Thầy cô góp gạo nuôi trò

Hơn một năm qua, các thầy cô giáo của Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông đã cùng nhau góp gạo, nấu cơm để giữ chân học trò đến lớp.

HS ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka.

HS ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka.

Ngày ngày, nhìn HS quây quầy bên mâm cơm, tíu tít trò chuyện, thầy cô chẳng ai bảo ai đều tự nhủ cố gắng duy trì cho dù cuộc sống của nhiều GV còn bộn bề gian khó.

Giữ chân học trò

Trường PTDT bán trú Tiểu học– THCS Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thuộc vùng sâu, xa của huyện. Năm học 2020 -2021, trường có 240 HS, trong đó tiểu học có 154 em. HS nơi đây phần lớn là dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka có 23 HS lớp 1 và 2. HS được học 2 buổi/ngày nên sau khi học buổi sáng các em lại về nhà ăn cơm. Tuy nhiên, nhiều em nhà xa, cách trường 3 - 4 km nên đến chiều các em hay nghỉ học. Thấy học sinh nghỉ, nhiều GV trong trường đến từng nhà vận động các em đến lớp. Tuy nhiên, chỉ được ít hôm, trò lại tiếp tục nghỉ học khiến chất lượng dạy và học không
bảo đảm.

“Thương HS vất vả, GV trong trường thống nhất lập quỹ để nấu cơm trưa cho các em. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít để kéo HS ở lại trường. Phụ huynh thấy việc làm của nhà trường ý nghĩa nên khi có bó củi, mớ rau đều mang lên phụ GV nấu cơm cho các em”, thầy Huynh tâm sự.

Thầy A Phiên lo từng bữa ăn cho HS.

Quỹ bếp tình thương ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka được xây dựng cũng là lúc thầy A Phiên bắt tay vào công việc nấu cơm nuôi học trò. Hằng ngày, từ 6 giờ sáng, thầy A Phiên vượt quãng đường 7 km dốc đá cheo leo từ điểm trường Đăk Ka ra trường chính để lấy thức ăn. 8 giờ, thầy A Phiên xắn tay vào bếp chế biến thức ăn. Một mình thầy cặm cụi với chiếc bếp củi mù mịt khói nấu cơm cho HS, những bữa trơm trưa ấm tình thầy trò.

11 giờ trưa, khi buổi học kết thúc, bữa cơm nóng hổi được thầy bày biện lên bàn cho 23 HS kịp ăn còn nghỉ trưa. Thầy A Phiên và cô Nguyễn Dương Quý phụ trách cho các em ăn uống. Những đứa trẻ với gương mặt hồn nhiên ngồi ngay ngắn vào ghế bắt đầu “thưởng thức” bữa cơm trưa. Ăn xong, từng em tự giác bưng chén của mình vào thau để thầy cô rửa rồi chạy về lớp. Thầy A Phiên dọn dẹp, rửa bát đũa, xong việc đồng hồ cũng đã điểm hơn 12 giờ trưa. Lúc này, thầy A Phiên mới quay về nhà ăn cơm cùng gia đình và chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều.

Phụ huynh ủng hộ

Cô Nguyễn Dương Quý luyện chữ cho HS.

Cô Nguyễn Dương Quý – GV điểm trường Đăk Ka đã có hơn một năm công tác ở đây. Tuy thời gian không quá dài nhưng cô thấu hiểu được khó khăn, vất vả của học trò. Cô muốn góp chút công sức của mình để giúp cho học trò biết con chữ, sau này các em đỡ vất vả.

Nhà gần điểm trường Tiểu học Đăk Ka nên mình xung phong đi lấy thức ăn và nấu cơm cho HS. Thấy các em ăn no, học tốt là mình hạnh phúc rồi. Thầy A Phiên

“Ngày đầu tiên về trường, các em hồn nhiên, ngây thơ, chưa biết chào hỏi. Dần dần, mình nói chuyện với các em nhiều hơn và nhờ sự hỗ trợ của cán bộ lớp nên cô - trò thân thiết. Được chăm sóc, thấy HS ăn uống ngon lành là niềm hạnh phúc lớn lao đối với bản thân mình”, cô Quý chia sẻ.

Hiểu được tấm lòng của các thầy cô, người dân trong làng khi có bó củi, mớ rau đều mang đến góp với thầy cô để nấu cơm cho HS. Chị Y Sâm (thôn Văn Săng) có 2 con học lớp 5 và lớp 7. Các con của chị được học tập ngoài trung tâm xã nên điều kiện ăn ở tốt hơn. Cứ đầu tuần chị chở các con ra trường học, đến cuối tuần lại đón về nhà.

“Mặc dù con mình không học ở điểm trường Tiểu học Đăk Ka, nhưng mình vẫn biết ơn tấm lòng của GV nơi đây. Các thầy cô đã góp gạo, nấu cơm để giữ chân học trò đến lớp. Bản thân mình luôn hy vọng các con học thật giỏi để sau này đỡ nghèo khổ như bố mẹ chúng. Do đó, khi có bó củi, mớ rau mình mang qua bếp tình thương để góp với GV. Hôm nào không lên nương, mình phụ thầy cô nấu cơm, rửa bát”, chị Y Sâm nói.

Thầy An Văn Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đời sống còn nhiều khó khăn nên các bậc phụ huynh chưa chú trọng đến việc học tập của con em. Chính vì vậy, GV phải thường xuyên đến nhà vận động các em đến lớp. Để duy trì sĩ số, một số trường trên địa bàn huyện tổ chức “bếp tình thương” để giữ chân học trò. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát động phong trào các trường nuôi gà, heo để cải thiện bữa ăn cho HS.

Cũng theo thầy Sáu, trên địa bàn có nhiều GV trẻ ở các tỉnh thành khác đến giảng dạy. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các thầy cô luôn nỗ lực, cống hiến để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Chính vì vậy, đơn vị luôn ghi nhận và tự hào với sự đóng góp của cán bộ GV nơi đây. Ngoài ra, thầy Sáu cũng hy vọng các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ để HS yên tâm đến trường học tập.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/thay-co-gop-gao-nuoi-tro-w9gai5hMg.html