Thay đổi giờ làm, giờ học nên để địa phương tự quyết định

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam đều cho rằng, việc quy định giờ làm việc nên để lãnh đạo địa phương tự quyết định sao cho phù hợp với đặc điểm vùng miền và đảm bảo đủ 8 tiếng 1 ngày…

Như VnMedia đã đưa tin, tại Hội trường Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh - đoàn Bình Định đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi giờ làm, giờ học theo hướng giờ làm việc bắt đầu muộn hơn, giờ nghỉ trưa ít hơn.

Trao đổi quan điểm về việc tại sao Bộ Luật Lao động (sửa đổi) không đưa vấn đề đổi giờ làm vào Dự thảo Luật, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội - thành viên ban soạn thảo cho rằng, do điều kiện tự nhiên các vùng miền rất khác nhau nên không thể có chuyện tất cả đều làm từ 8h30, hay hay 8h, 7h được.

Ông Lợi cho biết, hiện quy định thời gian bắt đầu làm việc của các vùng, miền ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, còn tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định. Căn cứ điều kiện này thì giao cho địa phương và họ có thể linh hoạt và họ có quyền điều chỉnh nếu thấy cần thiết.

“Cho tới giờ phút này, tôi cho rằng chưa có ai bàn tới chuyện giờ làm hiện tại ảnh hưởng thế này thế khác” - ông Lợi khẳng định và cho hay, với các nước, họ nghỉ trưa ngắn, và họ cho rằng đó là tiết kiệm. Nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay thì thay đổi điều này cũng không dễ.

“Với tâm sinh lý, cách làm, đang quen với thời gian sinh hoạt như vậy, nghỉ trưa kéo dài 1 đến 1,5 tiếng, thì việc thay đổi cũng không dễ, cần thời gian. Tôi cho rằng không nên khắt khe, quy định cứng trong luật việc thay đổi giờ làm, giờ học. Luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, một tuần người lao động làm 40 giờ hoặc 49 giờ, còn việc giờ làm cụ thể thế nào thì linh hoạt, địa phương theo điều kiện từng nơi họ sẽ quy định. Không nên ép đưa vào luật” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, “học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là vác nguyên xi của họ về áp dụng, mà cái gì hay thì mình học tập, và học có chọn lọc".

ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội

ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội

Về ý kiến “thay đổi giờ làm sẽ làm tăng năng suất lao động”, ông Lợi cho rằng, phải đánh giá tác động xem có đúng đổi giờ làm có làm tăng năng suất lao động hay không. “Các địa phương nào muốn đổi giờ làm thì hoàn toàn có thể làm việc này, rồi thấy hợp lý thì có thể áp dụng” - ông Lợi nói lại và cho biết, trước đây Hà Nội đã từng đề xuất đổi giờ làm nhưng đã bàn và thấy không hợp lý nên không áp dụng.

“Khi mẹ đi làm thì mẹ đèo con đi học, khi mẹ về thì lại đón con về nhà, chứ không như các nước học sinh ở các nước có thể đi học bằng hệ thống xe buýt giáo dục. Tất nhiên hiện ở VN có những gia đình như vậy nhưng không phải ai cũng có điều kiện” - ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Phân tích về yếu tố nào tạo ra năng suất lao động tốt nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho hay, năng xuất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trước hết phải là công nghệ, thứ hai là tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự nhân lực cho hợp lý; thứ ba là chất lượng cán bộ, công chức và cuối cùng là điều kiện làm việc, trong đó có giờ làm việc.

“Đó là những yếu tố quyết định. Ngoài ra còn yếu tố khách quan khác như thị trường, nguyên liệu làm việc…” - ông Lợi nói và cho rằng, yếu tố giờ làm cũng có tác động nhưng không phải là yếu tố quyết định, mà quyết định phải là công nghệ, chất lượng nhân lực, điều kiện làm việc.

“Trong điều kiện làm việc có vấn đề sắp xếp thời gian hợp lý để phát huy năng lực con người. Có người ban ngày viết lách không chất lượng nhưng đêm lại làm việc chất lượng, tùy điều kiện từng ngành nghề. Theo tôi, cán bộ công chức Nhà nước, trừ giải quyết hành chính trực tiếp tại cơ quan không có mặt thì ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp, còn cán bộ nghiên cứu không nên bắt buộc làm việc, có mặt tại cơ quan đủ 8h.

“Thời gian làm bắt đầu lúc nào tốt nhất theo điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn đó, ví dụ tắc giao thông thì phân luồng để đi. Còn áp chung tất cả thì không nên” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh quan điểm của mình về đổi giờ làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Để thay đổi thì cần nhiều vấn đề liên quan

Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đề xuất của ĐB Nguyễn Thanh Cảnh là ý kiến cần tham khảo, nhưng để quyết định thay đổi thì cần nhiều vấn đề liên quan như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau.

Theo ông Tân, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ để tránh ùn tắc giao thông. Cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được. Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hòa giữa ùn tắc giao thông.

“Cần sắp xếp hợp lý, lắng nghe ý kiến của người lao động, tổng hợp, bố trí hợp lý để không bị ách tắc; người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn. Sắp xếp trùng giờ thì ùn tắc giao thông” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, giờ làm hành chính phải phù hợp với nhiều cơ quan. “Giờ giấc làm việc theo quy chế chung mà ta thực hiện, ví dụ phía bắc là 8h nhưng phía Nam 7h hoặc 7 rưỡi đã làm do đặc điểm tình hình (thời tiết, khí hậu - PV) . Thống nhất chung cả nước thì rất khó. Nếu quy định thì nên theo vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói. Đối với công chức, viên chức, Bộ trưởng nhấn mạnh việc “phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày".

Về chuyện rút ngắn giờ nghỉ trưa, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói: "Tập quán mình không nghỉ giờ trưa. Thời gian qua các cơ quan cũng đang thực hiện. Anh em cũng tranh thủ giờ làm trưa, ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, ăn cơm xong làm việc ngay, về sớm để lo đón con. Đó là nhu cầu, nên sắp xếp hợp lý, lắng nghe ý kiến người lao động, tổng hợp, bố trí hợp lý, người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn. Sắp xếp trùng giờ thì ùn tắc giao thông."

Chia sẻ quan điểm dưới góc độ một lãnh đạo địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cũng cho rằng, giờ làm việc phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Đặc biệt, miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt hơn, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn.

“Vấn đề này, nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định giờ, chứ không nhất thiết thống nhất trong cả nước. Ở Quảng Nam, giờ hiện nay áp dụng rất phù hợp. Ví dụ, buổi sáng, đối với cán bộ công chức 7h vào làm việc, 11h nghỉ, chiều bắt đầu làm việc từ 1h30 đến 5h, đủ 8 tiếng” - ông Cường cho hay.

Còn đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, ông Cường cho rằng tùy theo thời tiết, khí hậu, mùa để quyết định giờ làm việc…

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, Bí thư tỉnh Quảng Nam cho rằng, với ý kiến giờ làm có ảnh hưởng đến năng suất lao động thì cần phải đánh giá lại. “Năng suất lao động tùy thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cần phải có đề tài khoa học để đánh giá thông qua giờ làm việc đánh giá năng suất lao động, chứ không thể nói đổi giờ mà làm chất lượng lao động tăng lên.” - Bí thư Quảng Nam nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201911/thay-doi-gio-lam-gio-hoc-nen-de-dia-phuong-tu-quyet-dinh-78c0889/