Thấu hiểu để trẻ tự kỷ có cuộc sống tốt đẹp hơn

Sự thấu hiểu, giúp đỡ của gia đình, xã hội là một trong những biện pháp can thiệp hữu hiệu về mặt tâm lý cho trẻ tự kỷ. Đó là điều mà các em rất cần để có cơ hội được mở rộng thêm cánh cửa hòa nhập với cộng đồng, sống tốt đẹp hơn. Thông điệp này đang được truyền đi, lan tỏa trong cộng đồng vào dịp hưởng ứng Ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4 hằng năm.

Chuẩn bị tư liệu học tập tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An (phường Nam Khê, TP Uông Bí).

Chuẩn bị tư liệu học tập tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An (phường Nam Khê, TP Uông Bí).

Tự kỷ không phải là một căn bệnh, mà là hội chứng gồm tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp, bị rối loạn cảm giác, có một số hành vi bất thường. Chứng tự kỷ thường xuất hiện ngay trong những năm đầu đời của trẻ, nên các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát, nhận biết trẻ mắc chứng tự kỷ sớm để can thiệp, có phương pháp điều trị phù hợp.

Đó là những kiến thức mà anh P.T.L (32 tuổi, ở TP Cẩm Phả) đã trang bị được cho mình khi là một người cha có con bị tự kỷ. Anh tâm sự: Đó là một chặng đường vô cùng khó khăn khi phải đấu tranh với chính mình để học cách chấp nhận hoàn cảnh và tìm ra cách tốt nhất khi đồng hành cùng con. Thậm chí đã có lúc anh tự giày vò “mình đã làm gì độc ác, để con tự kỷ”.

Chấp nhận, đồng hành cùng trẻ tự kỷ là một hành trình cần kiên nhẫn, yêu thương. Trước hết, chính cha mẹ phải có sự chấp nhận, thấu hiểu để nuôi dạy con một cách khoa học.

Một trẻ tự kỷ trong giờ học vẽ tranh tại Trung tâm Nghiên cứu tham vấn và hỗ trợ tâm lý Hải Hà (TP Hạ Long).

Chị N.T.H (TP Hạ Long) có con trai đang theo học tại Trung tâm Nghiên cứu tham vấn và hỗ trợ tâm lý Hải Hà (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) được hơn 1 năm. Trước đó, ngay khi nhận ra con có nhiều biểu hiện bất thường và chậm hơn so với các trẻ khác cùng tuổi, chị đã cho con đi khám, đánh giá để tìm ra cách hỗ trợ con được toàn diện nhất.

Cũng là mắc chứng tự kỷ nhưng biểu hiện của mỗi em một khác: Có thể chậm phát triển trí tuệ, hoặc tăng động, giảm chú ý, lại có cả trường hợp tự làm đau bản thân, rối loạn phát triển ngôn ngữ...

Do đó, trong quá trình được can thiệp điều trị, các em được hỗ trợ rèn luyện kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng. Nhiều bài tập riêng biệt được xây dựng như: Trò chơi vận động, vẽ tranh, hát múa... được áp dụng nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh của trẻ.

Tại đây, chị nhận được lời khuyên rằng việc cho con đi can thiệp trị liệu kết hợp với cha mẹ dạy ở nhà sẽ giúp con sớm hòa nhập cộng đồng nhanh nhất có thể.

Thống kê của Sở GD&ĐT, trên địa bàn tỉnh đã cấp phép hoạt động cho một số trung tâm có chức năng giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, như: Trung tâm Nghiên cứu tham vấn và hỗ trợ tâm lý Hải Hà, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao (TP Hạ Long); Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An (TP Uông Bí)...

Tại một số địa phương khác trong tỉnh còn có các cơ sở tư nhân, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp hoặc lớp tư thục, như: Trường Giáo dục trẻ tự kỷ Hạ Long, lớp mầm non chuyên biệt (TP Uông Bí)…

Một số đơn vị như Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí... cũng đã có các chuyên khoa can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng. Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng thành lập được CLB Gia đình trẻ tự kỷ từ năm 2015.

Đây là những địa chỉ uy tín, giúp các gia đình có trẻ em tự kỷ có thêm kỹ năng can thiệp cho trẻ; các thành viên cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, động viên nhau để có thêm động lực chăm sóc, trị liệu, giáo dục con.

Ngoài việc tiếp nhận, chăm sóc trẻ gặp hội chứng tự kỷ, các trung tâm trên địa bàn tỉnh còn làm nhiệm vụ tư vấn cho các phụ huynh để họ hiểu biết và tham gia hiệu quả vào quá trình điều trị. Tránh tình trạng cha mẹ đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không có thời gian, xao nhãng với con thì kết quả “đâu lại vào đấy”, khiến cho việc điều trị lại rất khó.

Một tiết học vận động cơ bản cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao (TP Hạ Long).

Thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ cần tiếp tục được chú trọng hơn nữa, giúp mỗi người có thể nhận biết sớm dấu hiệu của trẻ tự kỷ, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp sớm.

Các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp; tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở tổ chức dạy trẻ tự kỷ; quan tâm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202004/thau-hieu-de-tre-tu-ky-co-cuoc-song-tot-dep-hon-2478923/