Thay đổi quan điểm về dự án dệt nhuộm

Sự lo ngại về ô nhiễm môi trường khiến một số địa phương có tâm lý e dè với dự án dệt nhuộm hoàn tất. Định kiến này cần được thay đổi nhằm tạo lối mở cho khâu thượng nguồn của ngành dệt may và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiều băn khoăn

Tập đoàn TLA (Hong Kong) đã đề xuất đầu tư dự án dệt nhuộm, công suất 60,9 triệu mét vải/năm, tổng vốn đầu tư 350 triệu USD tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích các yếu tố cơ bản như nguồn nước, hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, đặc biệt là công nghệ, các chuyên gia khuyến cáo Vĩnh Phúc nên thận trọng với dự án này do rất khó bảo đảm yếu tố môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm cần vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại

Hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm cần vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại

Không chỉ Vĩnh Phúc, một số địa phương cũng rất thận trọng trong việc cấp phép cho dự án dệt nhuộm. Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) - các địa phương lo ngại dự án sử dụng lượng nước lớn, cùng với đó, một số hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, những vấn đề này đều có thể giải quyết bởi công nghệ. Nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép, rất khó tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ theo những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Thực tế, bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường - trở ngại chính khiến các dự án dệt nhuộm bị lạnh nhạt, còn rất nhiều nguyên do khiến khâu thượng nguồn (dệt nhuộm hoàn tất) của dệt may Việt Nam khó phát triển.

Yếu tố đầu tiên là vốn đầu tư quá lớn. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - từng phân tích, đầu tư một vị trí làm việc của công nhân may mất khoảng 3.000 USD nhưng đầu tư cho một vị trí tương tự trong ngành dệt phải gấp hơn 60 lần. Đây là số vốn không nhỏ, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, lĩnh vực dệt nhuộm đang thiếu nhân lực, số lao động được đào tạo bài bản, có trình độ cao rất ít. Doanh nghiệp ngành may hiện vẫn chủ yếu sản xuất gia công, nguyên phụ liệu được mua theo chỉ định của nhà nhập khẩu...

Đầu tư trọng điểm

Ngành dệt may đang phát triển lệch, khâu hạ nguồn (may) phát triển nhanh hơn khâu thượng nguồn. Đây là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng của ngành cải thiện chậm, có nguy cơ doanh nghiệp trong nước không tận dụng hết được ưu đãi từ các hiệp định thương mại do. Do đó, phát triển dệt nhuộm hoàn tất là tất yếu cho sự phát triển bền vững của ngành. Để làm được điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, cần đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo lao động, ưu tiên đào tạo kỹ sư có trình độ cao, có khả năng tiếp cận với công nghệ tự động; xây dựng các khu công nghiệp dành cho dệt nhuộm tại khu vực ven biển và buộc phải có hệ thống xử lý nước thải với công nghệ hiện đại; phát triển hạ tầng logistics giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước phản ánh của Vitas về việc các địa phương không mặn mà với dự án dệt nhuộm hoàn tất, Bộ Công Thương đã đề nghị các tỉnh, thành phố cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với dự án này. Bộ Tài chính nghiên cứu hướng sửa đổi các luật thuế để công bằng hơn giữa vật tư, nguyên phụ liệu nhập khẩu và nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư.

80% lượng vải để sản xuất sản phẩm xuất khẩu của ngành dệt may phải nhập khẩu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá trị gia tăng của ngành cải thiện chậm trong nhiều năm qua.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thay-doi-quan-diem-ve-du-an-det-nhuom-108335.html