Thay đê đất đường Âu Cơ bằng bê tông cốt thép: Vững chắc, an toàn, đường mở rộng gấp đôi

Chiều dài đoạn tuyến đê Âu Cơ mà Hà Nội kiến nghị thay thế bằng đê bê tông cốt thép có chiều dài là 3,16km, kinh phí dự kiến khoảng 440 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp ước 330 tỷ đồng.

Đê được thay bằng bê tông cốt thép, đường mở rộng 2 lần

Tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin cơ chế đặc thù để thực hiện dự án thay thế một phần đê đất tuyến Hữu Hồng đoạn Âu Cơ (từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân) bằng đê bê tông cốt thép, UBND TP Hà Nội cho biết, đường Âu Cơ là đoạn đê Hữu Hồng kết hợp làm đường giao thông, là đường quan trọng cửa ngõ phía Tây Bắc, nằm trong mạng lưới giao thông kết nối với các tuyến đường vành đai và khu vực tiếp cận với các quốc lộ như QL5, QL3, QL18; là trục kết nối gần nhất từ Trung tâm chính trị Ba Đình với sân bay quốc tế Nội Bài.

Tuy nhiên, tuyến đường hiện trạng có bề rộng từ 8-9m, một số đoạn đã được mở rộng có bề rộng mặt đường từ 15-17m; độ chênh giữa mặt đường chính và mặt đường gom hai bên lớn nên kết nối giữa các đường này khó khăn; đường giao có dốc lớn, bán kính rẽ nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thường xuyên xảy ra tình trạng dồn ứ, tắc đường kéo dài.

Trong quá trình rà soát các hạng mục công trình phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020, TP Hà Nội nhận thấy cần gấp rút đầu tư cải tạo, nấng cấp tuyến đường Âu Cơ, tiếp nối đồng bộ với dự án xây đựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên vừa hoàn thiện.

Đường Âu Cơ hiện chỉ có 2 làn xe chạy, đường chính và đường gom hai bên chênh nhanh rất lớn

Đường Âu Cơ hiện chỉ có 2 làn xe chạy, đường chính và đường gom hai bên chênh nhanh rất lớn

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo khảo sát đánh giá sơ bộ và thống nhất chủ trương nghiên cứu mở rộng phạm vi thực hiện dự án xây dựng cầu vuợt tại nút An Dương - đường Thanh Niên với đường Âu Cơ để cải tạo đường này theo phương án thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê kết cấu bê tông cốt thép kết hợp mở rộng đường.

Chiều dài đoạn tuyến là 3,16km, kinh phí dự kiến khoảng 440 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp ước 330 tỷ đồng (không phải thực hiện giải phóng mặt bằng do chỉ cải tạo trên nền hiện trạng tuyến đường hiện có). Nguồn vốn sử dụng vốn dự phòng của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và ngân sách thành phố từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

UBND TP Hà Nội đang chi đạo chủ đầu tư, các sở, ngành hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án, dự kiến công trình hoàn thành vào quý 1-2020.

Sau khi dự án hoàn thành, sẽ tạo ra đoạn đê kết cấu bằng bê tông cốt thép thay cho đê kết cấu bằng đất (là phương án đã được các bộ, ngành thống nhất và triển khai thi công đối với Dự án xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên) đảm bảo kiên cố, vững chắc, an toàn hơn cho tuyến đê Hữu Hồng (đoạn qua nội thành Hà Nội).

Đối với tuyến đường Âu Cơ sẽ được mở rộng hơn 2 lần mặt đường hiện có, tạo ra tuyến đường với 4 làn xe chạy, đường gom 2 làn xe chạy hai bên (hiện trạng là đường 2 làn xe chạy và 1 làn xe chạy hai bên).

Xin ý kiến Bộ NN&PTNT về phương án thiết kế mở rộng đê Âu Cơ

Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường xin ý kiến về chủ trương và phương án thiết kế mở rộng đê Âu Cơ.

Theo UBND TP Hà Nội, do tính chất quan trọng của tuyến đê Âu Cơ, Nghi Tàm và để kết nổi thuận lợi cho nhu cầu giao thông đi lại từ khu vực phía Bắc cũng như sân bay Nội Bài; đồng thời để phát huy hết hiệu quả đầu tư đoạn 1, UBND TP có chủ trương tiếp tục thực hiện việc thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép kết hợp với mở rộng mặt đường đê, mở rộng đường gom dân sinh hai bên đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân (đoạn 2) và dự kiến phấn đấu hoàn thành đoạn tuyến này trước năm 2020 phục vụ cho SEAGames 31.

UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến thống nhất với chủ trương của UBND TP và cho ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ xây dựng tường chắn bê công cốt thép kết hợp mở rộng mặt đường đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân làm cơ sở để UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Theo UBND TP Hà Nội, trước đó, để thực hiện giai đoạn 1 của Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5-4-2016 về việc cho phép áp dụng hình thức giao thầu từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng, UBND TP Hà Nội đã tích cực thực hiện và có hiệu quả; tiết kiệm chi phí (hiện dự án không sử dụng đến vốn dự phòng) nên được các cơ quan chức năng và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/thay-de-dat-duong-au-co-bang-be-tong-cot-thep-vung-chac-an-toan-duong-mo-rong-gap-doi/786295.antd