Thay đổi dần hành vi 'văn hóa ăn nhậu'

Mấy ngày sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, nhiều bạn đọc bày tỏ sự lạc quan, đồng tình hưởng ứng với quy định của luật mới này.

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa có hiệu lực, lái xe sử dụng rượu, bia có thể bị tước bằng lái 2 năm và bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng. Luận bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Thành Trung (làm việc tại Công ty Thành Đạt) cho biết: “Trước kia, khi làm việc ở nước ngoài tôi rất ít uống bia, rượu nhưng gần đây trở về nước, thỉnh thoảng gặp bạn bè lại bị mời uống.

Họp lớp, tiệc cưới, tất niên,… lúc nào cũng được mời bia, rượu. Mỗi khi có bạn từ xa về họp mặt cũng phải có bia, rượu. Từ chối nhiều thì bị coi là kém hòa đồng hay không nể bạn bè, kiểu cách,... Giờ có luật mới này sẽ dễ dàng từ chối hơn”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm với anh Trung, anh Lê Văn Doanh (công tác tại Ngân hàng MSB) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ luật này. Thực tế, tài xế khi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu do có sử dụng chất kích thích như ma túy hay rượu, bia. Luật được áp dụng sẽ giảm thiểu tai nạn, giảm đau thương, mất mát cho mỗi gia đình.

Những ai có ý định uống rượu, bia thì sử dụng những phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, xe công nghệ là giải pháp phù hợp”. Anh Doanh cũng cho hay, ngoài việc phòng chống và hạn chế tác hại của rượu, bia, người dân nên tạo ra các thói quen giải trí khác vì trong cuộc sống, ngoài lao động ra, con người cần có các nhu cầu thư giãn, giải trí phù hợp để tái tạo sức lao động.

“Việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất tốt. Nhưng nếu hạn chế được việc sản xuất, mua bán rượu bia thì áp dụng luật càng hiệu quả. Vì rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông. Việc xử phạt hành chính và tước bằng lái 2 năm là điều cần làm kiên quyết, lâu dài. Ban đầu có thể gây khó chịu cho một số người, nhưng rồi sẽ quen dần vì giống như quy định đội mũ bảo hiểm. Ai không có tiền nộp phạt thì quy định lao động công ích để tạo sức răn đe”, anh Doanh chia sẻ thêm.

Nhà xã hội học Nguyễn Thu Hương cho rằng: “Quy định cấm như trên là tiến bộ, nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên, rất cần quy định cụ thể như thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc. Có như vậy mới có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm điều cấm. Đồng thời, để người dân biết mà tránh vi phạm. Cũng cần lưu tâm đối với xã hội ta, “văn hóa ăn nhậu” đã ăn sâu vào đời sống, trong thời gian dài.

Trong rất nhiều công việc, lĩnh vực công tác ở khu vực tư nhân hay nhà nước đều diễn ra việc nhậu nhẹt khá thường xuyên. Đồng thời, rất nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, đối tác, cơ hội làm ăn, thăng tiến,... được giải quyết trên bàn nhậu. Vì vậy, trong thực tế cuộc sống sẽ có những sức ép rất lớn từ các mối quan hệ mà người trong cuộc rất khó thoát ra.

Tôi lấy ví dụ như sếp rủ, bảo nhân viên đi nhậu mặc dù nhân viên không thích nhậu, không biết nhậu nhưng cũng không dám chối từ. Hoặc sếp kêu uống bia, uống cạn ly, uống nhiều thì nhân viên cũng không dám chối từ. Không ít hậu quả đáng tiếc từ những buổi tiệc tùng, ngoại giao như vậy khi người trong cuộc không làm chủ được hành vi. Trường hợp như vậy thì sức ép trong mối quan hệ là rất lớn nhưng liệu hành vi của sếp, cấp trên có được coi là ép buộc không? Cũng cần nói rõ việc sử dụng bia rượu ở mức độ phù hợp trong cuộc vui, khi ngoại giao, tiệc tùng là không xấu nhưng “văn hóa ăn nhậu” như ở nước ta thì có nhiều tiêu cực.

