Thay đổi cách tiếp cận phù hợp bối cảnh mới

Ngày 15/1, Mặt Trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) năm 2018, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW CVĐ cho rằng: Bối cảnh của nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, theo đó CVĐ cũng cần chuyển hướng cho phù hợp nhằm duy trì và đạt hiệu quả ngày một tốt hơn.

Tích cực hưởng ứng

Báo cáo từ Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho thấy, năm 2018 đã có 20/27 bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị- xã hội chủ động xây dựng kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để tích cực triển khai CVĐ; chủ động tham mưu xây dựng các văn bản tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất, bảo vệ thị trường và người tiêu dùng trong nước, thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

Công tác tuyên truyền cũng được các cơ quan truyền thông chú trọng, lồng ghép thực hiện bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm của doanh nghiệp với CVĐ. Cụ thể năm vừa qua, Ban chỉ đạo CVĐ của 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức tuyên truyền được 149.161 cuộc, đăng tải 21.685 tin bài, 361 hội chợ, triển lãm …

Tại Hội nghị, các ý đánh giá đều có chung nhận định: Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu đối với người tiêu dùng

Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm vừa qua, Bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW CVĐ cho hay: Năm 2018 là năm thứ 3 Ban Chỉ đạo TW phân công các thành viên phụ trách theo dõi các tỉnh, thành phố. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban Chỉ đạo TW với Ban Chỉ đạo các địa phương đã thông suốt hơn.

CVĐ cũng được triển khai thường xuyên, đi vào nền nếp; được các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức sâu rộng, thống nhất tạo sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua CVĐ, các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước và sản phẩm của các vùng miền. Doanh nghiệp được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích phát triển sản xuất. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp tại các địa phương mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng và hình thành vùng sản xuất tập trung.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: CVĐ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt. Đồng thời, đã khẳng định vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước cũng như thị trướng nước ngoài. “Con số hàng hóa xuất khẩu hàng năm rất lớn của Việt Nam là một minh chứng về chất lượng và vị thế của hàng Việt trên thị trường thế giới”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị

Mặc dù năm vừa qua, CVĐ đã nhận được sự ủng hộ đáng kể, tuy nhiên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW- Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho rằng: Vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa tích cực tham gia; chưa chủ động xây dựng kế hoạch và kiểm tra thực hiện CVĐ của cấp dưới. Cùng đó, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu vẫn khó kiểm soát trên thị trường; hàng hóa chưa thực sự bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng chưa cao nên hiệu quả triển khai CVĐ chưa được như mong muốn.

Công tác phối hợp kiểm tra giám sát của các Ban Chỉ đạo còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép với nội dung liên quan, do vậy việc phát hiện, chấn chỉnh vi phạm chưa sâu.

Nhiệm vụ trọng tâm 2019

Với những hạn chế còn tồn tại trên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW- Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết: Để CVĐ được triển khai tốt hơn, trong năm 2019 Ban Chỉ đạo TW cũng đã xây dựng và chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ giai đoạn 2014 - 2020; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế…, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

CVĐ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp trong tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân nhằm khuyến khích tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả CVĐ. Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt. Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các thành viên BCĐ TW tiếp tục theo dõi việc triển khai CVĐ tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ CVĐ ở các địa phương.

Về nhiệm vụ của CVĐ trong năm 2019, theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW CVĐ Đỗ Thắng Hải, nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường nội địa. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Đến nay CVĐ đã bước sang năm thứ 10, việc tổng kết để đánh giá điểm được và chưa được là rất quan trọng. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, Ban Chỉ đạo TW cần lựa chọn khẩu hiệu cho CVĐ phù hợp với "sức khỏe" doanh nghiệp, nhận thức của người tiêu dùng và bối cảnh kinh tế mới.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thay-doi-cach-tiep-can-phu-hop-boi-canh-moi-114772.html