'Thay áo' cho khu vực Tây Bắc TP HCM (*): Để Hóc Môn, Củ Chi là điểm đến hấp dẫn

TP HCM cần tập trung quy hoạch nhất quán, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý, mặt bằng... nhằm thu hút đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn

Mới đây, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỉ USD, trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.

Giao thông phải đi trước

Vui mừng khi 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư, song nhiều chuyên gia đô thị, kinh tế cho rằng bài toán phát triển bền vững cần phải đặt lên hàng đầu.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết tiêu chí phát triển đô thị là phải phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Hóc Môn và Củ Chi cần sớm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đô thị như đường, điện, trạm, trường, sau đó mới đầu tư hạ tầng kiến trúc, khu nào là khu nhà ở, khu nào đô thị sinh thái... Nói cách khác "giao thông phải đi trước mở đường".

Theo TS Phạm Viết Thuận, các trục chính của cửa ngõ Tây Bắc như Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 15, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 8 hiện đều quá tải, chật hẹp. Muốn thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, TP HCM cần sớm nâng cấp, mở rộng các tuyến huyết mạch này. "Ngân sách thành phố hiện phải cân đối nhiều khoản chi, nhiều dự án giao thông huyết mạch như tuyến Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài... vẫn phải chờ vốn. Do đó, muốn tạo sự đột phá, phát triển bài bản, căn cơ cho khu vực Tây Bắc, TP HCM cần đề xuất trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại, bởi nếu không có tiền thì rất khó thực hiện" - TS Phạm Viết Thuận nói.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, băn khoăn khi những dự án kêu gọi đầu tư cũng như những dự án nhà đầu tư quan tâm tại khu vực Tây Bắc chủ yếu là bất động sản, chưa thấy bóng dáng của nông nghiệp công nghệ cao giúp kết nối nhà vườn với doanh nghiệp (DN) như định hướng. Điều này rất đáng lo ngại bởi giá đất sẽ bị đẩy lên, nhà đầu tư có nhu cầu thực sự sẽ khó chạm tới.

Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, để khu vực Tây Bắc TP HCM phát triển thành đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao như định hướng, thành phố cần tập trung thực hiện bài toán quy hoạch. Quy hoạch phải rõ ràng, nhất quán, đi trước một bước. Khu vực nào phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì không cho chuyển thành khu dân cư mà chỉ đơn thuần là nông nghiệp và sản xuất hoặc tổng kho logistics. "Những nhà vườn sinh thái phải là nhà vườn, không được chuyển sang thổ cư. Riêng vùng lõi thì tập trung phát triển căn hộ, nhà ở để bảo đảm điều kiện sống cho chuyên gia, người lao động đến địa phương làm việc" - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Một góc huyện Hóc Môn nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một góc huyện Hóc Môn nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Băn khoăn chuyện pháp lý, mặt bằng

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường, chia sẻ lo lắng nhất của các DN khi tham gia đầu tư là sự thiếu ổn định về vấn đề pháp lý của dự án. Điều này khiến họ không thể chủ động lên kế hoạch cũng như khó cam kết đúng với khách hàng.

Ông Cường cho rằng vấn đề pháp lý phải được thông suốt, không để xảy ra tình trạng dự án năm nay đúng nhưng năm tới sai, gây rủi ro cho DN. Ngoài ra, địa phương luôn đề nghị DN cam kết làm dự án "đến nơi đến chốn" thì ở chiều ngược lại chính quyền cũng "cần có trách nhiệm với DN"; cần xem nhà đầu tư như khách hàng, đối tác, trao đổi thường xuyên, hướng dẫn kịp thời để triển khai dự án đúng thời gian.

Là một nhà đầu tư vào huyện Củ Chi với dự án đô thị sinh thái nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao tại xã Trung An, ông Lee Chong Min, Chủ tịch Quỹ Đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, cho biết đây là dự án đã được đơn vị nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,1 tỉ USD. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300 ha), gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái đáp ứng mức dân số 100.000 người...

Ông Lee Chong Min nhìn nhận với kinh nghiệm và tiềm lực của đơn vị, chắc chắn dự án sẽ mang lại động lực phát triển không riêng cho Củ Chi mà còn cho cả TP HCM, nhất là giai đoạn sau đại dịch Covid-19, khởi đầu cho mô hình đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, ông Lee Chong Min mong muốn chính quyền TP HCM hỗ trợ tích cực cho DN khi thực hiện dự án, nhất là trong việc hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.

Mong muốn được chung tay

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, chia sẻ dù có nhiều thách thức nhưng với những nguồn lực và động lực của TP HCM, bà tin tưởng thành phố sẽ biến các kế hoạch thành hiện thực. "DN mong muốn và sẵn sàng chung tay phục hồi, phát triển kinh tế tại TP HCM, tại Hóc Môn và Củ Chi" - bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết công ty dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân tại Củ Chi và Hóc Môn. Từ đó, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-5

THU HỒNG - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thay-ao-cho-khu-vuc-tay-bac-tp-hcm-de-hoc-mon-cu-chi-la-diem-den-hap-dan-20220510215633332.htm