Thay đổi lớn sau khi nữ hoàng Anh qua đời

Hình ảnh và tên của Nữ hoàng Elizabeth II trên tiền, hàng loạt vật dụng và các loại văn bản, nghi lễ, sẽ được thay thế bằng tên và hình ảnh của tân vương.

Khi vua George VI qua đời trong giấc ngủ tại Sandringham vào rạng sáng 6/2/1952, con gái lớn của ông, Công chúa Elizabeth, khi đó đang thăm Kenya cùng chồng, ngay lập tức trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

Robert Blackburn, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học King’s College London, nói với quốc hội: “Quá trình tương tự sẽ diễn ra, khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời cũng là lúc Thái tử Charles III lên ngôi vua”.

Tuy nhiên, sau triều đại dài kỷ lục của Nữ hoàng, việc bóc tách tên, hình ảnh và biểu tượng của bà khỏi cấu trúc đời sống quốc gia ở Anh và trên toàn Khối Thịnh vượng chung sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dưới đây là một số điều sẽ cần phải thay đổi.

Cờ

Từ những lá cờ treo bên ngoài đồn cảnh sát trên khắp nước Anh cho đến cờ hoàng gia được sử dụng trên tàu hải quân, hàng nghìn lá cờ có ký hiệu EIIR (viết tắt của “Nữ hoàng Elizabeth II”) sẽ cần phải được thay thế.

 Cờ hoàng gia Anh. Ảnh: Alamy.

Cờ hoàng gia Anh. Ảnh: Alamy.

Các trung đoàn quân sự, một số đội cứu hỏa, và các nước mà Nữ hoàng Elizabeth II được công nhận là nguyên thủ quốc gia, bao gồm Australia, Canada và New Zealand, họ đều có loại cờ mà các chuyên gia gọi “cờ E” - cờ cá nhân dành cho nữ hoàng, được sử dụng khi bà đến thăm. Chúng sẽ được thay thế bằng cờ có ký hiệu của tân vương.

Theo Guardian, rất có khả năng lá cờ 4 ô được treo bất cứ nơi nào quốc vương Anh có mặt cũng có thể được thay đổi.

Phiên bản trong triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II bao gồm 1/4 đại diện cho Scotland (sư tử), 1/4 cho Ireland (đàn hạc) và 2/4 đại diện cho Anh (3 con sư tử), nhưng không có phần đại diện cho xứ Wales. Lá cờ này đã được sử dụng từ rất lâu trước khi Wales có cờ riêng, được công nhận vào năm 1959. Quốc vương tiếp theo có thể kết hợp yếu tố Wales vào trong lá cờ mới.

Tiền giấy và tiền xu

Có 4,5 tỷ đồng bảng Anh đang được lưu hành có khắc hoặc in hình nữ hoàng, trị giá tổng cộng 80 tỷ bảng Anh. Việc thay thế chúng bằng phiên bản khắc hoặc in hình người trị vì mới có thể mất ít nhất 2 năm. Khi tờ 50 bảng Anh mới nhất được phát hành, Ngân hàng Trung ương Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế.

Khi Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vào năm 1952, quốc vương trước đó không còn được in trên tiền tệ của đất nước. Đến năm 1960, khuôn mặt của Elizabeth II bắt đầu xuất hiện trên tờ 1 bảng Anh.

Tờ 1 bảng Anh năm 1960 lần đầu tiên có hình Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Alamy.

Hình ảnh của nữ hoàng cũng xuất hiện trên một số tờ tiền 20 CAD ở Canada, trên tiền xu ở New Zealand và trên tất cả loại tiền xu và tiền giấy do ngân hàng trung ương Eastern Caribbean cũng như các khu vực khác của Khối thịnh vượng chung phát hành.

Các thiết kế tiền xu có thể được thay đổi chậm hơn. Thông thường việc chuyển đổi tiền xu diễn ra tự nhiên chứ không phải thông qua việc thu hồi.

Quốc ca

Về lý thuyết, một trong những thay đổi đơn giản nhất sẽ là chuyển lời của bài quốc ca từ " God save our gracious Queen" thành "God save our gracious King". Bài hát với phiên bản “Queen” đã được sử dụng từ năm 1745, chuyển đổi từ phiên bản "God save great George our king, Long live our noble king, God save the king".

Lời cầu nguyện

Nữ hoàng là "người bảo vệ đức tin và là lãnh đạo tối cao" của Giáo hội Anh, và vì vậy có những lời cầu nguyện cho bà trong Sách Cầu nguyện chung, có từ năm 1662. Một lời cầu nguyện trong số đó cầu xin chúa "cho bà ân điển Thánh Linh của ngài, cho bà có thể nương mình theo ý muốn của ngài và bước đi theo đường lối của ngài”.

