Thay đổi để phát triển năng lực toàn diện

Trong buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX năm 2020 đã chia sẻ nhiều kiến nghị, đề xuất gắn với nguyện vọng phát huy năng lực toàn diện bản thân.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen cho 63 đại biểu tiêu biểu xuất sắc Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX Ảnh: Xuân Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen cho 63 đại biểu tiêu biểu xuất sắc Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX Ảnh: Xuân Tùng

Chiều 24/10, 63 thiếu nhi tiêu biểu xuất sắc đại diện cho các đại biểu Đại hội gặp mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Dự chương trình có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương.

Đại biểu Nguyễn Khánh Sơn (đoàn Hòa Bình) chia sẻ muốn trở thành giáo viên và luôn có ý thức trang bị kiến thức văn hóa, nhưng tham dự Đại hội được giao lưu với các nghệ sĩ khiến cậu nhận ra việc cần thiết phát triển các môn nghệ thuật trong nhà trường. “Em mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm tạo điều kiện giúp học sinh có cơ hội phát triển các năng lực nghệ thuật thiên phú và không thể bỏ qua các năng lực này”, cậu nói.

Đại biểu Nguyễn Tú Linh (đoàn Sơn La) cho rằng hiện nay có nhiều bạn đầu tư học các môn tự nhiên Toán, Lí, Hóa và tiếng Anh, nhưng bỏ bê các môn xã hội như Văn học, Lịch sử, Địa lí. “Nhiều bạn thuộc tất cả quy tắc bất đẳng thức của Toán học, 360 động từ bất quy tắc của tiếng Anh, nhưng không nhớ nổi 63 tỉnh thành ở Việt Nam, thậm chí có bạn trên Facebook từng hỏi em Sơn La là huyện nào của Hà Nội”, cô nói. Linh cho rằng không có học sinh nào ghét bỏ lịch sử, địa lý… mà do chưa có hứng thú; vì vậy ngành giáo dục cần có các hoạt động vừa học vừa chơi thu hút sự quan tâm của học sinh với các môn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Thế Kiệt (đoàn Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Các bạn học sinh ở trường THCS em học rất nhiều, trung bình 7 - 9 tiếng/ngày chưa kể thời gian làm bài tập về nhà... Thời gian tham gia các hoạt động giải trí, trang bị các kỹ năng khác gần như không có”. Cậu mong muốn ngành giáo dục có giải pháp để học sinh có thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động, phong trào để trang bị các kỹ năng.

Đại biểu Võ Anh Thư (đoàn Khánh Hòa) cho rằng cần tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10 giúp học sinh sớm có cái nhìn tổng quan, xác định năng lực bản thân.

Trao đổi tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực thay đổi để hoàn thiện chương trình học hướng tới phát huy năng lực của học sinh, trong đó có 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ lao động, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực cốt lõi, nhất là năng lực tự chủ, giao tiếp, hợp tác.

Các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến, đề xuất trong buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT Ảnh: Xuân Tùng

Ông Độ nhấn mạnh, giáo dục đang thay đổi, thầy cô giáo đang thay đổi, nhà trường thay đổi, do đó học sinh cũng cần thay đổi. “Trước đây, các em đến lớp để nghe thầy cô giáo giảng bài thì nay đến lớp để chủ động học, là chủ thể của buổi học. Trước kia thầy cô giáo là người trực tiếp lên lớp dạy học thì bây giờ thầy cô lên lớp để hướng dẫn tổ chức các hoạt động dạy học cho các em. Tôi mong các em thay đổi cách học từ đó có sự phát triển toàn diện”, ông Độ nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ biểu dương thành tích học tập và rèn luyện của 63 đại biểu tiêu biểu xuất sắc; trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT cho 63 em.

Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương bày tỏ sự trân trọng tình cảm, sự quan tâm lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc phối hợp với T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tạo môi trường, điều kiện để các em rèn luyện phát triển toàn diện; đồng thời mong muốn sự phối hợp này tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Anh Lương cũng bày tỏ sự tin tưởng việc tham dự Đại hội và nhận được bằng khen của Bộ GD&ĐT sẽ là dấu ấn, động lực để các đại biểu cố gắng vượt qua khó khăn nỗ lực vươn lên để có nhiều thành tích tốt hơn nữa, xứng đáng với sự chăm lo của ngành GD&ĐT.

Lễ tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX năm 2020 sẽ được tổ chức vào lúc 9h00 ngày 25/10 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).

Nói lời hay, làm việc tốt

Ngày 24/10, trong khuôn khổ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX năm 2020, đã diễn ra Lễ báo công dâng Bác và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại diện cho 344 đại biểu, em Hoàng Trà My (đoàn Nghệ An) đã báo công với Bác kết quả thực hiện phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” như: thi đua chuyên cần, rèn luyện ý thức tự giác, sáng tạo, giúp nhau học tốt; bảo vệ môi trường; thực hiện tốt phong trào “Nghìn việc tốt”, “Uống nước nhớ nguồn”; thường xuyên chia sẻ các câu chuyện đẹp, những cuốn sách hay, những tấm gương sáng, tích cực tham gia hành trình đến địa chỉ đỏ... “Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ tiếp tục quyết tâm học tập, luyện rèn “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ” góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước”, Hoàng Trà My đại diện thiếu nhi cả nước quyết tâm.

XUÂN TÙNG

“Cô bé tóc Mây” đa tài

Trần Nguyễn Hồng Minh, lớp 9/4, trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến, TP Đà Nẵng là một học sinh đa tài, không chỉ học giỏi, mà hát rất hay. Em 8 năm liền học sinh giỏi, đạt các giải thưởng Tin học quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, Minh đạt giải quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2015. Đam mê ca hát từ nhỏ, Hồng Minh được gia đình tạo điều kiện, chắp cánh ước mơ, từ 5 tuổi, em đã đứng trên các sân khấu lớn, nhỏ biểu diễn. Mặc dù, tham gia rất nhiều chương trình nghệ thuật cả trong nước, lẫn nước ngoài nhưng em vẫn luôn nỗ lực học tập.

Với mái tóc đặc biệt dài gần chấm gót chân, Hồng Minh được bạn bè và người hâm mộ đặt cho biệt danh “cô bé tóc mây”. Trần Nguyễn Hồng Minh từng được vinh danh là 120 công dân tiêu biểu TP Đà Nẵng; Giải thưởng Kim Đồng toàn quốc năm 2020; là 1 trong những đại biểu trẻ tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020.

Cậu bé không tay đặc biệt

Nguyễn Tiến Anh, học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Lan Mẫu (huyện Lục Nam, Bắc Giang) là một trong những đại biểu đặc biệt nhất tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, năm 2020. Tiến Anh bị khuyết tật bẩm sinh, sinh ra đã không có hai cánh tay.

Nhưng bằng nghị lực phi thường “cậu bé không tay” đã làm được những điều khiến mọi người nể phục. Khổ luyện, em đã có thể tự làm mọi việc, viết vẽ rất đẹp bằng đôi chân. Từ đôi chân kỳ diệu, và bằng trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, em vẽ được hàng trăm bức tranh với sắc màu tươi tắn, giàu ý tưởng. Cậu học trò đặc biệt giành được các giải thưởng vẽ tranh từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Em được bạn bè và mọi người ưu ái đặt cho biệt danh “Nick Vujicic Việt Nam”. Nghị lực của em truyền cảm hứng cho các bạn thiếu nhi vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

LƯU TRINH

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/thay-doi-de-phat-trien-nang-luc-toan-dien-1740166.tpo