Thất vọng với nền giáo dục, cha mẹ Trung Quốc ráo riết cho con du học

Mất niềm tin vào kỳ thi đại học khốc liệt quá mức cần thiết cùng nền giáo dục 'khô khan', nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi bạo để con cái đi học nước ngoài.

Đối với Iris Wang, phụ huynh người Thượng Hải, trường học phương Tây luôn là phương án tốt nhất.

Bà Wang giải thích quan niệm trên xuất phát từ việc bản thân đã quá thất vọng và mất niềm tin vào hệ thống giáo dục Trung Quốc.

Con gái của bà chuẩn bị nhập học vào trường quốc tế tại quê nhà. Tuy nhiên, người mẹ cũng dần lên kế hoạch gửi con đi nước ngoài để trải nghiệm và học tập.

Bà Wang quy trách nhiệm cho các giáo viên tại trường công lập, đồng thời phê phán nền giáo dục Trung Quốc quá cứng nhắc.

“Vào mùa hè, các học sinh bắt buộc phải ngủ trưa. Giáo viên sẽ liệt kê những em không ngủ và báo cáo với cha mẹ chúng. Ngay cả khi không muốn ngủ, lũ trẻ cũng không được phép đi dạo hay nói chuyện, chỉ còn biết tựa đầu, chống tay lên bàn”, bà Wang phàn nàn.

Trên thực tế, những quy tắc như vậy đều phổ biến trong các trường công lập Trung Quốc. Nhà trường và giáo viên coi đó là điều cần thực thi để học sinh “thấm nhuần ý thức kỷ luật”.

“Nhưng giáo dục một đứa trẻ không phải là lắp ráp sản phẩm trên dây chuyền sản xuất”, bà Wang kết luận.

Ngày càng nhiều gia đình khá giả Trung Quốc tìm đường cho con cái du học nước ngoài. Ảnh: SCMP.

Ngày càng nhiều gia đình khá giả Trung Quốc tìm đường cho con cái du học nước ngoài. Ảnh: SCMP.

Bằng cách gửi con gái vào học tại trường quốc tế, bà Wang thể hiện sự kiên quyết nói “không” với hệ thống trường công lập tại Trung Quốc.

Câu chuyện của bà Wang không phải là trường hợp cá biệt.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên tờ South Morning China Post, phản ánh thực tế thi cử quá khốc liệt ở Trung Quốc khiến phụ huynh lẫn học sinh ở đất nước tỷ dân ngày càng chuộng xu hướng đi du học hoặc tìm môi trường giáo dục bớt nặng nề hơn.

Thất vọng vì nền giáo dục “cứng nhắc”

Bà Wang không chỉ gửi con gái đến trường quốc tế mà còn bắt đầu nghiên cứu các bước tiếp theo để du học nước ngoài. Trong thâm tâm, người mẹ tin tưởng rằng con gái càng sớm rời Trung Quốc, càng dễ thích nghi tốt hơn với môi trường phương Tây.

“Con bé sẽ cần học ngoại ngữ mới, phát triển tư duy học tập cũng như thích nghi với một lối sống hoàn toàn khác biệt”, bà Wang đúc kết.

Yao Li, một bà mẹ đến từ Thâm Quyến, cũng đưa ra quyết định để con gái không tham gia hệ thống trường công lập ngay từ cấp tiểu học.

Bà Li dự định gửi con gái đến một trường trung học quốc tế để nhận được nền giáo dục tiên tiến hơn và dễ dàng nộp đơn vào các trường học ở nước ngoài sau này.

“So với quan niệm học hành truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ đề cao các cuộc thi khốc liệt, một nền giáo dục quốc tế có thể mang đến cho con trẻ nhiều cơ hội phát triển toàn diện hơn”, bà Li đúc kết.

Theo người mẹ này, sự cạnh tranh để được hưởng môi trường học tốt nhất ở Trung Quốc quá căng thẳng và con của bà sẽ không có đủ cơ hội để học hành.

“Gia đình tôi hy vọng con bé sẽ có nhiều khả năng cải tiến bản thân hơn khi đi du học”, bà Li bày tỏ.

Vị phụ huynh này cũng đăng ký cho con một loạt lớp học ngoại khóa như tiếng Anh, nghệ thuật và diễn thuyết trước công chúng. Bà hy vọng cô bé có thể trau dồi một loạt các kỹ năng khác thay chỉ vì tập trung vào kết quả học tập.

Giáo dục phương Tây mới là số một

Hưởng nền giáo dục nước ngoài vốn từ lâu được coi là đặc quyền dành cho tầng lớp giàu có Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình tài chính của các gia đình trung lưu ngày càng được cải thiện, du học trở thành lựa chọn hàng đầu. Các dịch vụ hỗ trợ du học cũng nhờ vậy mà nở rộ.

Hệ thống giáo dục quá thiên về điểm số, kết quả học tập của Trung Quốc khiến nhiều học sinh mệt mỏi, phụ huynh chán nản. Ảnh: SCMP.

Trong một ngày hè, nhóm 24 học sinh bắt đầu chuyến đi thực địa 4 ngày đến tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc.

Những đứa trẻ, độ tuổi từ 8-16, lặn lội đến vùng xa của một tỉnh miền núi không phải để chiêm ngưỡng địa điểm thác nước Huangguoshu hùng vĩ hay gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Miao nổi tiếng trong vùng.

Thay vào đó, nhóm học sinh được dẫn đến tham quan đài quan sát Kính thiên văn hình cầu Fast - kính viễn vọng lớn nhất thế giới, được chế tạo vào năm 2016.

