Thay đổi để tồn tại

Toàn cầu hóa, tự động hóa, đặc biệt là những tiến bộ trong công nghệ khiến thế giới việc làm của người lao động thay đổi mạnh mẽ

Vừa qua, Bộ trưởng Lao động, Việc làm của các nước ASEAN đã cùng ngồi lại tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 lần thứ 11 với chủ đề "Thúc đẩy tính năng cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động (NLĐ) ASEAN trong tương lai việc làm". Hội nghị trực tuyến này đã đưa ra nhiều nghiên cứu cho thấy trong 10 - 15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, rô-bốt, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tỉ lệ này ở khu vực ASEAN sẽ còn cao hơn.

Coi trọng kỹ năng mềm

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm có thể bị ảnh hưởng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, xã hội đang già hóa, dịch bệnh và nhất là đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 còn tác động tới 2,7 tỉ NLĐ, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, toàn cầu hóa, tự động hóa, đặc biệt là những tiến bộ trong công nghệ, khiến thế giới việc làm của NLĐ thay đổi mạnh mẽ. Những thay đổi này tác động không nhỏ đến các nhà tuyển dụng và cả hai đang làm quen với tình hình mới.

Do dịch bệnh, không thể sang Singapore làm việc tại trụ sở chính nhưng anh Hoàng Nguyễn Quốc Anh (25 tuổi; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) vẫn làm việc bình thường tại nhà hoặc quán cà phê. Từ khi ra trường cách đây 3 năm, anh là kỹ sư công nghệ mảng game cho một công ty lớn của Singapore.

"Phụ trách mảng game theo hướng địa phương hóa nên lúc chưa có dịch bệnh, tôi thường xuyên di chuyển các nước trong khu vực để nghiên cứu văn hóa, con người các địa phương để đưa vào game. Từ lúc dịch bùng phát, tôi làm việc trực tuyến và được sử dụng tài nguyên công ty để tương tác trực tuyến với các nhóm kỹ sư của công ty cũng làm trực tuyến khác. Vì thế, công việc không bị gián đoạn mà công ty lại có thêm hướng đi mới trong công tác tuyển dụng" - anh cho hay.

Quốc Anh cho biết hơn 300 kỹ sư của công ty anh đều có 2 lựa chọn: làm việc tại quê nhà hoặc đến văn phòng chính ở Singapore. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, công ty quyết định thay đổi hình thức tuyển dụng theo hướng chọn nhân sự phù hợp và có nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng mềm được ưu tiên.

Người lao động điều khiển máy móc tại một xưởng sản xuất

Người lao động điều khiển máy móc tại một xưởng sản xuất

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp

Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Công ty Đào tạo kỹ năng hành nghề Việt Nam (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng khi thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay và trong tương lai, NLĐ - chủ thể chính trong thế giới việc làm cần phải tự nâng cao các kỹ năng của mình nếu không muốn thất bại trong cuộc đua cạnh tranh việc làm. Các nhà tuyển dụng ngày càng coi trọng kỹ năng mềm và kỹ năng cứng của ứng viên. Những kỹ năng này không hề mới nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm của ứng viên.

"Kỹ năng mềm được coi là kỹ năng giao tiếp cá nhân thiết yếu hoặc những tính cách đặc trưng, cho phép chúng ta có khả năng hoàn thành công việc ở mức cao. Hãy nghĩ tới kỹ năng lãnh đạo, cộng tác, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề. Kỹ năng cứng liên quan đến kiến thức kỹ thuật, như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý dự án, đọc và viết, giỏi ngoại ngữ..." - ông Tùng phân tích.

Theo các chuyên gia việc làm, có 6 kỹ năng nổi bật mà các nhà tuyển dụng trên thế giới đang tích cực hướng đến khi tìm kiếm nhóm NLĐ: Hiểu biết về số hóa (khả năng tận dụng tối đa công nghệ có sẵn); bán hàng (khả năng xây dựng mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến người khác); phân tích dữ liệu (khả năng diễn giải thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn); giao tiếp (khả năng cộng tác hiệu quả giữa các nền văn hóa, biên giới, ngôn ngữ); học tập nhanh chóng (khả năng liên tục học hỏi, gạt bỏ những gì đã học, trau dồi lại và học tập ứng dụng); đổi mới (khả năng thông báo và thích ứng với thay đổi).

"Lợi thế nghiêng về những NLĐ sử dụng tốt công nghệ bởi gần như mọi ngành nghề đều có thể ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc. Khả năng tận dụng công nghệ rất quan trọng, vì vậy các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những người có kỹ năng đó" - ông Tùng nhấn mạnh.

Phát triển nhân lực chất lượng cao

"Phát triển nhân lực Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/thay-doi-de-ton-tai-20201030211520391.htm