Thay đổi căn bản

Nếu như theo Luật Cạnh tranh 2004, sự việc Central Group của Thái Lan mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam không được coi là phạm luật vì thương vụ này được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004, thì nay với Luật Cạnh tranh 2018, hành vi này có thể sẽ được xem xét có vi phạm Luật.

Theo bà Trần Phương Lan- Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh năm 2018 đã có những quy định mới, theo đó cơ quan chức năng trong nước đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành điều tra, xử lý với bất kỳ hành vi nào xảy ra ở bất cứ đâu mà có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Cạnh tranh 2018 đã hoàn toàn “lột xác”. Nhà quản lý sẽ vào cuộc xử lý nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, cho dù các vụ việc xảy ra ở bất cứ đâu mà có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.

“Luật mới với cách tiếp cận phù hợp và theo kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như những xu hướng gia tăng hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như các thỏa thuận, giao dịch M&A cũng như các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh diễn ra ngày càng nhiều”- bà Lan nhận định.

Ở một khía cạnh khác, tại hội thảo Phổ biến Luật Cạnh tranh do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, có sự khác biệt rõ ràng giữa Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 liên quan tới câu chuyện tập trung kinh tế và thống lĩnh thị trường. Cụ thể, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, DN, nhóm DN có thị phần từ 30% trở lên thì được coi là thống lĩnh thị trường hay có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhưng theo Luật Cạnh tranh 2018, sự kết hợp tạo nên thị phần trên 30% chưa chắc đã phạm Luật nếu DN thống lĩnh không gây tác động hoặc tác động không đáng kể đối với thị trường.

Như vậy, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế, thay đổi căn bản về tư duy lập pháp, thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của DN. Từ đây sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/thay-doi-can-ban-tintuc415710