Thấy 4 dấu hiệu này chị em phụ nữ cẩn trọng với căn bệnh ung thư nguy hiểm

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh lý ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ. Bệnh còn được gọi là 'sát thủ thầm lặng' vì bệnh nhân ít có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn đầu.

Dấu hiệu ung thư buồng trứng

Theo BS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP. HCM, ước tính năm 2018 trên toàn cầu có 295.414 ca mắc ung thư buồng trứng, và có tới 184.799 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, ung thư buồng trứng là ung thư thường gặp đứng hàng thứ 12 ở nữ, ước tính năm 2018 có 1.500 ca mới mắc và 856 ca tử vong.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm, ung thư buồng trứng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh lý ung thư phụ khoa với tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 40%.

Nếu được phát hiện sớm, ung thư buồng trứng sẽ có tỷ lệ sống còn cao. Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng báo động vào giai đoạn sớm, hoặc có thể có triệu chứng nhưng thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của đường tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân thường không được chẩn đoán cho đến khi bệnh tiến triển rầm rộ.

Bác sĩ Tiến cho biết nhiều phụ nữ thường chủ quan và bỏ qua các triệu chứng của ung thư buồng trứng vì chúng đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng có thể gặp trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc với các rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiết niệu ít nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng phổ biến của ung thư buồng trứng bao gồm:
Chướng bụng; Đau vùng chậu hoặc bụng; Khó ăn hoặc cảm thấy no nhanh; Cảm thấy cần đi tiểu gấp hoặc thường xuyên;

Các triệu chứng khác có thể là: Mệt mỏi, bụng khó chịu hoặc ợ chua, đau lưng, đau khi giao hợp, táo bón, thay đổi kinh nguyệt.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này và kéo dài hơn hai tuần, điều quan trọng là chị em không nên chủ quan và bỏ qua chúng, cần đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời.

Có nhiều yếu tố tác động đến nguy cơ ung thư buồng trứng, bao gồm chủng tộc, yếu tố di truyền và tuổi tác.

Hình ảnh một ca bệnh ung thư buồng trứng.

Hình ảnh một ca bệnh ung thư buồng trứng.

Đặc biệt, bác sĩ Tiến cho biết trong khoảng 5-10% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng có tính di truyền. Có hai đột biến di truyền có khả năng gây ung thư buồng trứng cao nhất là đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Những gen này cũng gặp trong ung thư vú, vì vậy nếu một phụ nữ có tiền căn cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú, thì cô ấy có nhiều khả năng bị ung thư buồng trứng.

Hội chứng Lynch, hay còn được gọi là Hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), là một hội chứng di truyền có liên quan đến ung thư buồng trứng. Phụ nữ có tiền sử Hội chứng Lynch có khoảng 10-15% nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng trong suốt cuộc đời.

Tiền sử gia đình bị ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tử cung đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Theo bac sĩ Tiến, nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, sẽ có nhiều lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân. Tuy nhiên cần cân bằng giữa mong muốn của bệnh nhân và việc đảm bảo an toàn về mặt ung thư.

Cách phòng bệnh

Để phòng ung thư buồng trứng, bác sĩ Tiến cho biết việc sử dụng thuốc tránh thai, nhất là khi đã uống trong vài năm, đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 50% so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng thuốc tránh thai. Mang thai và cho con bú cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.

Hiện nay rất khó để tầm soát phát hiện sớm ung thư buồng trứng. Nhiều người lầm tưởng rằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có thể phát hiện ung thư buồng trứng. Trên thực tế, tại thời điểm này không có xét nghiệm tầm soát định kỳ đáng tin cậy về ung thư buồng trứng, vì vậy phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên nói chuyện với bác sĩ về xét nghiệm di truyền và các bước khác để theo dõi hoặc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của họ.

Khi phát hiện ung thư buồng trứng, việc phẫu thuật để loại bỏ khối u là phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng phổ biến nhất. Hóa trị là điều trị ung thư bằng cách sử dụng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Mục tiêu của hóa trị là chữa khỏi bệnh ung thư, thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, tiêu diệt các tế bào có thể đã di căn âm thầm hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u.

BS Tiến cho biết hiện nay phương pháp điều trị ung thư buồng trứng ngày càng được “cá nhân hóa”, kế hoạch điều trị sẽ được điều chỉnh theo giai đoạn bệnh, cùng với các yếu tố xã hội, tâm lý và cuộc sống của bệnh nhân để phù hợp nhất với tình trạng bệnh và mong muốn của bệnh nhân.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/ung-thu-buong-trung-thay-4-dau-hieu-nay-chi-em-phu-nu-can-trong-voi-can-benh-ung-thu-nguy-hiem-278271.html