Thay đổi nhận thức để bảo tồn văn hóa

Trải qua những đợt toàn cầu hóa, nhiều thành phố lịch sử châu Á đã và đang bị đe dọa hủy hoại. Người ta đến rất nhiều khu phố cổ ở Băng Cốc, rất nhiều khu phố cổ ở Singapore hay Malaysia đã không còn thấy dấu tích của các không gian kiến trúc cổ...

KTS Trần Huy Ánh.

Hà Nội (HN) hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia vẫn đang giữ lại được những dấu ấn lịch sử. Nhưng trong guồng quay của sự phát triển kinh tế, các đợt toàn cầu hóa, HN không tránh khỏi những thách thức, khó khăn. KTS Trần Huy Ánh chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

PV: Thưa ông, trước bối cảnh đô thị hóa, HN đang phải đứng trước những thách thức, khó khăn nào để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển?

KTS Trần Huy Ánh: HN hôm nay sau các quá trình đô thị hóa, khu vực cho thị dân truyền thống vẫn giữ được không khí, không gian, hồn cốt, trong khi đến Băng Cốc chúng ta không tìm thấy nữa, đến Malaysia chúng ta không tìm được… Nhưng chỉ cần đến HN, chúng ta biết được phố Hàng Ngang, Hàng Buồm…

Tại sao ta giữ được và đang đối mặt với khó khăn nào là câu hỏi được đặt ra rất nhiều. Cả một nền kinh tế sản xuất của người kẻ chợ, buôn bán sản xuất tại chỗ, và kết nối với làng nghề thì bây giờ khi toàn cầu hóa thương mại hóa thì sản xuất hàng loạt, sản xuất hàng hóa đứt gẫy mối liên hệ ấy, mô hình sản xuất ấy. Cho nên khu phố cổ dần chuyển sản xuất thương mại sang thương mại, dịch vụ và du lịch. Nhưng thương mại, dịch vụ và du lịch thì người ta thu hút cái gì, nếu không phải là hồn cốt của nó. Nếu anh phát triển du lịch quá nhanh như Băng Cốc như các thành phố châu Á khác thì anh mất đi văn hóa bản địa. HN nếu mà mất đi dấu ấn đó thì người ta không đến HN nữa, cho nên đó là sự cân bằng mong manh giữa phát triển và cái bảo tồn. Và HN cho đến giờ phút này vẫn làm tốt, vẫn hiện đại hóa. Thậm chí vẫn phá rất nhiều các công trình, khu phố mái ngói cổ xưa để thay vào đó những khách sạn nhưng vẫn phải cố gắng giữ lại những di sản kiến trúc, công trình lịch sử công trình tôn giáo, đấy là không gian cảnh quan.

Ví dụ như Hồ Gươm chẳng hạn, phải rất vất vả để giữ lại được không gian cảnh quan thì mới còn là Hồ Gươm. Chúng ta mà cứ xây xung quanh Hồ Gươm toàn những nhà cao ốc thì không ai đến Hồ Gươm nữa, mà người HN cũng sẽ rất thất vọng về quản trị đô thị.

Ta không thể nào nói là đừng làm du lịch, dừng làm thương mại, bởi vì đấy là điều làm cho quận Hoàn Kiếm là một trong những quận thu ngân sách tốt nhất HN mà không phải bán đất. Tăng trưởng kinh tế là một động lực rất mạnh mẽ, nhưng phải làm sao vẫn gắn được với bảo tồn. Cho nên quận Hoàn Kiếm có hai cái mạnh, một là huy động cộng đồng, những công dân mới trong phố cổ đã chung tay chia sẻ làm ra một phố cổ có không khí. Các bạn có thể xuống phố, và thấy rằng người ta đã thay đổi từng cái bàn cái ghế, cửa hàng, biển hiệu để làm sao có tính hấp dẫn hơn cho việc kinh doanh của họ, nhưng cũng lại là đóng góp cho việc duy trì văn hóa địa phương, duy trì văn hóa bản địa.

Thứ hai, trong phạm vi của nguồn ngân sách hạn hẹp thì tập trung giải quyết những công trình mang tính lịch sử, các đình chùa, đặc biệt các công trình nhà cổ thì là tập trung và bảo tồn có thể đưa bớt người sử dụng sai mục đích đi và phục chế lại, thì đã lấy lại được cái tinh thần của nó trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa truyền thống như ca trù, hát chèo… Và cái hay nhất chính là phố đi bộ. Nó sẽ hủy hoại rất nhanh nếu mà được cấu trúc lại là cơ giới, xe máy ô tô đi vào. Như thế là sẽ phải xén vỉa hè, sẽ phải đỗ ô tô… Anh làm chậm lại việc di chuyển thì lại tăng nhanh việc thương mại, dịch vụ. Khi đi bộ người ta cảm nhận nghệ thuật, cảm nhận đường phố thì những ngôi nhà sẽ đẹp lên.

Có thống kê nào không về lượng khách thay đổi khi đến HN trong những năm gần đây?

