Thay đổi mô hình tăng trưởng lấy kinh tế tri thức làm trọng tâm

Trong thời gian qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng GDP khá cao, nhưng tới mức này thì khó vì mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam đã đến mức giới hạn và đòi hỏi mô hình tăng trưởng mới hiệu quả. Việt Nam đòi hỏi tăng trưởng bền vững và duy trì mức tăng GDP trong khoảng 6,5%-7%/năm trong thời gian tới, nhưng Việt Nam không duy trì tăng trưởng nhanh bằng mọi giá để ảnh hưởng đến môi trường.

Vietnam Summit 2016 tại TPHCM

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực dù sức tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chững lại. Theo Economist Intelligence Unit (EIU) dự đoán tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ vào khoảng 6%, và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017. Liệu con thuyền phía trước có được thuận buồm xuôi gió? Đâu là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam là những vấn đề được thảo luận tại Vietnam Summit 2016 diễn ra vào sáng ngày 3.11 tại thành phố HCM với sự tham gia của các lãnh đạo từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và tài chính, các chuyên gia và học giả trong và ngoài nước.

Theo ông Jon Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á, The Economist, nhờ tăng trưởng vững mạnh trong nhiều năm liền, Việt Nam đã vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ổn định. Chính sách hoạch định kinh tế dài hạn và ổn định của chính phủ cũng giúp nguồn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Việt Nam đang tiến gần dòng chảy kinh tế toàn cầu, nhưng vị trí địa lý cũng cho thấy quốc gia này gắn chặt với chuỗi cung ứng trong khu vực. Việt Nam còn được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại, điển hình là TPP, ngoài ra các cải cách kinh tế trong nước cũng đã thúc đẩy kinh tế và thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các chuyên gia kinh tế thế giới vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra đó là kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh cần được cải thiện. Đơn cử như, Chính phủ đã cam kết sẽ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu quả hoạt động ở lĩnh vực tư nhân đang đi xuống. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là định hướng mô hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới của Chính phủ Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thành công của 30 năm đổi mới của Việt Nam có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ rào cản thành công để phát triển kinh tế. Thứ hai, Việt Nam đã tận dụng được nguồn nhân lực, nhân công và tận dụng được nông nghiệp để phát triển thành thế mạnh của mình. Thứ ba, Việt Nam sớm hội nhập quốc tế và lấy hội nhập làm trọng tâm giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại với các nước. Các chuẩn mực thương mại quốc tế cũng đã giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế của mình. Tiếp nối thành công đó, Việt Nam đang tiến hành quá trình đổi mới.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng GDP khá cao, nhưng thời gian tới mức này là khó vì mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam đã đến mức giới hạn và đòi hỏi mô hình tăng trưởng mới hiệu quả. Việt Nam đòi hỏi tăng trưởng bền vững và duy trì mức tăng GDP trong khoảng 6,5%-7%/năm trong thời gian tới, nhưng Việt Nam không duy trì tăng trưởng nhanh bằng mọi giá để ảnh hưởng đến môi trường. Để có thể đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có một sư thay đổi về mô hình tăng trưởng. Trước đây kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, đến nay cần thay đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao mô hình phát triển, tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh, áp dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật cao đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó chính là những nhân tố để tăng mô hình phát triển, kết hợp chiều rộng lẫn chiều sâu, Phó Thủ tướng nhận định.

Bảo Chương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/thay-doi-mo-hinh-tang-truong-lay-kinh-te-tri-thuc-lam-trong-tam-607609.bld