Thay đổi chiến lược quản lý & thu hút FDI sau 30 năm

Kết quả 30 năm thu hút vốn FDI cho thấy, Việt Nam đã hấp thụ một lượng vốn FDI lớn. Số vốn này không chỉ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao, mà còn thay đổi cơ bản quan hệ kinh tế, sản xuất, kinh doanh của đất nước. - Ts. Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết.

Gắn bó với lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều năm, Ts. Phan Hữu Thắng luôn trăn trở với những được - mất của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhân sự kiện tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Ts. Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư); Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam (VAFIE) về sự chuẩn bị của Việt Nam trong quản lý, thu hút FDI giai đoạn tới

Phóng viên: 30 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam đã có những dấu ấn nhất định, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của FDI chúng ta cũng đã nhìn thấy. Theo ông, làm cách nào để hạn chế được những mặt trái trong thu hút FDI trong thời gian tới?

TS. Phan Hữu Thắng: Kết quả 30 năm thu hút vốn FDI cho thấy, Việt Nam đã hấp thụ một lượng vốn FDI lớn. Số vốn này không chỉ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao, mà còn thay đổi cơ bản quan hệ kinh tế, sản xuất, kinh doanh của đất nước.

Tại Việt Nam nhiều thứ đã thay đổi nhờ vào dòng vốn FDI. Tuy nhiên, những mặt trái của FDI như chuyển giá, trốn thuế, ô nhiễm môi trường... vẫn đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết dứt điểm, trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, không né tránh để tìm ra những giải pháp phù hợp với FDI thời gian tới.

Thay vì tiếp tục dùng cụm từ “trải thảm”, việc chủ động chuyển hướng chính sách trong ứng xử với vốn FDI là vô cùng quan trọng, càng sớm càng tốt. Thực sự, không nên chần chừ thêm hậu tố “có điều kiện” vào cụm từ “thu hút FDI”, lấy đó làm kim chỉ nam cho giai đoạn tới.

Ts. Phan Hữu Thắng.

“Điều kiện” có nghĩa là, trong giai đoạn tới căn cứ vào đòi hỏi thực tế về đầu tư phát triển của nền kinh tế, chúng ta có thể đưa ra các điều kiện đối với các dự án có vốn FDI cần thu hút, để trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm lựa chọn ra được các dự án, các nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện của chúng ta, như điều kiện về công nghệ, về giải pháp bảo vệ môi trường, điều kiện về liên doanh với các doanh nghiệp (DN) Việt theo hình thức thành lập các công ty TNHH, công ty cổ phần, điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giao dần công nghệ cho bên đối tác Việt Nam trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi;…

Thực tế, chủ trương thu hút công nghệ cao từ FDI được đặt ra ngay từ những năm đầu mở cửa, nhưng đến nay, hiện thực trên các báo cáo tổng kết vẫn đang là “chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước còn hạn chế”.

Vì thế, “điều kiện” ở đây còn có nghĩa là làm sao để các DN Việt được tham gia trực tiếp vào dây chuyền sản xuất của các DN FDI tại Việt Nam, nắm được công nghệ cốt lõi sản xuất ra sản phẩm, từ đó tăng được năng lực, năng suất của DN và người lao động Việt Nam; cũng từ đó mới nâng cao được giá trị thực của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần xem xét việc chuyển hướng chính sách từ trông chờ vào chuyển giao CNC từ các nhà đầu tư nước ngoài cho Việt Nam sang việc chủ động tìm mua CNC để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm XK do các DN Việt sản xuất, cũng như chất lượng hàng tiêu dùng trong nước, trên cơ sở tạo điều kiện cho các DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất, tập trung vốn đầu tư cho đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, các nhà quản lý CNC trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Bài học của một số DN tư nhân của Việt Nam chủ động bỏ vốn ra mua công nghệ, thuê chuyên gia về đào tạo, từ đó đã phát triển DN nhanh có hiệu quả và thành công là những bài học quý báu cần nhân rộng.

Ngoài ra, để giảm thiểu các mặt trái của FDI, không nên để DN FDI có quy mô lớn, chiếm diện tích đất lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (khuyến khích họ đầu tư thành lập các công ty TNHH, công ty cổ phần, có các DN Việt Nam tham gia, như đã nêu về “điều kiện” ở trên). Để họ quản lý như một khu vực riêng, đến Đoàn kiểm tra liên ngành vào cũng khó, còn họ xây dựng gì, làm gì trong đó cũng khó phát hiện kịp thời. Việc một số công ty nước ngoài xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông, biển, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là bài học rất đắt giá.