- Chúng ta biết rằng một năm HN thu hút trên 5 triệu khách du lịch, trong đó 80% là ở phố cổ. Người ta đến HN là người ta vào phố cổ sống chứ có thích vào khách sạn 5 sao đâu. Con số nói lên tất cả con đường đi đúng. Khi thấy con đường đi đúng thì ta phải phát huy chứ không phải cứ thấy nhiều khách đến thì ta cứ đập nhà cổ đi. Một lúc nào đó mà phố cổ trở thành phố khách sạn hiện đại thì người ta sẽ không đến nữa. Cho nên đấy chính là sự hài hòa, là lựa chọn thông minh trong việc bảo tồn và phát triển.

Quan điểm của ông là giữ nguyên phố đi bộ vào những ngày cuối tuần?

- Phố đi bộ trước mắt là ngày cuối tuần. Đây là quan điểm rất hiện đại trong đô thị, gọi là nền kinh tế chia sẻ. Chia sẻ tức là trong tuần đường phố là để dành cho các hoạt động, quan hệ về chính quyền người dân, buôn bán… Ngày cuối tuần thì là ngày nghỉ ngơi.

Anh thấy đi bộ tốt hơn đi xe máy, ô tô, hạn chế ồn, ô nhiễm thì anh mở rộng phố đi bộ ra. Và càng mở rộng phố đi bộ thì hóa ra tốc độ phát triển kinh tế của địa phương nhanh hơn là ưu tiên việc đi lại. Đường vành đai thành phố ô tô đi rất nhanh, nhưng chỗ đấy kinh tế không phát triển, người ta trượt qua đô thị ấy chứ người ta không dừng lại ở đô thị ấy để làm cho đô thị ấy giàu có lên. Ta không thể một ngày một đêm mà biến thành cả phố đi bộ. Ban đầu ta làm Hồ Gươm thành phố đi bộ những ngày cuối tuần, nếu thêm được 1 ngày nữa thì tốt, trẻ con được nghỉ thêm càng tốt. Không chỉ các ngày cuối tuần mà các buổi tối cũng được, thì chúng ta lại tăng thêm các buổi tối lên, rồi tăng thời điểm, thời gian, tăng không gian, mở rộng từ Hồ Gươm lên phố cổ và kết nối lại.

Vâng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng không gian công cộng của HN nói chung rất chật hẹp, cần phải mở rộng thêm nữa?

- HN vốn được xây dựng là một thành phố công cộng. Một thành phố công cộng trong quy hoạch của lịch sử, đấy chính là những ngôi nhà của người dân rất tuềnh toàng nhưng những nơi công cộng như đình, chùa, chợ thì rất khang trang. Bà con chúng ta, dân tộc chúng ta đã có cái khát khao chia sẻ với nhau rất chặt chẽ. Khi xây dựng thành phố này chúng ta đã dành rất nhiều không gian công cộng, từ vỉa hè, trường học, nhà văn hóa, thậm chí một bãi cỏ ven sông, triền đê, đấy không phải của ai cả, là của công. Thậm chí người HN dành rất nhiều thời gian đi chợ, ngày xưa đi chợ dân sinh la cà, ở đấy nhiều hơn ở nhà để gặp bà con, gặp người bán hàng ở trong quê... thì nó chính là thành phố công cộng.

Trong quá trình thương mại hóa, phát triển kinh tế, đôi khi bà con ưu tiên chuyện phát triển mà dành nhiều không gian công cộng thành không gian tư đỗ xe máy, đỗ ô tô, bày hàng hóa. Việc ấy mỗi người một ít cho nên thành phố trở thành phi công cộng. Nhưng nếu chúng ta nói sáng kiến thành phố chúng ta đi bộ nhiều, là chức năng công cộng của không gian cộng cộng vốn có thì bản chất đã là mở rộng rồi.

Trong mở rộng nhận thức thì đã mở rộng rồi, chưa kể chúng ta nếu nhận thức sâu sắc nữa thì chúng ta sẽ có nhiều dự án để công cộng hóa những không gian đa lợi ích đa nhiệm vụ, hôm nay là phố đi bộ, mai là nơi hoạt động chính trị văn hóa xã hội, rồi trở thành không gian văn hóa lễ hội… Đó chính là không gian công cộng trong một nền kinh tế chia sẻ. Thay đổi từ nhận thức để có thể khai thác tối đa những nguồn lực hiện có, chưa nói đến vay mượn.

Chúng ta chỉ cần thay đổi nhận thức trước đã, nhìn ra việc phát triển các không gian đa năng tốt hơn nữa, thì không hề mâu thuẫn gì cả. Phát triển không gian công cộng làm cho thành phố bản sắc hơn, doanh thương tốt hơn, kinh tế mua bán tốt hơn, chất lượng sống của bà con trong khu phố cũng như khách đến ngày càng hấp dẫn hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Huyền Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/thay-doi-nhan-thuc-de-bao-ton-van-hoa-tintuc420575