Thầy Đản Tô Tịch

Thế hệ học thầy Đản ở Tô Tịch giờ đã ngót nghét 45-50 cả rồi. Ai đã học thầy thì không bao giờ quên người thầy không có bằng đại học này.

Ai ở Phố Tố Tịch (Hà Nội) cách nay trên 30 năm đều biết Công ty may Chiến Thắng nằm trên con phố ngắn ngủi này. Công ty may thực chất là nhà của đại gia đình thầy Đản - một gia đình tư sản - bị nhà nước trưng thu trong những năm sau 1954. Tôi và nhiều trò khác đã học tiếng Anh trên căn gác xép ngôi nhà này trong nhiều năm với người thầy kính yêu: Thầy Đản - Thầy Đản Tô Tịch.

Cũng may người ta còn chừa lại cho Thầy căn gác gỗ sát tầng mái nên thầy còn chỗ tá túc và dạy bọn học trò chúng tôi. Những ngày mưa, tiếng long bong trên mái tôn cơi nới át cả tiếng thầy. Nước long tong nhỏ xuống vài chỗ. Bọn học trò được phen xê dịch hỗn loạn đầy thích thú.

Ảnh minh họa: Internet

Với lý lịch con gia đình tư sản, thầy Đản sống chật vật những năm bao cấp. Thi thoảng, lúc nghỉ giải lao giữa giờ học, thầy lại lôi cái hòm gỗ chữa khóa ra hì hụi làm một việc gì đó. Thầy kể, thầy là công nhân Nhà máy cao su Sao Vàng, rồi làm cả nghề chữa khóa ở vỉa hè.

Thầy chơi ghi ta cổ điển rất hay. Chỉ cần nhìn dáng ngồi biết ngay thầy được học hành bài bản từ tấm bé. Lúc buông đàn, thầy nói thầy thích nhạc, muốn dạy nhạc, nhưng thời thế hôm nay (những năm 80) chưa phù hợp nên thầy chọn dạy tiếng Anh. Thầy bảo, Phong học tiếng Anh được đấy! Phong sẽ giỏi hơn thầy, sẽ có tương lai. Đến hôm nay, thấy không nghe theo lời thầy là quá dại.

Có điều này thầy không nói nhưng tôi biết, thầy học tiếng Anh trước đó, thời mà tiếng Nga và tiếng Trung Quốc đang thịnh, để mong một cuộc sống khá hơn ở đâu đó nhưng hình như việc bất thành. Thầy phải rời khỏi Nhà máy cao su Sao Vàng. Thế là cái nghiệp dạy tiếng Anh quyện chặt lấy thầy, vừa mưu sinh, nhưng có lẽ cũng vừa để toan tính và hy vọng cho một chuyến đi xa khác?

Cũng may đất nước Đổi Mới. Cuộc sống dễ thở hơn. Lớp học của thầy ngày càng đông. Căn gác xép cổ kính có cái cầu thang gỗ dốc đứng không còn đủ chỗ nữa, thầy phải thuê thêm vài địa điểm khác quanh Tô Tịch để dạy.

Mừng nhất là thầy đòi lại được căn nhà mà những năm sau 1954 nhà nước đã trưng thu. Đây là tòa nhà cổ lớn nhất ở phố Tô Tịch với hai chữ Hán trước nhà mà tôi quên mất nghĩa.

Thầy vẫn dạy tiếng Anh cho học trò nhỏ. Thầy bảo thầy chỉ thích trẻ con, không thích dạy người lớn, cho dù vẫn có vài người lớn chuẩn bị đi nước ngoài, bằng cách nào đó, cũng xin học và học chung lớp với đám trẻ con chúng tôi.

Những ngày đầu học ở đây tôi chú ý tới một ông già lụ khụ giúp việc cho thầy. Thầy bảo đấy là bõ già ở với gia đình thầy từ thời Pháp, lúc thầy còn bé. Đến khi gia đình thầy trắng tay vì công tư hợp doanh, ông bõ nhớ cái tình cái nghĩa với chủ nên không nỡ bỏ đi mà ở lại, rau cháo cùng với gia đình thầy những ngày khốn khó.

Những năm 80 đói lắm! Tôi nhớ có tháng phải khất thầy học phí. Thầy vỗ vai, nói em cứ về đi! Kể từ đó, mỗi khi tôi đóng tiền học, thầy lại xua tay, nói thầy hiểu em mà Phong, cầm tiền về đưa bố mẹ đi!

Tôi thi đại học được điểm cao cũng nhờ thầy. Tôi “kiếm cơm” đủ sống qua ngày trong những năm bỏ dở đại học để đi lang thang cũng nhờ vốn liếng tiếng Anh của thầy. Tôi học tiếng Anh của thầy nhiều, nhưng thấm nhiều hơn cả vẫn là tính cách và lối ứng xử của một người Hà Nội gốc.

Cuộc sống đang lúc thuận lợi với thầy thì bệnh tim đột ngột làm thầy ngã quỵ khi đang giảng bài. Học trò đưa ngay thầy vào viện, chỉ vài bước chân, thế mà không kịp.

Thế hệ học thầy Đản ở Tô Tịch giờ đã ngót nghét 45-50 tuổi cả rồi. Ai đã học thầy thì không bao giờ quên người thầy không có bằng đại học này. 20/11 không đến thắp hương được, em có bài viết nhỏ này để tưởng nhớ Thầy!./.

Ngô Thiệu Phong/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thay-dan-to-tich-697686.vov