Việc chuyển hướng chính sách cũng cần chủ động trong việc lựa chọn nhà đầu tư dựa vào tư cách, lý lịch đầu tư, kinh doanh của họ (tốt hay chưa tốt trong thời gian qua), đồng thời tạo nên một tỷ lệ đầu tư hài hòa, cân đối giữa các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới, tránh việc lựa chọn chỉ căn cứ vào quy mô lớn của dự án mà không tính đến chất lượng dự án và chưa trả lời được các câu hỏi: có đúng là chúng ta cần nhà đầu tư đó không; có thực sự cần dự án đó không; việc lựa chọn dự án đó vì lợi ích chung hay lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm?

Phóng viên: Được biết, vấn đề chuyển giá và trốn thuế ở doanh nghiệp (DN) FDI vẫn đang diễn ra và chúng ta chưa kiểm soát được. Vậy, theo ông trong Việt Nam cần phải làm gì để kiểm soát được vấn đề này?

TS. Phan Hữu Thắng: Có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế của DN FDI tiếp diễn vì quản lý của chúng ta còn thiếu liên kết, không đi tới cùng, có nơi còn buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm. Thí dụ như: Chúng ta chưa thực thi tốt việc giám định giá trị đầu tư công trình sau khi xây dựng xong để biết vốn đầu tư thực là bao nhiêu? Đến nay, chúng ta vẫn quản lý, công bố số vốn đầu tư nước ngoài đăng kí đầu tư, còn thực tế đã giải ngân theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương còn chưa công bố được. Theo qui định, các DN phải báo cáo, nhưng báo cáo chậm, không đủ,…có lẽ chúng ta đã không thực hiện quản lý giám sát chặt chẽ để khắc phục tình trạng này.

Vấn đề chuyển giá, trốn thuế không chỉ có DN FDI vướng phải mà có cả DN Việt cũng làm, nhưng quy mô FDI có thể lớn hơn và đáng chú ý hơn. Hình thức trốn thuế hay chuyển giá khá đa dạng nhưng chuyển giá, trốn thuế bằng khai khống số liệu đầu tư, giá trị thực của sản phẩm XK là lớn... Nói ví dụ đơn giản: DN chỉ đầu tư vào Việt Nam 80 triệu USD nhưng họ khai lên trên 100 triệu USD, giá trị hàng bán ra tại nước ngoài là 3 nhưng chỉ khai là 2… Chúng ta đủ năng lực để phát hiện, ngăn chặn nhưng chưa tập trung làm hết được.

Trên thế giới có rất nhiều các công ty giám định quốc tế, chúng ta có thể thuê họ vào làm để xác định đúng giá trị thực của khoản đầu tư. Hoặc trong quá trình DN làm, chúng ta có thể giám sát đầu tư, theo dõi hàng ra - vào bằng sổ riêng của Hải quan, từ đó biết được họ nhập cái gì vào, giá bao nhiêu, thời điểm nào? sau đó so sánh với các mặt hàng tương tự. Như vậy, có thể thấy việc xác định DN có chuyển giá hay không không khó. Nhưng chúng ta có làm được hết không mới là quan trọng.

Phóng viên: Môi trường luôn là vấn đề nóng trong thu hút FDI. Thời gian qua, rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá nhiều địa phương đã từ chối nhiều dự án FDI lớn có nguy cơ gây bất ổn tới môi trường. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?

TS. Phan Hữu Thắng: Trước đây, thời kỳ đầu, chúng ta mở cửa thu hút đầu tư với ít điều kiện hơn, phù hợp với giai đoạn mở cửa lúc đó. Bây giờ sau 30 năm, thế và lực của nền kinh tế đã khác, môi trường đầu tư-kinh doanh quốc tế cũng đã có nhiều biến động mới... chúng ta vẫn tiếp tục phải thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, vì đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư và phát triển KT-XH trong giai đoạn tới nhưng cũng phải đưa ra các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, và biết “nói không” với các dự án không mang lại lợi ích cho quốc gia, những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu.

Việc nói “không” với các dự án có nguy cơ ô nhiễm thực sự là tín hiệu tốt cho định hướng phát triển của nền kinh tế. Các địa phương đã tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn dự án FDI. Các dự án sử dụng nhiều lao động nhưng gây ô nhiễm môi trường đều bị các địa phương cân nhắc từ chối.

Đơn cử, gần đây có địa phương đã từ chối 2 dự án FDI lớn, trong đó có dự án dệt nhuộm lên tới 300 triệu USD, bởi vẫn còn nhiều quan ngại mà DN chưa trả lời được, đặc biệt về vấn đề ảnh hưởng môi trường. Hai dự án hàng trăm triệu USD mà địa phương đó từ chối thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư chất lượng, mà các địa phương đang hướng tới.

FDI vẫn sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, ít nhất là cho tới khi đất nước dư thừa tích lũy và đạt tới tầm phát triển khoa học công nghệ ở mức tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/thay-doi-chien-luoc-quan-ly-thu-hut-fdi-sau-30-nam-513872/