Thay đổi thói quen để giảm ô nhiễm chất thải nhựa

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 với chủ đề 'Giải quyết chất thải nhựa và ni lon', một thông điệp lớn được gửi tới cộng đồng là 'cần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lon' để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Hoạt cảnh về sự nguy hại của chất thải nhựa đối với đại dương tại lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tổ chức tối 4/6 tại Bình Định. Ảnh: Báo Bình Định

Theo số kiệu của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi năm con người sống trên hành tinh thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để cuốn quanh Trái đất 4 lần khi có khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lon, hộp đựng đồ ăn, cốc nước, ống hút...) trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng do khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hệ sinh thái. Còn khi đốt, chất thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Ở Việt Nam, theo đánh giá của Bộ TN&MT, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường hằng ngày rất lớn nhưng số được xử lý còn rất thấp. Đây chính là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là ‘ô nhiễm trắng’.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng khoảng 5-7 túi ni lon/ngày. Như vậy mỗi ngày, đã có hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, trung bình thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lon/ngày.

Điều này cho thấy chất thải nhựa đang trở thành vấn nạn đối với môi trường cả vùng đô thị và nông thôn và việc giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa đang được đặt ra cấp bách.

Nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa, tối 4/6 tại Bình Định, Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6.

Phát biểu tại buổi lễ, khẳng định quyết tâm hành động, thay đổi nhận thức nhằm ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi ni lon, lãnh đạo Bộ TN&MT kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, bằng hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lon để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Bộ TN&MT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, các ngành chức năng tăng cường giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa. Áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân, DN vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải. Tổ chức thực hiện việc thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni lon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư…

Nhận thức được những tác hại to lớn do chất thải nhựa và túi ni lon gây ra, nhiều địa phương cũng tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018.

Tại Bình Định, tỉnh đề nghị các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, DN, các cơ quan báo chí và cộng đồng dân cư thay đổi thói quen bằng việc hạn chế sử dụng túi ni lon, chuyển sang ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường…

Cũng trong ngày 4/6, tỉnh Lào Cai đã tổ chức phát động “Tháng hành động vì môi trường năm 2018” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

Trong dịp này, tỉnh Lào Cai kêu kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen trong cuộc sống hằng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường và tác động của chất thải nhựa thông qua lễ phát động “Ngàn chữ ký, triệu quyết tâm bảo vệ môi trường”. Mỗi chữ ký thể hiện một tiếng nói tích cực, một thông điệp nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội cùng quyết tâm xây dựng môi trường sống “xanh – sạch – đẹp”.

Cùng ngày, tỉnh Hậu Giang tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

Theo đó, từ nay đến hết tháng 6/2018, Hậu Giang đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng, tạo thành chuỗi hoạt động trong Tháng hành động vì môi trường. Các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng nhằm khuyến khích cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lon...

Các Đại sứ và đối tác quốc tế ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa ngày 4/6 tại Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TN&MT

Cũng trong ngày 4/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới bằng việc ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa.

Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan mình và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa.

Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.

Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.

Thanh Xuân (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/thay-doi-thoi-quen-de-giam-o-nhiem-chat-thai-nhua/338246.vgp