Thay đổi phương thức thanh toán giao dịch trái phiếu: Tăng an toàn cho hệ thống tài chính

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã phát triển lên một tầm cao mới với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng.

Lễ khai trương triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước, ngày 1/8/2017. Ảnh: H.V.

Thực tế trên đòi hỏi cần phải đổi mới mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP nhằm hướng tới mục tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Huy động vốn tăng 5 lần

Những năm gần đây thị trường tài chính - tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán đã có bước phát triển ổn định và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế. Giá trị huy động vốn từ khi khai trương đến nay đã đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2011-2016, mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2005-2010, đóng góp bình quân 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương khoảng 50% so với nguồn vốn tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng tính đến 2016, quy mô toàn thị trường chứng khoán chiếm khoảng 70% GDP (năm 2000 chỉ đạt 0,6% GDP).

Cùng với sự lớn mạnh chung của thị trường chứng khoán, trải qua hơn 8 năm hình thành và phát triển, thị trường TPCP chuyên biệt đã có bước phát triển vượt bậc và đi vào chiều sâu. Hàng hóa được tăng cường với kỳ hạn phát hành ngày càng đa dạng, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2017, quy mô niêm yết TPCP đạt 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP, tổng giá trị giao dịch TPCP trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 861 nghìn tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân phiên khoảng 7.700 tỷ đồng, gấp 21 lần so với năm 2009. Về giá trị thanh toán trên thị trường TPCP, 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 586% so với năm 2010.

Trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP của Việt Nam được tổ chức theo phương thức bù trừ đa phương qua ngân hàng thương mại được đánh giá là khá phù hợp với quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường TPCP đã phát triển lên tầm cao hơn, đòi hỏi cần phải đổi mới mô hình thanh toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, bảo đảm an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Theo ông Dương Văn Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án “Thanh toán tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước” trên cơ sở đề án “Kết nối hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia” đã có từ năm 2009. Để tổ chức triển khai, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD xây dựng đề án “Chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước”. Đề án đã được phê duyệt vào đầu năm 2016.

Bộ Tài chính giao VSD là đầu mối và là đơn vị thực hiện thanh toán TPCP, giám sát thành viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán giao dịch TPCP. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là đầu mối ở phía Ngân hàng Nhà nước, là đơn vị thanh toán tiền giao dịch TPCP. Sở này cũng sẽ cùng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và xử lý tình huống khi xảy ra mất khả năng thanh toán tiền của các ngân hàng thương mại.

Sau hơn 1 năm chuẩn bị, mọi công tác từ ban hành văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đến xây dựng hệ thống, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đã hoàn tất và VSD đã chính thức tiếp nhận và thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 1/8/2017.

Có gì mới?

Phân tích về mô hình thanh toán mới, đại diện VSD cho biết: Trước đây, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là ngân hàng thương mại, cụ thể là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Về mô hình tổ chức thanh toán tiền giao dịch TPCP, theo mô hình hiện nay ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là ngân hàng thương mại (hiện là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam). Việc thanh toán theo mô hình này sẽ không thể đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống xét ở khía cạnh khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh do giao dịch TPCP thường được thực hiện với giá trị rất cao, nhiều khi vượt quá khả năng bảo lãnh của ngân hàng thương mại. Với mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là Ngân hàng Nhà nước vì chỉ Ngân hàng Nhà nước với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các ngân hàng thương mại mới có thể giải quyết được các vấn đề này.

Về thành viên tham gia thanh toán giao dịch TPCP, theo phương thức cũ, tất cả thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSD từ thành viên có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế đến thành viên có quy mô lớn, năng lực tài chính tốt đều được phép tham gia hệ thống thanh toán giao dịch TPCP. Điều này dẫn tới nhiều rủi ro cho hệ thống thanh toán, do trên thực tế chỉ các thành viên quy mô nhỏ, năng lực tài chính kém mới để xảy ra trường hợp thiếu hụt tiền thanh toán và các thành viên này không có tài sản đảm bảo để áp dụng cơ chế hỗ trợ tiền từ ngân hàng thanh toán nên khả năng loại bỏ không thanh toán giao dịch là rất cao.

Theo mô hình mới, không phải thành viên lưu ký hay tổ chức mở tài khoản trực tiếp nào cũng được tham gia thanh toán tiền giao dịch TPCP. Cụ thể, các tổ chức thực hiện chuyển giao TPCP trên hệ thống tài khoản lưu ký tại VSD bao gồm: Thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, Kho bạc Nhà nước và VSD. Các tổ chức thanh toán tiền trực tiếp trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước gồm: Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thành viên thanh toán, thành viên lưu ký là ngân hàng thương mại, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước. Các công ty chứng khoán, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không phải là ngân hàng thương mại sẽ phải lựa chọn một ngân hàng thành viên thanh toán để thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP.

Về phương thức thanh toán, việc thanh toán giao dịch TPCP theo mô hình cũ được thực hiện theo phương thức bù trừ đa phương, còn theo phương thức mới, căn cứ vào kết quả giao dịch do Sở Giao dịch Chứng khoán cung cấp, VSD xác định nghĩa vụ thanh toán TPCP và tiền TPCP cho các thành viên, tổ chức mở tài khoản trực tiếp liên quan theo từng giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán. Việc thanh toán giao dịch TPCP sẽ được thực hiện theo từng giao dịch và theo nguyên tắc thanh toán ngay cho giao dịch có đủ TPCP và có đủ tiền vào ngày thanh toán. Thời gian thanh toán là từ 9 giờ đến 15 giờ 30 phút ngày T+1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Việc đưa vào thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của thị trường, bảo đảm an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP nói riêng và toàn thị trường nói chung. Cùng với sự ra đời của các sản phẩm/dịch vụ mới của thị trường như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm, vay và cho vay TPCP để bán,... việc triển khai thanh toán tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Ông Phạm Thanh Hà - Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam:

Chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP sang Ngân hàng Nhà nước là một trong những giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu đúng đắn, phù hợp thông lệ quốc tế, giải quyết được các vấn đề về xung đột lợi ích, bảo đảm an toàn cho cả hệ thống. Hiệp hội sẽ tích cực lắng nghe ý kiến từ các thành viên thị trường để cùng đóng góp xây dựng hoàn thiện hệ thống, giúp phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Hệ thống thanh toán tiền liên ngân hàng là xương sống trong hệ thống thanh toán quốc gia. Ngân hàng Nhà nước khi tham gia với chức năng là đơn vị thanh quyết toán tiền giao dịch TPCP thông qua các cơ chế hỗ trợ đối với các ngân hàng thương mại là thành viên thanh toán sẽ không gây áp lực lên bất kỳ một ngân hàng thương mại nào, từ đó bảo đảm thị trường trái phiếu vận hành thông suốt, an toàn, bảo đảm được hiệu quả điều hành chính sách tài khóa.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thay-doi-phuong-thuc-thanh-toan-giao-dich-trai-phieu-tang-an-toan-cho-he-thong-tai-chinh.aspx