Thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

Với quan niệm 'con nào cũng là con', nhiều cặp vợ chồng dù sinh 2 con gái nhưng quyết không sinh con thứ 3 để tập trung nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Đây là những tấm gương về gia đình hạnh phúc, góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Vượt qua định kiến

Có dịp gặp nhiều bậc cha mẹ sinh con một bề là gái được UBND TP. Nha Trang tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu mới đây, chúng tôi nhận thấy tuy mỗi nhà mỗi cảnh nhưng điểm chung là họ đã vượt qua định kiến để cùng nhau chăm lo, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Đặng Trọng Thiết (phường Vạn Thắng) chia sẻ: “Tôi là con một nên khi vợ sinh 2 con gái, nhiều người khuyên tôi cố sinh thêm con trai. Tuy nhiên, quan điểm của tôi rất rõ ràng, con nào cũng là con, điều quan trọng là làm sao nuôi dạy con nên người. Đáp lại công lao của bố mẹ, hai con gái của chúng tôi luôn chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu tốt nghiệp một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh loại xuất sắc. Vừa ra trường, cháu đã có việc làm ổn định; con gái thứ hai đang học lớp 10. Trong suốt quá trình học tập, hai cháu mang về nhiều giải cao trong các cuộc thi của trường và thành phố”.

Bà Hà Thị Mai, phường Lộc Thọ là gia đình tiêu biểu của TP. Nha Trang nhiều năm liền.

Bà Hà Thị Mai, phường Lộc Thọ là gia đình tiêu biểu của TP. Nha Trang nhiều năm liền.

Ông Trần Xuân Thầm (phường Tân Lập) là người cha nghiêm khắc nhưng lại vô cùng tâm lý với con cái. Con trai cả của ông lập gia đình và sinh được 2 bé gái nhưng ông không gây áp lực phải sinh con thứ 3. Ông tâm sự: “Với tôi, gia đình hạnh phúc không phải vì có con gái hay con trai mà là tình yêu thương, sự sẻ chia xuất phát từ trái tim của mỗi thành viên. Không phải con gái ít hiếu thuận hơn con trai hay ngược lại. Nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng vẫn có được hạnh phúc trọn vẹn khi các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, những người làm bố, mẹ đừng gây sức ép để con mình phải sinh con thứ 3, phải sinh bằng được con trai. Điều quan trọng là động viên lớp trẻ nuôi dạy con tốt”.

Từng bước thay đổi nhận thức

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, so với kế hoạch năm 2019, năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 110,1 bé trai/100 bé gái, giảm 0,7%. Tuy vậy, theo bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh vẫn ở mức báo động. Nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, gây ra tình trạng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai. Bình đẳng giới là cốt lõi sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó giải pháp trọng tâm là làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của trẻ em gái.

Bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác bình đẳng giới, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh, thực thi các chính sách nhằm bảo đảm cân bằng giới tính. Điều quan trọng nhất là phải từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.

Để việc tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả, bà Oanh cho rằng, cần phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác dân số phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu của các chiến dịch truyền thông là đưa thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến nhiều người, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ cách nghĩ “trọng nam khinh nữ” để toàn xã hội chung tay giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202102/thay-doi-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi-8208347/