Thay đổi lối sống để điều trị tiền đái tháo đường

Khoảng 10% người trưởng thành bị mắc tiền đái tháo đường (ĐTĐ). Tiền ĐTĐ là giai đoạn sớm của bệnh ĐTĐ mà chưa có biểu hiện bệnh, người tiền ĐTĐ có mức độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh ĐTĐ. Vì vậy, thay đổi lối sống, lựa chọn thực phẩm, chế độ luyện tập..., người bệnh hoàn toàn ngăn tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ hoặc làm chậm quá trình này.

Nguy cơ cho sức khỏe

Nhân viên y tế thử đường huyết cho người dân ở quận Ninh Kiều.

Nhân viên y tế thử đường huyết cho người dân ở quận Ninh Kiều.

Bác Đoàn Thị Bình, ở đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, kể: “Cách đây 3 năm, khi đi xét nghiệm, bác sĩ nói tôi bị đường cao. Nếu còn tiếp tục tăng thì sẽ thành bệnh ĐTĐ. Bác sĩ khuyên tôi thực hiện chế độ ăn giảm đường, muối, tinh bột… và tăng cường tập thể dục. Ngoài ra, tôi có nấu thêm các loại lá như lá trà xanh, lá vối, giảo cổ lam, artiso… để uống hằng ngày. Sau 3 tháng, tôi đi xét nghiệm thì đường không còn cao. Thói quen sinh hoạt này tôi đã giữ 3 năm nay và định kỳ đều đến bệnh viện xét nghiệm đường”.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của tiền ĐTĐ là do cơ thể không tạo ra đủ insulin sau khi ăn hoặc cơ thể không hấp thu được insulin. Tiền ĐTĐ chỉ xác định được qua xét nghiệm đường máu. Có hai phương pháp để xác định tiền ĐTĐ gồm: đo đường huyết khi đói và làm nghiệm pháp tăng đường huyết. Tiền ĐTĐ nếu không được phát hiện và can thiệp thì sẽ tiến triển thành bệnh ĐTĐ trong vòng 10 năm hoặc sớm hơn. Những người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ: ít vận động, chế độ ăn thừa năng lượng, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid; tuổi từ 45 trở lên, gia đình có người mắc ĐTĐ, phụ nữ sinh con trên 4kg, phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ...

Tiền ĐTĐ vẫn có thể gây hại cho tim và hệ tuần hoàn trong một thời gian dài trước khi xảy ra bệnh ĐTĐ; có thể xuất hiện những biến chứng: tim mạch, mắt, thận… Bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: Tiền ĐTĐ là tình trạng bệnh lý trung gian giữa bình thường và ĐTĐ tuýp 2. Người mắc tiền ĐTĐ có nguy cơ cao tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2, liên quan với bệnh béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực. Can thiệp lối sống vẫn là biện pháp quan trọng để điều trị tiền ĐTĐ, tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Khi điều trị bằng thuốc, phương án điều trị phải được xác định trước. Metformin là thuốc có bằng chứng để chỉ định điều trị tiền ĐTĐ.

Giải pháp phòng bệnh đơn giản, ít tốn kém

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiền ĐTĐ có thể phòng, chống bằng các biện pháp hiệu quả: chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ luyện tập đều đặn và phù hợp. Người bị tiền ĐTĐ thực hiện chế độ ăn như bệnh nhân ĐTĐ. Tức là bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể nhưng không ăn kiêng quá mức, ăn đều đặn từ 3-4 bữa một ngày, tăng cường ăn rau xanh, hạn chế các chất bột đường có chỉ số đường huyết cao. Cần lưu ý: ăn nhiều loại rau, củ, quả; thịt nạc; thịt gà, cá, hải sản, trứng không quá 3-4 quả/tuần, sữa ít béo…; dùng số lượng vừa phải các loại dầu ăn, bơ thực vật, hạt rang khô.

Các thực phẩm nên tránh: thực phẩm quá nhiều đường (các loại mứt, hạt sen, bánh ngọt, kem, kẹo sô-cô-la, sữa đặc có đường, trái cây ngọt, trái cây khô, thạch, nước ép ngọt, nước ngọt có ga, trà đường, nước trái cây, nước mía…); thức ăn quá nhiều mỡ, thịt mỡ, các loại khoai tây chiên, phồng tôm, thức ăn chiên bột, mỡ, dầu, bơ; da gà... Thức ăn có nhiều tinh bột như gạo, mì, bún, bánh mì, các loại đậu và các chế phẩm của đậu, khoai tây, khoai lang, ngô, bắp… chỉ ăn với số lượng vừa phải.

Đối với người thừa cân, béo phì, can thiệp giảm cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị cho người có nguy cơ là cốt lõi nhằm ngăn ngừa diễn tiến đến ĐTĐ. Chế độ giảm cân thường khó duy trì lâu dài, do đó người bệnh cần được động viên, hỗ trợ tâm lý. Ngoài ra, áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần. Một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền ĐTĐ, ĐTĐ như các loại hạt, dâu, sữa chua được khuyến khích sử dụng. Các thực phẩm cần hạn chế như thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật).

Vận động, tập thể dục có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh, làm giảm huyết áp, cải thiện rối loạn mỡ máu, cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp, giảm cân nặng, giảm lượng mỡ của cơ thể, làm tăng sức mạnh cơ bắp, tăng sự linh động khớp. Các phương pháp luyện tập: vận động sinh hoạt thường ngày, hoặc chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi bóng bàn, cầu lông... Với người có bệnh tim mạch cần được bác sĩ đánh giá bệnh tim mạch trước luyện tập. Người mắc tiền ĐTĐ nên tích cực bỏ thuốc lá, quản lý tốt stress; hạn chế bia, rượu.

Hiện nay, 100% các trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ĐTĐ. Khi người dân đến trạm y tế tầm soát bệnh, nếu nghi ngờ bệnh, chuyển về bệnh viện tuyến huyện trở lên để chẩn đoán xác định. Sau đó, điều trị ngay tại trạm y tế. Với người bệnh ở giai đoạn tiền ĐTĐ, trạm y tế tư vấn chế độ ăn uống, luyện tập, theo dõi lượng đường… để tránh nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ.

Bài, ảnh: H.HOA

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thay-doi-loi-song-de-dieu-tri-tien-dai-thao-duong-a127481.html