Thay đổi cách thức để tăng trưởng 7,5-8%/năm liên tục trong 25 năm tới

Để trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP 7,5-8%/ năm trong suốt 25 năm tới. Chỉ có con đường chuyển đổi số mới giúp đạt tăng trưởng cao, biến khát vọng thành hiện thực.

Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

Vượt lên phía trước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra xác định mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, đó là hiện thực hóa khát vọng biến Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Để trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng (tức là nước phát triển) vào năm 2045 thì thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD/năm. Hiện trên thế giới, có 37 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000 USD/năm trở lên. Đó đều là các quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển,...

Để trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm trong vòng 25 năm

Để trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm trong vòng 25 năm

Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 3.000 USD/năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm, liên tiếp trong 25 năm tới để đạt mốc 20.000 USD. Như vậy, phải có khát vọng cháy bỏng, mới biến mục tiêu nêu trên thành hiện thực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để vượt qua những khó khăn hiện nay và tận dụng được cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải biết “vượt lên trước”, chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, thì con đường đi tất yếu sẽ là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số. Tức là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ phát triển.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, những ai nắm trong tay công nghệ, làm chủ công nghệ thì đi rất nhanh. Nhìn lại Việt Nam thời gian qua đã phòng chống đại dịch Covid-19 rất hiệu quả, nhanh chóng đưa cả nước về trạng thái bình thường, kinh tế giữ được mức tăng trưởng dương. Đó là nhờ đóng góp quan trọng của rất nhiều nền tảng số.

Chỉ trong một thời gian ngắn, có tới gần 60 các nền tảng số chống Covid được tạo ra, giúp kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Sở dĩ chúng ta làm được như vậy, là nhờ có những doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm rất nhanh.

Chỉ có chuyển đổi số mới giúp kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao

Cơ hội vượt lên

Có thể nói, chuyển đổi số là cơ hội dành cho những người nghèo thoát nghèo, cho quốc gia đang phát triển trở thành phát triển. Hiện nay câu chuyện về tỷ lệ bác sỹ trên đầu dân rất khó giải quyết, đặc biệt với vùng sâu vùng xa. Nhưng với nền tảng khám bệnh từ xa, thì người dân ở bất cứ vùng miền nào cũng có thể tiếp cận cả nghìn bác sỹ giỏi. Như vậy, tỷ lệ bác sỹ trên đầu dân tăng lên. Nếu không có chuyển đổi số, điều này rất khó xảy ra.

Ai ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng mong được học những thầy giáo tốt, chương trình tốt nhất. Nhờ công nghệ số, những bài giảng của thầy giỏi có thể được chiếu ở các bản làng xa xôi nhất Việt Nam và giáo viên tại bản làng ấy trở thành người trợ giảng. Có nghĩa là những người nghèo nhất, những người ở xa nhất cũng đều được tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất, không bị thiệt thòi.

Có công nghệ số, bà con nông dân ở khắp cả nước có thể bán được hàng hóa sản phẩm của mình, thông qua các sàn giao dịch trên mạng mà không phải qua thương lái, giúp tăng giá trị và gia tăng thu nhập...

Theo CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa, xem xét về chuỗi giá trị hiện nay thì nghiên cứu, thiết kế sản phẩm (R&D) chiếm vị trí quan trọng nhất, tiếp đến là tiếp cận thị trường (Service) và cuối cùng là gia công. Các thống kê cho thấy, nghiên cứu, thiết kế sản phẩm (R&D) thường mang lại 40% giá trị, tiếp cận thị trường (Service) chiếm từ 30-35%, còn gia công chỉ chiếm từ 15-20%. Vì vậy, để trở thành quốc gia phát triển thì không thể nào chỉ dựa vào mỗi gia công sản phẩm, mà phải biết làm chủ công nghệ, sáng tạo và tự thiết kế ra sản phẩm. Muốn như vậy, chúng ta bắt buộc phải đi vào số hóa.

Chuyển đổi số là cơ hội dành cho những người nghèo thoát nghèo, cho quốc gia đang phát triển trở thành phát triển.

Việt Nam đang chủ động tiếp cận chuyển đổi số. Đầu tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Chương trình này, Việt Nam tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết đi sau trong tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao gồm công nghệ và chuyển đổi. Thực tế là chuyển đổi mô hình hoạt động, cách sinh hoạt. Nghĩa là làm khác với hiện tại, dùng công nghệ số thay đổi cách thức đang làm.

Hiện tại, chuyển đổi số ở Việt Nam đang gặp phải không ít các rào cản. Trong đó có hạ tầng số chưa đồng bộ, năng lực kết nối còn thấp. Ngoài ra, hệ thống luật pháp còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các quan hệ trong xã hội số, thiếu sự quan tâm đúng mức tới sự phát triển của những công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, blockchain, máy tự học...

Tuy nhiên, thách thức mới đang tạo cơ hội mới, tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Từ đây sẽ tạo ra năng lực mới, cách tiếp cận mới và là nguồn lực để chúng ta bứt phá, vươn lên.

Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thành một nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60%, xuống dưới 3%... Cộng đồng quốc tế cũng dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.

Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và là năm đầu của giai đoạn 25 năm để đến năm 2045 trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chuyen-doi-so-de-tro-thanh-quoc-gia-hung-cuong-thinh-vuong-708491.html