Thất thu từ dịch vụ đặt phòng trực tuyến

Nhiều người đi du lịch hay thực hiện các chuyến công tác xa thường chọn phương án đặt chỗ online trên các trang web. Có một thực tế đang diễn ra, Nhà nước thất thu thuế từ hình thức đặt phòng online rất lớn.

Đặt phòng qua mạng ngày một phát triển.

Đặt phòng online lên ngôi

Nhiều trang web đặt phòng trực tuyến của nước ngoài như Agoda.com, booking.com… hoạt động ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam với thị phần và doanh thu khủng. Chị Nguyễn Thị Út Ngọc (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, hơn 2 năm nay, khi chị hay người nhà đi công tác xa Hà Nội, cần đặt phòng để nghỉ chị đều đặt phòng trực tuyến. Như thế vừa tiết kiệm lại vừa chọn được phòng phù hợp với giá tiền.

Tương tự, chị Trần Lan Anh (nhà HH2 Linh Đàm) cũng cho biết, chị vừa vào mạng để đặt phòng trực tuyến tại một khách sạn ở Hàng Trống cho một vị khách người nước ngoài. Theo tìm hiểu, những trang web đặt phòng trực tuyến của nước ngoài như Agoda.com và Booking.com, khi có khách đặt phòng, mức phí mà khách sạn phải chi trả cho những trang web này rơi vào khoảng từ 10-25% giá phòng. Chẳng hạn khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp (DN) này thu 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam.

Nhiều công ty du lịch chia sẻ, các trang mạng này có số lượng đặt phòng ngày càng lớn với doanh thu có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng tại Việt Nam. Với hoạt động kinh doanh này, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN theo tỉ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng, với tỉ lệ là 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập DN.

Ngoài ra, đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải khai, nộp thuế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu thuế được từ những đơn vị kinh doanh tại nước ngoài này không hề đơn giản. Theo chia sẻ của một công ty du lịch có kí kết dịch vụ đặt phòng với Booking.com, cơ quan thuế có yêu cầu DN này phải khấu trừ thuế nhà thầu. Tuy nhiên, phía Booking.com không đồng ý khấu trừ vì cho rằng họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan dù họ đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này khiến DN phải tự bỏ tiền túi của mình ra để nộp thay cho phía Booking.vn.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục thuế thừa nhận, loại hình kinh doanh đặt hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ với nhiều “lỗ hổng”. Do vậy, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này được hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc tìm ra các giải pháp tốt nhất để quản lý.

Siết chặt quản lý

Vấn đề thất thu thuế từ những trang web đặt phòng quốc tế thực ra không phải bây giờ mới nóng mà đã được nhắc đến cách đây một năm trước. Cụ thể, thời điểm tháng 12 năm 2016, ông Lê Đắc Lâm - Giám đốc điều hành Vntrip.vn, start-up về du lịch, chuyên hỗ trợ khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam đã tố cáo một doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế tại Việt Nam. Đồng thời, DN này cũng đã gửi đơn kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét và tìm kiếm những cơ sở pháp lý để thu thuế của Agoda và Traveloka ở Việt Nam.

Đại diện Tổng cục thuế cho biết, để siết quản lý, cơ quan này đã đề xuất cơ quan thuế và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán. Yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.

Tổng cục Thuế cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài như Agoda và Booking phải thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mang nước ngoài tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý. Với những trường hợp đơn vị kinh doanh của nước ngoài có phát sinh doanh thu lớn tại Việt Nam như trường hợp của Agoda hay Booking, cơ quan thuế của Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với cơ quan thuế của nước chủ quản để cùng phối hợp vừa tìm ra cách quản lý thuế hiệu quả nhất. Sự phối kết hợp này vừa tránh không vi phạm các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã kí kết với các nước.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/that-thu-tu-dich-vu-dat-phong-truc-tuyen-tintuc388580