Thay đổi công nghệ, đề xuất xây dựng hành lang pháp lý phù hợp

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động ngày càng lớn tới ngành ngân hàng. Để chủ động thích ứng, chớp cơ hội, tránh các rủi ro từ CMCN 4.0, ngành ngân hàng không chỉ thay đổi công nghệ mà còn cần đề xuất nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.

Những yêu cầu mới buộc ngân hàng phải thích ứng

Theo Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, khái niệm công nghiệp 4.0 (industry 4.0) hay CMCN 4.0 là một thuật ngữ bao trùm, chỉ một loạt công nghệ tự động hóa hiện đại, xu hướng trao đổi dữ liệu, công nghiệp chế tạo và sản xuất thông minh... Điều khiến CMCN 4.0 trở nên khác biệt với các cuộc cách mạng trước đó chính là sự dung hợp của các công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới sáng tạo trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những cuộc cách mạng trước, làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức chúng ta sản xuất, sinh sống, làm việc và tương tác lẫn nhau.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp ngành ngân hàng thay đổi mối quan hệ với khách hàng. Trong ảnh: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) rất tích cực thích ứng với công nghệ mới.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, ngành ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0. Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng, như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng sử dụng nhiều kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội… qua đó ứng dụng công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ. Các ngân hàng có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích của khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho rằng, đã có sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã hoàn toàn lật ngược tình thế, trao quyền cho khách hàng với khả năng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, phá bỏ rào cản địa lý để lựa chọn dịch vụ ngân hàng phù hợp nhất. Khách hàng dần trở thành trung tâm, là cơ sở để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, phương thức bán và tiếp cận của ngân hàng. Yêu cầu của khách hàng về tốc độ và sự tiện lợi trong dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng thích ứng, cải cách không chỉ sản phẩm, dịch vụ mà cả kênh tiếp cận, quy trình, hạ tầng và nhân sự.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương khẳng định, ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong quản lý, kinh doanh. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì cũng có không ít rủi ro và thách thức khi sự phát triển của các công nghệ mới như blockchain, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những sự thay đổi về mô hình quản lý, cấu trúc sản phẩm… hay những nguy cơ đến từ các vấn đề về an toàn, an ninh mạng.

TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nhận định, để tận dụng những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại, đòi hỏi hệ thống ngân hàng Việt Nam phải khắc phục được những hạn chế hiện nay. Trong đó nổi bật là việc sắp xếp hệ thống, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh, giúp hệ thống ngân hàng thực hiện đúng chức trách của một trung gian tài chính trong nền kinh tế. Ngoài ra, việc thực hiện đổi mới và áp dụng công nghệ đối với ngành ngân hàng phải dựa trên nền tảng một thị trường tài chính ổn định và lành mạnh, gắn chặt giữa đổi mới và duy trì sự ổn định của thị trường. Trong đó không thể thiếu vai trò của sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là những thách thức từ khoảng trống chính sách để quản lý, giám sát những yếu tố mới của ngành ngân hàng như tiền thuật toán (crypto currency), tiền điện tử (e-money), tài chính công nghệ (fintech)… Thêm vào đó là những thách thức về rủi ro công nghệ thông tin, nhân sự chất lượng cao…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, có nhiều thách thức để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Trong bối cảnh CMCN 4.0, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi có nhiều quyết định được đưa ra không phải do con người mà là do máy móc, trí tuệ nhân tạo, và các căn cứ đưa ra quyết định không hoàn toàn dựa trên văn bản, giấy tờ mà có thể là dữ liệu của người dùng. Đây là những vấn đề mới, phức tạp, cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung trong việc quản lý để đáp ứng yêu cầu thực tế. Hành lang pháp lý trong việc sử dụng thông tin người dùng, chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và các đối tác cũng như giữa ngân hàng và các đơn vị, cơ quan nhà nước cũng cần được xem xét. Công nghệ thay đổi, sản phẩm dịch vụ đa dạng, tích hợp thanh toán thuận tiện... nhưng đi liền với đó là những rủi ro cũng sẽ gia tăng. Nếu hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa rõ ràng thì ngân hàng chưa thể sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cho khách hàng và khách hàng cũng sẽ khó có thể sẵn lòng trải nghiệm.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 đang là xu hướng chủ đạo hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận những thành tựu công nghệ mới, tránh bị tụt hậu. Để tiếp cận thành công và tận dụng được những lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại thì cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những tác động của CMCN 4.0 đến ngành ngân hàng, trong đó cần phải chỉ ra được những điều kiện triển khai và thích ứng với CMCN 4.0 của ngành.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thay-doi-cong-nghe-de-xuat-xay-dung-hanh-lang-phap-ly-phu-hop-542297