Thay đổi để gần nhau

Sự ra đi đột ngột của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, nhân vật phản đối mạnh mẽ những chính sách của Tổng thống Donald Trump với Iran, cũng không đủ để giảm bớt những thách thức đối với các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Tehran-Washington.

Sự ra đi đột ngột của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, nhân vật phản đối mạnh mẽ những chính sách của Tổng thống Donald Trump với Iran, cũng không đủ để giảm bớt những thách thức đối với các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Tehran-Washington.

Đã có những đồn đoán về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với giới lãnh đạo Iran bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở New York. Và thậm chí có tin nói rằng, ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng gặp giới chức Iran vô điều kiện trong khi vẫn duy trì “sức ép tối đa” đối với Tehran. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, ông Trump cho biết thông tin này là không chính xác, và mâu thuẫn với những phát ngôn gần đây của nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Washington.

Ông Bolton đã rời Nhà Trắng trong bối cảnh bất đồng với ông Trump ở nhiều vấn đề, trong đó có việc giảm bớt các hạn chế đối với Iran, bao gồm cả thỏa thuận đề xuất tín dụng cho thương mại dầu mỏ của Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất cung cấp cho Iran khoản tín dụng 15 tỷ USD để có thể bắt đầu đàm phán giữa Tehran và Washington. Ông Trump đã nói về việc có thể ký vào một đề xuất như vậy, nhưng ông Bolton không đồng ý với ý kiến này.

Ông là người ủng hộ hàng đầu của cái gọi là “chiến dịch gây áp lực tối đa” nhằm gây sức ép buộc Iran phải đàm phán để ký một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân, nhằm hạn chế các hoạt động tên lửa đạn đạo của Tehran và ngăn chặn tốc độ ảnh hưởng đến khu vực của quốc gia Hồi giáo này.

Trên thực tế, ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào năm 2018 với lý do thỏa thuận này không toàn diện. Sau đó, Washington phát động “chiến dịch gây áp lực tối đa” và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của Iran, chủ yếu là xuất khẩu dầu mỏ. Đáp trả, Iran đã quyết định thu hẹp nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân để xây dựng kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân và làm giàu uranium mức cao hơn.

Và một vòng luẩn quẩn trả đũa nhau đang khiến mối quan hệ hai bên rơi vào ngõ cụt. Và nếu Mỹ - quốc gia đã bắn phát súng mở màn từng bước tiêu diệt thỏa thuận hạt nhân lịch sử - không có động thái thay đổi đáng kể nào, Iran chắc chắc cũng sẽ "ngồi yên".

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_212732_thay-doi-de-gan-nhau.aspx