người Nhật tới các doanh nghiệp Việt Nam. Các bạn cố gắng không ngừng để học hỏi cách quản lý và phát triển doanh nghiệp hiệu quả của người Nhật. Tôi hy vọng rằng các bạn có thể ứng dụng các cách thức quản lý mới để phát triển doanh nghiệp của mình”.

Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (TAC) cho biết: “Đây là chương trình rất thực tiễn và cụ thể, cách tiếp cận logic và có tính ứng dụng cao. Vì vậy, tôi kỳ vọng chương trình này có thể thay đổi cách tư duy khởi nghiệp để hiện thực hóa mô hình kinh doanh và phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả”.

Tham gia học tập tại chương trình, ông Lê Xuân Trường, cán bộ Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển chia sẻ: “Ban tổ chức truyền tải rất nhiều kiến thức quan trọng cũng như các yếu tố cần có để bắt đầu khởi nghiệp, ví dụ như: chiến lược, mục tiêu rõ ràng và đo lường được. Đây là giá trị mà tôi hy vọng rằng không chỉ dừng lại ở khóa học lần này, Trung tâm sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp ngày càng phát triển”.

Ông Lê Quý Vinh, Giám đốc Công ty Cơ điện và Xuất nhập khẩu Toàn cầu cũng rất tâm đắc với chương trình: “Mặc dù mình đã làm doanh nghiệp 10 năm và hiện đang kinh doanh, nhưng nếu không qua những khóa học như thế này thì sẽ không vận hành được doanh nghiệp một cách bài bản”.

Đến với chương trình khởi nghiệp tạo lập mô hình kinh doanh theo phương pháp Nhật Bản, các học viên có cơ hội lĩnh hội nhiều kiến thức và phương pháp tiếp cận khởi nghiệp mới, mở rộng quan hệ và kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn, nhà huấn luyện khởi nghiệp để phát triển bản thân và vững vàng hơn trên con đường kinh doanh của mình.

Chính Văn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thay-doi-tu-duy-khoi-nghiep-de-hien-thuc-hoa-mo-hinh-kinh-doanh-315472.html