Chuyến đi được tổ chức bởi All in One Education - một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên cung cấp các lớp học ngoại khóa và chuyến đi thực tế cho học sinh, sinh viên Trung Quốc muốn du học.

Công ty này cũng từng tổ chức nhiều chuyến đi tương tự đến các tỉnh Hà Bắc và Vân Nam, phục vụ nhu cầu của các bậc cha mẹ nước này muốn con cái mình được mở mang hiểu biết.

“Những hoạt động như vậy thường không phổ biến với các học sinh theo học mô hình giáo dục truyền thống ở Trung Quốc. Ngược lại, nó thu hút các học sinh theo học trường quốc tế hay các chương trình chú trọng khám phá thế giới bên ngoài”, Zhang Yong - giáo viên hướng dẫn đoàn - nói.

Zhang cho biết các tổ chức khác ở Trung Quốc ngày càng đầu tư hơn, sẵn sàng tổ chức các chuyến đi cho học sinh ra nước ngoài, đến thăm các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard và Oxford.

Trước nhu cầu du học gia tăng, các công ty tư vấn du học ở Trung Quốc cũng vì thế mà "ăn nên làm ra". Ảnh: SCMP.

Sự phát triển của các công ty như All in One Education là minh chứng cho sức hấp dẫn của “miếng bánh” béo bở mang tên du học nước ngoài.

Những bậc cha mẹ Trung Quốc có kỳ vọng cao vào con cái, cùng với nỗi lo lắng thường trực về việc đảm bảo môi trường học hành tốt nhất cho con đang ngày càng có xu hướng tìm đến các công ty tư vấn du học.

Mặt khác, dịch vụ này cũng nhắm vào các bậc phụ huynh xem du học là phương cách tốt nhất để tránh sự cạnh tranh gay gắt của hệ thống giáo dục Trung Quốc, đặc biệt với kỳ thi đại học Gaokao nổi tiếng khốc liệt.

“Lý do rất đơn giản, kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc quá khó khăn. Thay vì để con cái đối điện với ‘cuộc chiến’ đó, các bậc cha mẹ giàu sẽ gửi con ra nước ngoài học”, Zhang nói.

Đại học hàng đầu cũng “khan hiếm” sinh viên

Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các trường đại học hàng đầu đất nước sử dụng các ưu đãi riêng biệt để thu hút sinh viên trong nước nhập học.

Cụ thể, lệnh cấm được ban hành sau khi Zhu Zuoxiang - Giám đốc tuyển sinh của Đại học Chiết Giang - phát biểu trên đài truyền hình 100 người có điểm số cao nhất trong kỳ thi đại học sẽ nhận được 500.000 nhân dân tệ nếu nhập học.

Ngoài ra, những học sinh thuộc top 200 có thành tích tốt nhất sẽ nhận được 200.000 nhân dân tệ.

Ngay cả những trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc cũng phải tìm cách thu hút sinh viên vào học. Ảnh: SCMP.

Wu Zunmin - Giáo sư Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc - cho hay ông cảm thấy sốc khi biết rằng ngay Đại học Chiết Giang, một trong năm trường đại học hàng đầu đất nước, cũng đau đầu trong việc thu hút những sinh viên ưu tú.

“Trước kia, các học sinh ưu tú cố gắng bằng mọi cách để đặt chân vào những trường top đầu. Các trường danh tiếng không cần phải làm gì ngoài việc chờ đợi những ứng viên xuất sắc nhất xuất hiện”, ông Wu nhớ lại.

Nhưng đó đã là câu chuyện quá khứ. Hiện tại, các sinh viên có kết quả nổi trội sẽ tìm cách ra nước ngoài học tập. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh giảm dẫn đến số lượng học sinh tốt nghiệp trung học ít đi.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục nước này, hơn 662.000 người đi du học năm ngoái, tăng thêm gần 54.000 người so với năm 2017.

Theo báo cáo vào tháng 4 vừa qua của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh, năm 2018, hơn 800 trường quốc tế mới thành lập tại Trung Quốc, tăng 12% so với năm 2017.

Lệnh cấm được ban hành sau khi kết quả Gaokao - kỳ thi quyết định “vận mệnh” tương lai của các sĩ tử Trung Quốc - được công bố vào tuần trước.

Theo lệnh cấm, các trường đại học không được phép phát tiền thưởng hoặc học bổng hay hứa hẹn sinh viên được vào các chuyên ngành khác với đăng ký ban đầu.

Giáo sư Wang kịch liệt phản đối cách làm này. Ông cho rằng “sử dụng tiền để thu hút sinh viên đi ngược lại các nguyên tắc giáo dục cơ bản”.

“Học sinh nên chọn trường đại học dựa vào môi trường học thuật, chuyên ngành và sở thích của mình, thay vì số tiền mà ngôi trường đó có thể tặng”, ông Wu nói.

Còn các gia đình khá giả, quyết định gửi con đến trường quốc tế mới chỉ là khởi đầu. Đối với các bậc cha mẹ giàu có, công đoạn chuẩn bị cho du học còn rất dài và những đứa trẻ sẽ còn phải tham dự nhiều lớp học, làm nhiều bài kiểm tra cần thiết.

“Gia đình tôi vẫn phân vân không biết nên chọn nước nào để du học trong một năm hay nhiều năm. Có quá nhiều lựa chọn, đồng nghĩa với các thủ tục chuẩn bị cũng phức tạp hơn. Ngay cả chứng chỉ ngôn ngữ cũng có nhiều kỳ thi khác nhau”, bà Iris Wang cho biết.

Trà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/that-vong-voi-nen-giao-duc-cha-me-trung-quoc-rao-riet-cho-con-du-hoc-post962352.html