Thay đổi cách thu, ngân sách mới bền vững

Hôm nay (29-10), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về vấn đề liên quan đến ngân sách năm 2018, 2019 và năm 2019 - 2021. Tuy tăng trưởng kinh tế được dự báo là sẽ đạt 6,7% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng thu ngân sách, hoạt động của doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong đó, thu ngân sách chỉ tăng 3% so với dự toán, còn thu từ khu vực DN không đạt dự toán. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM), Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (ảnh).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có một số điểm đáng chú ý trong thu - chi ngân sách hiện nay: năm 2018 nguồn thu ở 3 khu vực không đạt dự toán (DNNN, DN FDI và DN ngoài quốc doanh). Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Ông TRẦN ANH TUẤN: - Thông thường, nếu như chúng ta duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm nay tạo ra nguồn thu ngân sách không tương ứng, do năm nay là kết quả của nhiều năm đầu tư, phát triển, nên độ trễ trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.

Đúng là khu vực DN tư nhân thời gian qua chưa được như mong muốn. Muốn để các khoản đầu tư này mang lại hiệu quả cần có thời gian, độ trễ vì khoản đầu tư đó chưa mang lại doanh thu, lợi nhuận ngay. Đó cũng là cơ sở để tính toán việc thu ngân sách năm sau. Tuy nhiên, việc nguồn thu từ 3 khu vực DN không đạt được như dự tính cũng cần phải xem xét. Thực tế, nhiều DN đăng ký vốn sản xuất, kinh doanh nhưng sau đó không giải ngân được, nguyên nhân có thể do môi trường kinh doanh đang không thuận lợi, nên DN không muốn giải ngân. Ngoài ra, cũng có thể do cơ cấu hình thành nên giá thành sản phẩm đang quá cao (như chi phí lãi suất, chi phí vận tải…), khiến doanh thu, lợi nhuận của DN giảm và thu nhập chịu thuế cũng giảm xuống. Tất cả những yếu tố đó có thể là một phần đóng góp của khu vực DN không đạt được như dự toán.

- Nhưng 3 khu vực DN những năm gần đây thu không đạt dự toán, song vẫn tăng so với con số thực hiện của năm trước. Còn dự kiến đến cuối năm 2018, 22/57 địa phương không đạt dự toán, trong đó hai đầu tàu kinh tế TPHCM và Hà Nội hụt thu 2 năm liên tục. Điều đó được lý giải là do giao thu ngân sách tăng cao chứ không phải do DN đóng góp giảm hay địa phương hụt thu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đúng là việc dự toán giao cao đang tạo áp lực cho thu ngân sách từ khu vực DN lẫn các địa phương. Như với TPHCM, chỉ tiêu giao căn cứ vào nhiều yếu tố như: tăng trưởng của TPHCM những năm trước; nguồn thu dự kiến từ chống thất thu thuế… Dĩ nhiên, TPHCM chia sẻ với chỉ tiêu thu ngân sách cao, điều tiết về Trung ương lớn, vì Trung ương còn cân đối với các địa phương khác.

- Thưa ông, “công thức vàng” để tính tăng thu là tốc độ tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát. Nhưng thực tế tăng thu hiện đều không đạt và rõ ràng cần phải có sự tính toán lại?

- Tôi nghĩ không nên chỉ căn cứ vào cách như vậy vì không sát, do tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong khi việc tính toán tăng trưởng thu cần phải căn cứ vào khả năng đóng góp ngân sách của các thành phần kinh tế, từ đó mới tính toán, giao chỉ tiêu. Đóng góp ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như chi phí thực sự mà DN phải trả trong quá trình hoạt động. Đó là những yếu tố chúng ta lưu ý nhiều hơn khi làm dự toán thu ngân sách.

- Thu ngân sách từ DN không đạt dự toán nhưng tình trạng thất thu thuế còn rất lớn, riêng nợ thuế đã lên tới 83.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017. Điều đó nói lên vấn đề gì?

- Nợ đọng thuế có nhiều dạng, như DN được phép nợ đọng trong thời gian cho phép như thuế xuất nhập khẩu; chậm nộp; nợ không thể thu hồi… Để đánh giá sát nợ thuế như thế nào cần phải có sự phân loại. Tuy nhiên, việc nợ đọng nhiều cũng phản ánh việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng cơ quan thuế cũng cần có sự thay đổi trong hành thu. Cần có sự cải tiến hơn về cách thu để tạo cho người nộp thuế có thể hoàn thành nghĩa vụ mà không phải vướng những thủ tục hành chính. Tôi đã từng phát biểu tại buổi làm việc với Cục Thuế TPHCM, những loại thuế như thuế trước bạ, thuế từ các giao dịch khác ngành thuế nên tạo điều kiện thuận lợi như người dân đóng cước phí điện thoại. Chỉ khi tiện lợi đến mức đó mới tạo điều kiện tốt nhất, còn quản lý thuế theo địa bàn hiện nay vẫn chưa hợp lý. Việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế cũng có thể sẽ tạo điều kiện cho tăng thu. Thí dụ như người dân, nếu giao dịch nhà đất đóng thuế thuận tiện như với cước điện thoại thì có thể 1 năm họ thực hiện 5-6 giao dịch thay vì chỉ 1 giao dịch, như vậy tiền thuế sẽ nộp nhiều hơn. Tiền luân chuyển nhiều và nhanh như vậy sẽ bù đắp được sự thiếu hụt vốn trong nền kinh tế. Tóm lại, để có nguồn thu tốt, giảm nợ đọng thuế cần cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như cải cách hệ thống hành thu hiện nay.

- Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định không ban hành thêm sắc thuế để tăng thu nhưng dự toán vẫn tăng, chi cũng tăng. Vậy làm cách nào để đảm bảo những yêu cầu trên?

- Ngoài những biện pháp để tăng thu như cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, còn phải giảm chi để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách, trong đó phải giảm chi thường xuyên. Tất nhiên, giảm chi thường xuyên phải giải quyết bài toán về bộ máy, và điều này cần phải được đẩy mạnh như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), từ đó chi thường xuyên giảm xuống, chi cho đầu tư phát triển sẽ tăng lên và đảm bảo tính bền vững.

- Như ông nói, thu ngân sách từ khu vực DN là rất quan trọng, nhưng trong 9 tháng qua DN thành lập nhiều nhưng giải thể cũng không ít. Vậy theo ông làm cách nào để tăng thu một cách bền vững, thay vì dựa vào giá dầu, đất đai?

- Tôi nghĩ, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, giảm các chi phí liên quan đến hoạt động của DN… thì cần nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững trong thu ngân sách. Tôi muốn nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư ở đây không chỉ là đầu tư của Nhà nước, mà cần phải làm sao để đầu tư toàn xã hội cũng phải hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông.

Hà My (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/thay-doi-cach-thu-ngan-sach-moi-ben-vung-62616.html