Thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018: Tăng số người xin về hưu non

Đại diện BHXH Việt Nam thừa nhận, có hiện tượng gia tăng số người tới bệnh viện xác nhận lại tình trạng sức khỏe và xin về hưu non trước thời điểm ngày 1/1/2018 vì lo ngại thiệt thòi khi thay đổi cách tính lương hưu.

Nhiều người xin về hưu non

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017, nhiều cơ quan truyền thông cho biết, hiện nay có nhiều trường hợp lao động nữ xin về hưu non vì lo ngại sẽ thiệt thòi với cách tính lương hưu mới từ 1/1/2018.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại nhiều Trung tâm giám định sức khỏe số người đến xin giám định để nghỉ hưu non tăng đột biến, có địa phương tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết, ông có nghe thông tin ở các địa phương, lao động nữ giám định sức khỏe nghỉ hưu sớm tăng hơn. Việc này không có gì là lạ, vì người lao động tính toán có lợi cho họ thôi.

Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về số người xin nghỉ hưu non.

Không phải ai về hưu non cũng có lợi

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TBXH) thì người lao động nên cân nhắc việc giám định sức khỏe để nghỉ hưu non, bởi không phải ai về hưu sớm cũng có lợi, mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ đi 2% lương.

Tuy nhiên, ngược với lời khuyên của ông Cường thì có rất nhiều trường hợp bị thiệt nhiều % lương nếu tính lương theo Luật BHXH 2014.

Cụ thể, theo cách tính này, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (nhiều trường hợp lên đến 10%).

Thậm chí có trường hợp, khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Điều này rõ ràng không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em.

Bài liên quan

Từ 1/7/2018, lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng

Chia sẻ về những bất cập của cách tính lương hưu mới cho lao động nữ từ ngày 1/12/2017, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: "Trước hết phải khẳng định rằng, quy định cách tính lương hưu đối với lao động nữ (LĐN) từ ngày 1/1/2018 trở đi không phải là quy định mới".

Việc điều chỉnh của Luật BHXH năm 2014 là đưa công thức tính mức lương hưu đối với lao động nữ quay trở lại trước đây. Bởi quy định này đã được áp dụng từ năm 1995 đến hết năm 2002 theo quy định của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ.

Từ năm 2003, khi Chính phủ sửa đổi Điều lệ BHXH theo Nghị định số 1/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003, thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ mới thay đổi theo công thức: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 3%; tối đa là 75%.

Việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động.

Tuy nhiên, tác động đến lao động nam là từng bước theo lộ trình, còn với lao động nữ thì không có lộ trình.

Video: Những người hưởng lương hưu "khủng" nhất và còm cõi nhất Việt Nam

Theo ông Sơn, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ áp dụng theo Luật BHXH 2014.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị vẫn áp dụng cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ 1/1/2018 như hiện tại và Chính phủ giao nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và nữ trong thụ hưởng chính sách.

Minh Vân

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thay-doi-cach-tinh-luong-huu-tu-1-1-2018-tang-so-nguoi-xin-ve-huu-non-d366619.html