Thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân xây dựng

Thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những công nhân (CN) trên công trường, kỹ sư Trần Mạnh Hùng (ảnh) - Đội trưởng Đội công trình số 9 Cty Cổ phần Lilama 18 - đã có nhiều sáng kiến giúp giảm tối đa sức người, tăng năng suất lao động của CN, đồng thời mang lại lợi ích cho DN.

Anh Trần Mạnh Hùng hiện có 3 sáng kiến: Nghiên cứu thiết kế bàn quay xả cáp phục vụ cho việc kéo cáp, giá trị làm lợi 600 triệu đồng; sáng kiến nghiên cứu thiết kế bộ khung xả cáp, giá trị làm lợi 400 triệu đồng; sáng kiến nghiên cứu thiết kế hệ thống con lăn nhỏ phục vụ cho việc kéo cáp, giá trị làm lợi là 1,6 tỉ đồng. Với những sáng kiến trên, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ 2013-2017.

Năm 2013, anh nhận bằng khen của Bộ Xây dựng; năm 2016, anh nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN và bằng khen của Chính phủ, được biểu dương tại Hội nghị biểu dương “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” toàn quốc ngành xây dựng; năm 2017, anh tiếp tục nhận được bằng khen của TCty, bằng khen của CĐ Xây dựng VN, bằng khen của Tổng LĐLĐVN.

Anh Hùng cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào làm việc tại TCty Lilama 18 với vị trí kỹ sư chuyên về điện. Bằng sự nỗ lực của bản thân, anh được TCty tin tưởng giao chức vụ Phó Đội trưởng rồi Đội trưởng Đội công trình số 9. Hiện đội anh có 550 công nhân, kỹ sư. Khi được hỏi động lực nào để anh có nhiều sáng kiến, anh Hùng nói ngắn gọn rằng, điều đó xuất phát từ sự quan tâm tới CNLĐ cũng như sự yêu nghề mà anh có được.

Anh chia sẻ, khi ra công trường làm việc, anh thấy được sự vất vả, khó khăn của những CNLĐ trực tiếp tại công trường, vì vậy anh luôn tâm niệm phải làm sao giảm tối đa sức người, tăng tự động hóa để tăng năng suất lao động, giảm sự vất vả, nguy hiểm cho CN, từ đó giúp TCty tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.

Với suy nghĩ đó, cùng với kiến thức học trong nhà trường, kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc cũng như óc sáng tạo của bản thân, anh đã có nhiều sáng kiến với những giá trị cả về mặt kinh tế lẫn nhân văn như trên.

Anh Hùng ví dụ về một sáng kiến của mình: Trên công trường, đối với những cuộn cáp nặng hàng tấn, CN phải làm rất thủ công là dùng tay vần để di chuyển; rồi sau đó phải đứng quay hệ thống ròng rọc để kéo lên. Công đoạn di chuyển này cần tới 7-8 người, rất vất vả và tiềm ẩn nguy hiểm đối với CN.

Qua quá trình tìm tòi, anh đã nghĩ ra trục quay bằng bi để di chuyển các cuộn cáp; đồng thời, sáng tạo ra mâm có thể quay để kéo các cuộn cáp nặng 1-2 tấn lên cao. Cách này cần ít người hơn, đồng thời an toàn hơn, năng suất lao động cao hơn.

Với đặc thù công việc, 12 năm nay, anh thường xuyên phải xa nhà, 1 tháng, có khi 4 tháng mới về nhà một lần. Anh bảo, đối với công việc của anh, thì công trường không khác gì là nhà, còn nhà thì chính là... nơi trọ. Đó cũng là những thiệt thòi của anh trong cuộc sống riêng. Tuy vậy, anh luôn cố gắng vượt qua những khó khăn để cống hiến nhiều hơn cho công việc mà anh yêu thích.

QUẾ CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/thau-hieu-noi-vat-va-cua-cong-nhan-xay-dung-614691.ldo