Thầy cô - nhân cốt văn hóa

'Đèn đỏ, các cô các chú đừng đi!', 'Bố vượt đèn đỏ, con về mách mẹ đấy!'… Thỉnh thoảng ở ngã ba, ngã tư chúng ta lại nghe thấy tiếng trẻ nhắc người nhà và người đi đường như thế. Ai dạy các cháu điều ấy? Chính là các thầy các cô ở trường học. Qua học sinh của mình, thầy cô đã gián tiếp đưa điều nên và không nên trong ứng xử đến với các gia đình.

Cũng như vậy, học sinh, sinh viên lĩnh hội lẽ sống, đạo đức từ nhà trường về tác động đến gia đình, họ hàng, làng xóm quê hương. Những người trẻ khuyên can cha mẹ không ép con lấy chồng lấy vợ sớm, tôn trọng sự lựa chọn của con khi đã lớn. Các em còn có thể ủng hộ hay phản đối gia đình trong thực hiện những quyết định hành xử đúng hoặc sai pháp luật, trong sản xuất kinh doanh theo các phương thức mới, trong nuôi dưỡng, củng cố tình làng nghĩa xóm…

Nhưng không chỉ có gián tiếp, các cô giáo còn là những người trực tiếp giúp làng xóm nơi mình ở xây dựng đời sống văn hóa. Họ là những người gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước văn hóa, nêu gương xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn trật tự, vệ sinh, đóng góp xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị… Là người có học, là trí thức ở các miền quê, thầy cô giáo thường được bà con cậy nhờ, hỏi han trong nhiều việc từ làm ăn đến cư xử. Tiếng nói của thầy cô giáo có khả năng làm mọi người cảm thông, chia sẻ với nhau, bớt nhẹ đi những bất đồng, mâu thuẫn. Là người trực tiếp dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, uốn nắn các lớp trẻ, họ hiểu biết tính tình, khả năng từng người nên lời của thầy cô đánh giá, khuyên bảo các gia đình, các làng quê trong giáo dục, rèn luyện bồi dưỡng niềm tin vào con trẻ có sức nặng nhất định…

Tiếng hát, điệu múa, cách cắm hoa, trang trí nhà cửa, lời hay ý đẹp từ nhà trường mà tỏa lan về các làng quê. Từ các làng bản vùng cao tới xóm chài ven biển và nơi đảo xa hầu như mọi hoạt động văn hóa, xã hội đều không thể vắng thầy cô. Thầy cô không chỉ “cõng chữ lên non” mà còn góp phần đưa ánh sáng văn hóa về những nơi xa xôi hẻo lánh. Họ là những hạt nhân, thậm chí nhiều người còn là tinh hoa văn hóa.

Từ những ông đồ ngày xưa đến thầy cô giáo hôm nay là cả một chặng đường dài tiến hóa trong công cuộc trồng người, gây dựng, quảng bá tiến bộ, văn minh trên mọi làng xã, phố phường. Hệ thống giáo dục nay đã trở thành một phần hữu cơ tất yếu của hệ thống văn hóa.

Tuy nhiên không phải ai và ở đâu cũng nhận thức rõ về vai trò nòng cốt trong văn hóa xã hội của thầy cô và nhà trường. Theo nếp chung hay theo thói quen, những cuộc gặp gỡ, hội họp, liên hoan đều có mặt thầy cô, đại diện nhà trường, song nhiều lãnh đạo địa phương không coi họ như một chỗ dựa, một thành phần quan trọng. Ngược lại, không ít nhà trường, thầy cô lại thụ động, thậm chí lựa chọn đứng ngoài các hoạt động, các phong trào của địa phương. Đúng là chẳng có cơ chế nào ràng buộc sự tham gia vào những việc làng, việc phố của thầy cô, nhưng nếu địa phương và nhà trường càng gắn kết thì mọi việc càng thuận lợi, hanh thông. Chủ động đến với nhau, chia sẻ và chung tay vào cuộc, thầy cô, nhà trường sẽ trở thành lực lượng văn hóa xã hội tích cực và đắc lực ở mỗi miền quê.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thay-co-nhan-cot-van-hoa-554552