Thay đổi khái niệm DNNN: ĐBQH yêu cầu minh bạch

Không thể tiếp tục tồn tại cơ chế ưu đãi với khu vực DNNN, như vậy sẽ là bất bình đẳng, không sòng phẳng với các khu vực kinh tế khác

Liên quan tới đề xuất thay đổi khái niệm về DNNN, theo đó, khái niệm mới được trình, DNNN sẽ bao gồm: doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng việc chuẩn hóa tên gọi là cần thiết, tuy nhiên, phải tính toán cho thận trọng.

Ưu ái cho khu vực DNNN đang tạo ra sự bất bình đằng, thiếu công bằng giữa các khu vực kinh tế. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư

Ưu ái cho khu vực DNNN đang tạo ra sự bất bình đằng, thiếu công bằng giữa các khu vực kinh tế. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư

"Xét về bản chất của vấn đề thì ai làm chủ doanh nghiệp sẽ gọi tên theo người đó. Như vậy, nếu doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là những doanh nghiệp nhà nước. Chuẩn tên gọi theo tỉ lệ vốn là để quản lý chặt chẽ hơn", ông Nhường nói.

Tuy nhiên, đó là về mặt chuẩn hóa tên gọi còn trong công tác quản lý điều hành, ông Nhường đặc biệt lưu ý tới cơ chế điều hành, quy chế hoạt động với những doanh nghiệp cổ phần nửa tư nhân, nửa nhà nước là rất quan trọng. Cơ chế quản lý càng minh bạch, càng giảm những nguy cơ nhập nhèm, thất thoát.

Chính vì sự phức tạp trong cơ cấu sở hữu nguồn vốn nên ông Nhường nhấn mạnh phải đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thực hiện cổ phần hóa nhanh. Theo đó, Nhà nước cần thoái toàn bộ vốn khỏi những lĩnh vực không cần thiết và trao lại cho tư nhân làm.

Đối với những lĩnh vực quan trọng liên quan tới an ninh quốc phòng như điện, nước, những lĩnh vực công ích... mới cần nắm giữ cổ phần chi phối để kiểm soát, tránh tình trạng bán đi rồi lại phải mua lại như một số nước.

Theo ông Nhường, với cách tư duy này, những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tỉ lệ cổ phần trên 50% trong thời gian tới sẽ không có nhiều. Đây là quyết tâm rất lớn mà Chính phủ phải làm được.

Ngược lại, trong trường hợp không có được cơ chế điều hành minh bạch thì nguy cơ ưu ái nhà nước lại chảy rót vào cho nhóm cổ đông tư nhân đang nắm giữ cổ phần cùng Nhà nước là rất lớn. Việc này sẽ dẫn tới những hệ lụy, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.

Vì thế, ông Nhường nhấn mạnh, Luật Doanh nghiệp phải đặt vấn đề thật minh bạch giữa DNNN và doanh nghiệp cổ phần cũng như doanh nghiệp tư nhân.

"Không thể tiếp tục tồn tại cơ chế ưu đãi như trước đây với khu vực DNNN, như vậy sẽ tạo sự bất bình đẳng, không sòng phẳng với các khu vực kinh tế khác", ông Nhường nói.

Dễ tiêu cực, tham nhũng

Cùng nêu quan điểm, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, đề xuất của Bộ KH-ĐT là không mới. Trước đó, đề xuất này cũng từng được đưa ra, tuy nhiên, không nhận được sự ủng hộ.

Chỉ ra lý do đề xuất trên bị phản ứng, ông Hùng phân tích:

Thứ nhất, tiến hành cổ phần hòa rồi giữ lại những doanh nghiệp cổ phần với tỉ lệ vốn sở hữu trên 50% thuộc về nhà nước là đi ngược với nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu vẫn là “bình mới, rượu cũ”. Nhà nước vẫn can thiệp vào công tác quản trị, điều hành của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp thiếu năng động, kém hiệu quả.

Thứ ba, nguy cơ bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của nhà nước với các khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng nặng nề.

Từ trước tới nay, các khu vực DNNN luôn chiếm tới 70-80% tín dụng ưu đãi, nếu bây giờ lại có thêm nhóm doanh nghiệp đã cổ phần hóa dưới 50% vốn chủ sở hữu nghĩa là tín dụng ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp tư nhân vốn đã khan hiếm lại phải chia sẻ, cạnh tranh thêm với nhóm doanh nghiệp này. Như vậy là khó chồng khó, doanh nghiệp tư nhân khó có thể cạnh tranh, tồn tại được.

Thay đổi khái niệm DNNN: Nhập nhèm nửa nọ, nửa kia?

Thứ tư, đây sẽ là cơ hội, là môi trường tạo ra những kẽ hở, tham nhũng nếu công tác quản lý không tốt. Trước hết là tiêu cực trong tổ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ vào bộ máy quản lý của doanh nghiệp.

Từ tiêu cực trong tổ chức cán bộ quản lý sẽ dẫn tới những tiêu cực khác như người được bổ nhiệm phải nuôi người nâng đỡ... Cứ như vậy, tiêu cực này kéo theo những tiêu cực khác cuối cùng ngân sách bị bòn rút, thiệt hại chính là người dân.

Từ hàng loạt những vấn đề nói trên, TS Đinh Sơn Hùng cho rằng nên xếp nhóm doanh nghiệp có tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà nước trên 50% vào khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đằng với nhau.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thay-doi-khai-niem-dnnn-dbqh-yeu-cau-minh-bach-3389658/