Thay đổi thói quen sản xuất của nông dân

Chỉ cần thay đổi về cách chọn lựa loại giống, thay đổi thói quen sạ dày, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xài nhiều nước… là nông dân đã tiết kiệm được nhiều chi phí, gia tăng lợi nhuận. Lâu dài hơn, đó còn là cách bảo vệ sức khỏe, canh tác thân thiện và bền vững hơn với môi trường.

Nhiều lợi ích

Thành lập từ đầu năm 2007 nhưng chỉ trong khoảng 4 năm gần đây, các xã viên tham gia Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Thạnh (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) mới cảm nhận rõ rệt nhất những lợi ích mà HTX mang lại. Năm 2016, khi HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh được chọn triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh An Giang, thói quen canh tác của xã viên nông dân chuyển hẳn sang kỹ thuật tiến bộ “1 phải, 5 giảm”. Sản xuất theo cách mới, chi phí canh tác giảm xuống nhưng lúa vẫn đạt năng suất, chất lượng, lợi nhuận và thu nhập tăng lên nên bà con rất phấn khởi.

Là một nông dân có thói quen sản xuất theo kinh nghiệm nhưng từ khi được tập huấn và áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” trong khuôn khổ Dự án VnSAT An Giang, ông Nguyễn Văn Đảm (thành viên HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh) như khắc vào đầu từng thông số của lối sản xuất mới. Theo ông Đảm, “1 phải” là phải sử dụng giống xác nhận, còn “5 giảm” bao gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc BTVT, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch.

“So với giống nguyên chủng thì giống xác nhận thuần đến 99%. Sử dụng giống xác nhận là tiền đề cho cây lúa khỏe, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giảm lượng giống gieo sạ xuống hơn một nửa (từ trên 200kg/ha xuống còn 80-100kg/ha). Hạt lúa giống nảy chồi mạnh, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ đậu hạt cao. Từ 1 hạt lúa giống cho ra được khoảng 70 hạt lúa thu hoạch.

Như vậy, dù sạ thưa nhưng năng suất vẫn đạt 8 tấn/ha. Sạ thưa cũng giúp giảm áp lực sâu bệnh nên giảm lượng thuốc BTVT cũng như số cữ phun thuốc. Khi áp dụng bón phân cân đối, hợp lý, dù giảm lượng phân nhưng lúa vẫn phát triển tốt, ít đổ ngã. Nhờ áp dụng cơ giới hóa (máy gặt đập liên hợp, lò sấy…) nên giảm thất thoát sau thu hoạch. Với kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, tưới tiết kiệm nước, giảm được số lần bơm nước tưới nên tiết kiệm chi phí đáng kể” - ông Đảm phân tích.

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới ra tận ruộng thăm hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thạnh

Khi nhiều loại chi phí giảm mà năng suất lúa vẫn đảm bảo, chất lượng lúa đạt yêu cầu xuất khẩu, giá bán cao nên lợi nhuận sản xuất theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tăng 20-30% so với cách canh tác thông thường cũng là điều dễ hiểu. “Tôi thấy có chuyển đổi nông nghiệp bền vững được hay không là phải đi từ con người. Nông dân phải mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ, áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ thì mới giảm chi phí, tăng hiệu quả được” - ông Đảm nhấn mạnh.

Động lực cho hợp tác xã

Gia đình có 10 công đất (1ha) tham gia HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh, bên cạnh gia tăng lợi nhuận, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng còn cảm thấy vui vì có lợi cho sức khỏe nông dân. “Hồi trước mần lúa xịt thuốc rất nhiều, chồng tôi thường xuyên vác bình xịt suốt ngày ngoài đồng. Nay áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, lượng thuốc phun xịt giảm xuống nên số cữ phun giảm lại, chồng tôi ít tiếp xúc hơn với phân, thuốc hóa học nên cũng tốt hơn cho sức khỏe. Kỹ thuật phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách) cũng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Không mất quá nhiều thời gian với đồng ruộng, mình có thể làm thêm những việc khác” - chị Hằng đánh giá.

Trên cánh đồng 600ha của HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh, khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Hệ thống đê bao, thủy lợi hoàn chỉnh, 49 xã viên nông dân đoàn kết, thống nhất canh tác lúa theo kế hoạch của HTX. Từ khi tham gia Dự án VnSAT An Giang, con đường ra cánh đồng của HTX được đầu tư thành đường bê-tông vững chãi, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác tiến bộ “1 phải, 5 giảm”, giúp tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận canh tác. Các xã viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Điển hình như ông Nguyễn Thiều Thanh Thế, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh, cả 4 người con đều tốt nghiệp đại học và sau đại học, có công việc ổn định.

Hôm đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Carolyn Turk (Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam) bà Robyn Mudie (Đại sứ Australia) dẫn đầu đến khảo sát HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh, nơi triển khai Dự án VnSAT do WB và Chính phủ Úc tài trợ, đoàn xe 4 chỗ chạy băng băng ra giữa cánh đồng HTX, trao đổi với các xã viên ngay bên cánh đồng lúa nặng trĩu bông.

“Chúng tôi rất vui khi những hỗ trợ của Chính phủ Úc phát huy hiệu quả. Chính phủ Úc sẽ tiếp tục đồng hành cùng WB hỗ trợ các dự án ở An Giang, nhất là những dự án liên quan đến chuyển đổi nông nghiệp bền vững, chuyển đổi sinh kế người dân, quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu” - Đại sứ Australia Robyn Mudie nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thay-doi-thoi-quen-san-xuat-cua-nong-dan-a290719.html