Những điều này dự kiến được sửa đổi để trở thành lời cầu nguyện cho tân vương. Việc này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc lệnh của hoàng gia. Các linh mục cũng có thể điều chỉnh lời cầu nguyện để sử dụng cho phù hợp với người bảo vệ đức tin mới, trong các buổi lễ ngày Chủ nhật và lễ chiều.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II thời trẻ. Ảnh: Yousuf Karsh.

Vũ khí hoàng gia

Trên các khiên của binh sĩ hoàng gia có hình một con sư tử và một con kỳ lân. Hình ảnh này cũng được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan chính phủ và văn phòng phẩm. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ rất tốn kém, và dường như không cần thiết.

Tuy nhiên, những biểu tượng này sẽ cần phải thay đổi nếu quốc vương mới quyết định thêm yếu tố đại diện cho xứ Wales trên tấm khiên để phù hợp với bất kỳ thay đổi nào đối với cờ hoàng gia.

Giấy chứng nhận của hoàng gia

Giấy chứng nhận hoàng gia của nữ hoàng hiện áp dụng cho hơn 600 doanh nghiệp có lịch sử cung cấp đồ gia dụng hoàng gia. Các thương hiệu thích sử dụng hình chứng nhận của nữ hoàng trên các tài liệu tiếp thị của họ, bao gồm đàn piano Steinway, ngũ cốc Jordans, rượu gin của Gordon, trang sức Swarovski, đến các dịch vụ sửa ống nước, làm vườn,...

Sau cái chết của nữ hoàng, giấy chứng nhận của họ sẽ mất giá trị, trừ khi họ được người kế vị hoặc một thành viên khác của hoàng gia có quyền hạn ban cho một giấy chứng nhận mới.

Điều này có thể không xảy ra nhanh chóng. Khi Hoàng thân Philip qua đời, những người có giấy chứng nhận hoàng gia từ ông được ân hạn hai năm. Một quốc vương mới có thể quyết định điều chỉnh các tiêu chí cần đáp ứng để được hoàng gia cấp chứng nhận.

Hòm thư và tem

Các hòm thư hoàng gia có ký hiệu ER của Nữ hoàng Elizabeth khó có thể bị xóa. Một số hòm thư có in ký hiệu GR của Vua George VI vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, sau 70 năm. Tuy nhiên, bưu điện sẽ thay đổi tem, sử dụng hình ảnh của nhà vua mới.

Một hòm thư trên phố Regent, London, có ký hiệu của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Alamy.

Lời cam kết trung thành

Các nghị sĩ không được phép ngồi trong nghị viện, phát biểu trong các cuộc tranh luận, bỏ phiếu, hoặc nhận lương trừ khi họ cam kết trung thành với quốc vương. Kể từ năm 1952, lời tuyên thệ trung thành là: “Tôi (tên người tuyên thệ) thề trước Chúa toàn năng rằng tôi sẽ tận tâm và hết lòng trung thành với Nữ hoàng Elizabeth, những người thừa kế và người kế vị bà, theo luật pháp. Xin giúp đỡ, thưa Chúa”.

Các công dân mới của Anh cũng được yêu cầu tuyên thệ “trung thành hết lòng với Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, những người thừa kế và kế vị của bà”, và Bộ Nội vụ có khả năng sẽ thay đổi lời tuyên thệ đó.

Khối Thịnh vượng chung

Nữ hoàng từ trần là một thời khắc bấp bênh đối với một số quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung rộng lớn của Anh, 14 quốc gia trong số đó công nhận quốc vương của Anh là nguyên thủ quốc gia của họ.

Trong nhiều trường hợp, hiến pháp của họ quy định rằng Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Ở những nước này, hiến pháp sẽ cần được sửa đổi để đề cập đến người kế nhiệm bà. Tại các quốc gia như Jamaica, những thay đổi hiến pháp này cũng sẽ yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý, theo các chuyên gia của Khối Thịnh vượng chung.

Ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Grenada, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia và Saint Vincent và Grenadines, câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu quốc vương mới có thể bổ nhiệm hợp pháp một Toàn quyền hay không, trong trường hợp hiến pháp của quốc gia đó không được thay đổi để công nhận tân vương là nguyên thủ quốc gia thay cho nữ hoàng.

Rất nhiều điều luật khác có chứa tên của nữ hoàng cũng sẽ cần được soạn thảo lại. Đây được xem là một quá trình phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ không có soạn giả luật pháp riêng.

Ở một số quốc gia khác như Australia, Canada và New Zealand, tân vương sẽ tự động trở thành nguyên thủ quốc gia.

Khoảnh khắc tin Nữ hoàng Anh qua đời ập đến giữa họp báo Nhà Trắng Khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu trong buổi họp báo hôm 8/9, các phóng viên bất ngờ chen ngang và cho biết Nữ hoàng Elizabeth II đã băng hà.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-doi-lon-sau-khi-nu-hoang-anh-qua-doi-post1353955.html