Thấy bia mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và hành xử lạ

Hải Phòng nhận được nghiên cứu khoa học về di chỉ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định là hiện vật trôi nổi và không cho nghiên cứu.

Câu chuyện đi tìm mộ phần nhà lý số đại tài, nhà tiên tri số một của Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gây chú ý trong giới nghiên cứu lịch sử suốt thời gian qua.

Nhóm Nghiên cứu khoa học xã hội độc lập (nghiên cứu các vấn đề xã hội với phương châm tự nguyện không vụ lợi) do TS. Nguyễn Văn Vịnh - Trưởng khoa
Khoa học cơ bản (Trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội) - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) dẫn đầu, với phương pháp nghiên cứu khoa học tổng hợp đã xác định được vị trí 2 tấm bia đá cổ được cho là bia mộ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Tấm bia được cho là di chỉ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chủ nhật, ngày 6/5/2018, nhóm nghiên cứu này đã tiến hành việc kiểm tra và đào được 2 tấm bia đá cổ đúng dự đoán nghiên cứu. Việc tiến hành có sự chứng kiến của hai vợ chồng người đang sở hữu mảnh đất cùng hai người dân biết chữ Nho thuộc thôn Thanh Trì.

Do vào ngày Chủ nhật, 2 đại diện cơ quan chức năng đi công tác nên không có mặt.

Tấm bia thứ hai được tìm thấy tại xã Kiến Thiết.

Sau khi đưa được hai tấm bia mộ lên trên, TS. Nguyễn Văn Vịnh đã thực hiện các quy định về Di sản văn hóa, đặt hai tấm bia mộ ở nhà ông Sĩ. Sáng ngày 7/5, nhóm nghiên cứu cùng gia đình ông Sĩ tới UBND xã Kiến Thiết báo cáo và đề nghị được phối hợp thực hiện các bước tiếp theo. Hai bên cũng đã thực hiện biên bản bàn giao hiện vật. 2 bia đá cổ hiện đang được niêm phong tại trụ sở UBND xã Kiến Thiết.

Tuy nhiên, đến ngày 8/5/2018, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng tổ chức cuộc họp tại UBND xã Kiến Thiết, không có sự tham gia của nhóm nghiên cứu nói trên và đã ra 2 văn bản báo cáo UBND TP. Hải Phòng cho rằng, nhóm nghiên cứu đã "thăm dò, khai quật khảo cổ" tại xã Kiến Thiết và sai quy định của pháp luật; đồng thời kết luận 2 tấm bia đá cổ là "hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc", đề nghị thành phố chỉ đạo "không tiếp tục cho nghiên cứu".

Thiếu trách nhiệm?

Sáng ngày 11/6, trao đổi với Báo Đất Việt, ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên Hiệp hội Khoa học- Kỹ thuật Thành phố Hải Phòng (viết tắt là LHH Hải Phòng) cho biết, ông ghi nhận đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học bước đầu về di chỉ liên quan đến Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, chỉ đạo phối hợp thực hiện giữa Chính quyền TP. Hải Phòng và nhóm nghiên cứu đã gặp vướng mắc, gây bức xúc.

Theo đó, ông Kể cho biết, nhóm nghiên cứu Khoa học xã hội độc lập đã tìm nhiều cách liên hệ với các đại diện chính quyền như Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, UBND TP Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng, Bảo tàng Hải Phòng và UBND xã Kiến Thiết từ lâu.

Tuy nhiên, đúng ngày được định sẵn để tiến hành kiểm tra và tìm kiếm hai di chỉ nghi vấn thì không có đại diện chính quyền tham gia. Sau đó, cơ quan quản lý văn hóa của Thành phố lại có kiến nghị với chính quyền kết luận về hai bia đá đã được tìm thấy mà không có sự chứng kiến của nhóm nghiên cứu, không cho tổ chức nghiên cứu công khai sau khi tìm thấy di chỉ. Điều này đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.

"Trước các thông tin báo cáo về các di chỉ như vậy, lẽ ra, TP. Hải Phòng nên mở một cuộc nghiên cứu khoa học rõ ràng, công khai. Trong khi chưa nghe báo cáo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu độc lập (đơn vị đã trực tiếp tìm thấy 2 bia đá cổ) mà đã yêu cầu ngừng nghiên cứu thì là quá vội vàng, và thể hiện thiếu sự ứng xử đối với di chỉ, đặc biệt là đi chỉ liên quan đến một cây đại thụ văn hóa dân tộc như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" - ông Hoàng Văn Kể nói.

Mặt sau của tấm di chỉ nghi liên quan đến Cụ Trạng Trình.

Chủ tịch LHH Hải Phòng nhấn mạnh: "TP Hải Phòng cần phải tổ chức nghiên cứu về 2 bia đá cổ được tìm thấy một cách công khai. Nếu không thể khẳng định các di chỉ là đúng hoặc không cho nghiên cứu nữa thì cũng phải trả 2 hiện vật về cho đơn vị đã tìm thấy chúng".

Trong vụ việc này, ông Hoàng Văn Kể nói rằng, thông tin trên bia đá là những ký tự thậm chí chưa từng xuất hiện trên các bia đá ở Việt Nam trước đây, trong khi chưa đủ trình độ về nghiên cứu lịch sử có thể gửi lên các cấp nghiên cứu cao hơn để xem xét.

Nếu đó là một bia đá giả thì không sao, nhưng đó là bia đá có giá trị, có thể là di chỉ thực sự của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì một khi đã hủy bỏ đi sẽ dẫn tới hệ lụy lâu dài về mặt khoa học, lịch sử.

Được biết, TS. Nguyễn Văn Vịnh cũng đã báo cáo Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện 2 tấm bia đá cổ nói trên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thay-bia-mo-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-va-hanh-xu-la-3359821/