Việc thay đổi nó không phải ngày một ngày hai. Nhưng việc thay đổi “văn hóa” này là rất cần thiết vì nhiều lẽ. Quy định cấm của luật sẽ rất có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thay đổi, ngăn chặn “văn hóa” trên. Vì vậy cần triển khai, thực thi quy định cấm này vào đời sống để thay đổi dần dần, bắt đầu bằng việc điều chỉnh hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”.

Luật sư Nguyễn Bích Lan cũng cho rằng, khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, trong đó có cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia mang tính nhân văn cao, rất tiến bộ. Theo luật sư Lan: “Tôi từng chứng kiến rất nhiều người thân, những người đi trước mắc bệnh ung thư gan mà nguyên nhân chính do rượu bia gây ra, đặc biệt là vấn đề rối loạn nhận thức.

Hiện nay, bia rượu gây ra rất nhiều căn bệnh như ung thư gan, đột quỵ,... nguy hiểm hơn cả là rất dễ gây tai nạn giao thông. Đứng ở góc độ nào đó, việc uống rượu, bia không hoàn toàn là sai, nhưng phải sử dụng với lượng vừa đủ. Nhiều người có ý thức sử dụng rượu bia ở mức an toàn, nhưng khi trên bàn nhậu lại bị rất nhiều người ép buộc uống dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Tôi đã nhiều lần thấy bạn bè, đồng nghiệp bị ép uống rượu bia. Nhiều người vì không muốn uống rượu nhưng bị bạn bè, đối tác ép nên phải uống, nếu không thì sợ mất lòng.

Khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực mang lại lợi ích cho rất nhiều người, đặc biệt là về sức khỏe và có thể không gây ra nhiều hệ quả đáng tiếc như tai nạn giao thông chẳng hạn. Nhiều người sẽ kiểm soát được hành vi của mình, tránh mâu thuẫn, xô xát nhau trên bàn nhậu. Khi luật đi vào cuộc sống, tôi mong sẽ có quy định cụ thể hơn về liều lượng rượu bia được phép mời người khác bao nhiêu là đủ, có thể xử phạt hành chính để nhiều người có ý thức hơn. Nhưng theo tôi, để luật có thể dễ dàng được thực thi, trước hết chúng ta phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, việc làm cho nhiều người biết đến quy định này là điều cần thiết lúc này”.

Nhiều bạn đọc cùng có chung mong muốn là lực lượng cảnh sát giao thông cần thực thi công tâm các quy định của luật mới này. Chị Nguyễn Thanh Mai (quận Thanh Xuân) đề xuất: “Cần làm nghiêm chủ trương này với tất cả cán bộ, công chức, viên chức ngay những ngày năm hết, Tết đến sắp tới. Lực lượng cảnh sát giao thông cần thực thi công tâm, nghiêm minh không lạm dụng trục lợi để ăn chia với người vi phạm.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng nên có một cơ chế giám sát, xử lý để luật có thể đi vào cuộc sống, và xử lý kịp thời những tiêu cực. Đồng thời, để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thành công, ngay từ bây giờ cũng phải cấm quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện truyền thông. Bởi lẽ, nếu vẫn còn rầm rộ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì “khó” cấm được chuyện uống bia, rượu.

Anh Thanh Tùng (ở quận Ba Đình) tự tin rằng: “Không có gì là không thể thực hiện được. Không tự do sử dụng rượu, bia, các nước trên thế giới làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Chuyện cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây cũng bị phản ứng, nhưng rồi chúng ta cũng làm được, chuyện rượu bia kỳ này sẽ không ngoại lệ.

Quan trọng là có quyết tâm làm hay không mà thôi. Luật pháp thực thi nghiêm minh sẽ dần dần điều chỉnh được những hành vi, thói quen “sai” luật. Khi hành vi, thói quen tốt được hình thành, lâu ngày sẽ trở thành tập quán, thành văn hóa sống văn minh, lành mạnh”.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thay-doi-dan-hanh-vi-van-hoa-an-nhau-101852.html