Thấu hiểu và đồng hành cùng con

Là cha mẹ, ai cũng mong con mình tài giỏi để sau này lớn lên có một tương lai tươi sáng, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách giáo dục con sao cho phù hợp. Làm thế nào để các bậc phụ huynh thấu hiểu chính mình, thấu hiểu con cái, đặt mình vào vị trí của con, làm bạn cùng con và tìm ra một phương pháp giáo dục con phù hợp nhất?

TS Trần Thành Nam chia sẻ với phụ huynh tại Trường THPT Phan Huy Chú

TS Trần Thành Nam chia sẻ với phụ huynh tại Trường THPT Phan Huy Chú

Học cách tôn trọng con trẻ

Trong buổi họp phụ huynh vừa qua của Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã chia sẻ một số kiến thức giúp cha mẹ luôn bình tĩnh, sẵn sàng “đối phó” với giai đoạn khó khăn này trong chặng đường phát triển của con.

TS Trần Thành Nam cho biết, hầu hết các em ở lứa tuổi bước vào THPT đều ngoan và có ý chí phấn đấu. Chỉ có một bộ phận nhỏ các em chưa ngoan, có những hành vi chưa làm hài lòng cha mẹ. Nguyên nhân khiến các em có hành vi này là do đặc điểm phát triển sinh lý lứa tuổi. Khi các em từ cấp 2, cấp 3, bước vào giai đoạn dậy thì, các em thường nhạy cảm hơn với các kích thích xung quanh.

Ở lứa tuổi này các em chưa phát triển hoàn thiện. Trước đây, các em rất ngoan, thế nhưng gần đây các em dễ cáu hơn, các em cũng cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn, có thể làm được tất cả song thực tế nguồn lực của các em lại không cho phép. Các em có xu hướng muốn thể hiện bản thân, muốn làm những gì có tính thách thức và mạo hiểm.

Thời gian này các em sẽ có xu hướng tách ra khỏi bố mẹ bởi có nhiều hơn các mối quan hệ bạn bè. Các em trong lứa tuổi này có nhu cầu và cảm giác tôn trọng như người lớn; nhu cầu giao lưu tâm tình; muốn thể hiện bản thân.

Sự thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn này khiến trẻ có nhiều hành vi bùng nổ, bốc đồng. Trong ứng xử của các em trong lớp cũng khác, chỉ cần một lời nói không đúng cũng xảy ra khó chịu. Tất cả những gì bố mẹ cấm, cô giáo không cho làm thì các em lại muốn làm.

Theo TS Trần Thành Nam, phong cách bố mẹ nói gì con răm rắp làm theo sẽ khiến đứa trẻ không thể ứng phó được sự thay đổi trong cuộc sống. Bố mẹ cũng phải học cách thức luôn tôn trọng con, là người đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho con chứ không phải là người bao bọc và ép buộc con theo cách của mình.

Không nên tạo áp lực với con trẻ

TS Trần Thành Nam cho biết, đối với lứa tuổi này, các em gặp rất nhiều áp lực, với người lớn thì cho rằng chuyện đó là bình thường, nhưng với các em là áp lực lớn. Áp lực lớn nhất là mối quan hệ bạn bè. Vì thế, cha mẹ cần phải hiểu và thông cảm, luôn gần gũi, chia sẻ với con, thường xuyên theo dõi mọi sự thay đổi của con, định hướng con đến với những nhóm bạn phù hợp với giá trị gia đình.

Con cái chúng ta đều có đặc điểm nhân cách, đôi khi chúng ta đặt ra kỳ vọng quá lớn. Khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tự tử khi không đạt kết quả học tập như bố mẹ kỳ vọng, đặc biệt ở các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp THPT hay thi đại học, cao đẳng...

TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh, cha mẹ cần trang bị cho trẻ vị thành niên càng sớm càng tốt những kiến thức cơ bản về giới tính, hình thành cho trẻ quan điểm tích cực về giới tính, tình dục lành mạnh để chúng có được thái độ, hành vi đúng và có trách nhiệm với những quyết định của mình.

Với trẻ ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải hiểu và thông cảm, luôn gần gũi, chia sẻ với con, thường xuyên theo dõi mọi sự thay đổi của con. Tùy theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi mà có biện pháp giáo dục phù hợp. Thời gian bên con là phương thuốc hữu hiệu nhất để cha mẹ giúp con hình thành và phát triển nhân cách.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/thau-hieu-va-dong-hanh-cung-con-3960738-b.html