Thay đổi hoặc bị đào thải

Lo ngại trước nguy cơ tụt hậu trên thị trường, lỗi thời với người tiêu dùng, trong năm 2019 này nhiều doanh nghiệp (DN) lên kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, thời gian vừa qua mới chỉ có DN lớn áp dụng công nghệ hiện đại (công nghệ số). Phần lớn DN nhỏ trong nước đang loay hoay với dự định này. Lý do chủ yếu, DN nhỏ thiếu vốn đầu tư; chính sách hỗ trợ của nhà nước còn chung chung. Trong khi đó, nhiều nước ASEAN đã có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số. Điển hình, tại Malaysia cơ quan quản lý yêu cầu DN phải trải qua lớp tập huấn về công nghệ mới cấp giấy chứng nhận kinh doanh.

Công nghệ hiện đại mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng

Công nghệ hiện đại mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit - cho rằng, từ năm 2015 - 2025 là thời kỳ chuyển động thay đổi công nghệ. Người tiêu dùng trẻ đang đòi hỏi nhiều tiện ích và mong muốn được phục vụ nhiều hơn từ sản phẩm. Những giải pháp cũ sẽ lỗi thời, không làm thỏa mãn mong đợi, không có tính mới. Vì thế, kỹ thuật số đang làm thay đổi cục diện rất nhiều.

Trước nguy cơ bị tụt hậu và mất thị trường ngay chính tại sân nhà, nhiều DN khẳng định phải có sự kiến tạo mới bằng cách thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ để bắt kịp với xu hướng. Bởi lẽ nếu không cạnh tranh được bằng công nghệ khó chiếm lĩnh thị trường.

Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ - chia sẻ, ở PNJ đã áp dụng công nghệ khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Đầu tiên là sử dụng Data Analytics để phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng trên đường di chuyển; tiếp đến là computervision kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh trở thành những camera giúp PNJ đọc được hành vi khách hàng cũng như hành vi của nhân viên bán hàng. Đặc biệt, PNJ đang ứng dụng những công nghệ mới về tương tác giúp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt hơn, có gắn kết giữa online và offline.

Còn theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Điện Quang - giai đoạn 2018 đến 2022, công ty xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi nhằm giữ chân khách hàng. Tương tự, Công ty CP Thép POMINA đang trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến trên thế giới với mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam cũng như thế giới.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, giới kinh doanh nhận định, DN đang tập trung vào sản xuất những sản phẩm lương thực bền vững là tốt nhưng chưa đủ. Vì yêu cầu thị trường đang cần có sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, sắp tới đây, chắc chắn thị trường không đề cập đến thực phẩm hữu cơ nữa, thực phẩm sinh học sẽ thay thế. Hiện không ít DN đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hữu hiệu nhất để tạo ra thực phẩm sinh học.

Trên thế giới chúng ta đã thấy công nghệ giúp cho các DN của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… thành công, hy vọng rằng với sự quyết tâm của DN, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, có chỗ đứng cũng như thị phần trên thị trường.

Ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit: Nếu DN không thay đổi, có nghĩa là lựa chọn con đường đào thải từ thị trường. Hiện quá trình này đang diễn ra, dự báo có từ 30 - 50% DN sẽ bị đào thải.

Mai Ca - Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thay-doi-hoac-bi-dao-thai-116024.html