Thay đổi hành vi ứng xử bảo vệ động, thực vật hoang dã

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần chú trọng hướng đến thay đổi cách ứng xử chinh phục sang ứng xử cùng chung sống nhằm định hình giá trị biết chung sống, yêu quí và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, bảo vệ tự nhiên.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Giải pháp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án Chương trình động vật hoang dã Châu Á tại Việt Nam, được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Tham dự Hội thảo có GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương; ông Bradley Besire, Phó Giám đốc USAID và hơn 50 đại biểu là cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên đang công tác tại các ban, cơ quan Đảng Trung ương và một số bộ, ngành có liên quan.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: BL)

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: BL)

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết: Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường, tác động trực tiếp và khốc liệt đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi vậy, vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã quí, hiếm, nguy cấp là hết sức quan trọng.

Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, trong đó có những nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nhằm phát triển bền vững. Cùng với đó, nhiều năm qua Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương với các tổ chức liên quan cũng đã triển khai nhiều hoạt động để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.

“Việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu sống của chính chúng ta, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tôn vinh giá trị văn hóa và giá trị con người Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bên cạnh vai trò của các phương tiện hình thức thông tin báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền miệng, sinh hoạt cộng đồng, mạng xã hội… thì trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa quyết định” GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị, trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng hướng đến thay đổi cách ứng xử chinh phục sang ứng xử cùng chung sống nhằm định hình giá trị biết chung sống, yêu quí và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, bảo vệ tự nhiên.

“Những kết quả từ việc phân tích, đề xuất các giải pháp bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học được trình bày tại hội thảo sẽ được Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổng hợp, chắt lọc để xây dựng báo cáo tư vấn về công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học gửi tới lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng Trung ương và các cơ quan có liên quan”, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết.

Theo ông Bradley Besire, Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam, việc đẩy mạnh các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò quan trọng. Nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm thiểu nạn buôn bán các loài động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. “Để làm được việc này, việc tuyên truyền hợp tác của Việt Nam với Chính phủ Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng. Sự hợp tác, cùng chung tay giữa hai bên sẽ góp phần chống lại các hoạt động buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã bất hợp phát”, ông Bradley Besire cho biết.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: BL)

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Dũng, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay các loài động, thực vật hoang dã bị suy giảm mạnh do mất nơi sinh sống và khai thác quá mức, thậm chí bị tận diệt do nhiều mục đích, trong đó có mục đích tăng cường sức khỏe và chữa bệnh trong y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, số lượng các loài động, thực vật hoang dã bị đe dọa trong tự nhiên cũng gia tăng. Nhiều loài động, thực vật hoang dã quí, hiếm, có giá trị cao đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam như: Hổ, sao la, voi…và một số loài linh trưởng khác. Cùng với đó, việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên như chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang canh tác, khai thác khoáng sản, phát triển hạ tầng, thủy điện…..cũng đã trở thành mối đe dọa đối với các loài động, thực vật hoang dã.

Bởi vậy, để có giải pháp bảo vệ các loài này, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo điều hành, quản lý bảo tồn động, thực vật hoang dã; xây dựng về năng lực quản lý, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chương trình và mô hình về bảo tồn loài nguy cấp, quí, hiếm; bảo tồn loài phải gắn với hoạt động thành lập và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày tham luận về những nội dung: Tổng quan về công tác quản lý và bảo tồn động, thực vật hoang dã tại Việt Nam; Thực trạng buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm; Hệ thống các qui định pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã; một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền về bảo vệ động, thực vật hoang dã…

Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, để tạo ra sự thay đổi hành vi trong bảo vệ động, thực vật hoang dã, công tác thông tin truyền thông phải có các phương pháp tác động thích hợp dựa trên các cơ chế thay đổi hành vi cá nhân, nhóm xã hội. Cơ chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chủ thể của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm nội dung, ngôn ngữ của tác động thông tin truyền thông; đặc điểm môi trường, bối cảnh nơi diễn ra tác động thông tin truyền thông…/.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/thay-doi-hanh-vi-ung-xu-bao-ve-dong-thuc-vat-hoang-da-568774.html