Thay đổi hành vi, giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam

Các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc từ nơi công cộng cho đến chốn công sở, bệnh viện, cơ quan nhà nước…

Triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống hút thuốc lá

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá ngày 29/5/2020 tại Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5/2020.

Luật phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Sau khi Luật PCTH thuốc lá có hiệu lực, nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác PCTHTL, Quỹ PCTH thuốc lá (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) đã tham mưu và tham gia dự thảo các quy định, chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ. Đến nay, việc ban hành văn bản quy định chi tiết bảo đảm đầy đủ các nội dung được giao trong Luật. Về cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với Luật PCTHTL và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại thuốc lá và pháp luật về PCTH thuốc lá cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc.

63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.

Đến nay, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức hút thuốc có xu hướng giảm. Một số ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã tham gia tích cực và có sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động PCTHTL...

Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM số 1800-1214, đồng thời hỗ trợ 08 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá. Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, truyền thông về tác hại thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hiện đã có 1 mạng lưới các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, trung ương, địa phương, Luật PCTHTL đã đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội không khói thuốc lá. Qua 6 năm thực hiện Luật PCTH thuốc lá, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc, hầu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ tết, đám cưới, đám hiếu....Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm.

Kết quả điều tra tại một số tỉnh năm 2018 cho thấy: 12 tỉnh có tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm và thấp hơn so với điều tra toàn quốc năm 2015, như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Trị. Tuy nhiên, vẫn có một số tỉnh có tỉ lệ hút thuốc ở nam giới cao hơn tỉ lệ điều tra toàn quốc như: TP.HCM (46,7%), Hậu Giang (46,8%). Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại công sở, tại cơ sở y tế, trường học giảm nhiều so với năm 2015.

Việc thực thi Luật hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá rẻ và người dân rất dễ tiếp cận để mua bán; ý thức tuân thủ pháp luật về PCTHTL của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp, đặc biệt đối với giới trẻ thanh thiếu niên chưa nhận thức hết tác hại của thuốc lá đói với sức khỏe; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến; tại nhiều điểm bán thuốc lá, vẫn còn tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định… Bên cạnh đó, chế tài xử phạt quy định chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh thành phố, các đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp với Quỹ PCTH thuốc lá đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCTHTL và vận động cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết không hút thuốc lá.

Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tác hại của thuốc lá.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay có chủ đề là “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá” nhằm mục đích tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và các tác hại nghiêm trọng từ các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/thay-doi-hanh-vi-giam-ty-le-nguoi-hut-thuoc-la-o-viet-nam-645544.html