Thất thoát thực phẩm: Bài toán an ninh lương thực

Khi nhiều người trong chúng ta ngồi thưởng thức một bàn ăn ngon lành thì ở bên kia bờ đại dương, người dân Venezuela đang trốn chạy cái đói.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ, kéo theo khan hiếm lương thực thực phẩm đã đưa đất nước Nam Mỹ này lâm vào nạn đói chưa từng có. Hàng triệu người Venezuela đã tìm đường vượt qua biên giới, với hy vọng mong manh là được cứu sống ở đất nước khác.

Không riêng Venezuela, nạn đói vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Theo Tổ chức Lương thực Thế giới, mỗi ngày, toàn cầu chứng kiến khoảng 25.000 chết vì đói, 1/9 người đi ngủ trong tình trạng bụng cồn cào và khoảng 2 tỉ người bị suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất.

Lương thực thừa mà thiếu

Nghịch lý ở chỗ thế giới không thiếu lương thực thực phẩm. Theo báo cáo từ Chương trình Phát triển bền vững của UTC, nguồn lương thực, thực phẩm làm ra hiện nay đủ nuôi sống tới 10 tỉ người. Trong khi dân số hiện tại trên toàn cầu chỉ khoảng 7 tỉ người. Có nghĩa là sự thiếu hụt lương thực, thực phẩm toàn cầu không đến từ lý do nguồn cung. Nó xảy ra do mức độ chia sẻ, phân bổ nguồn lương thực không đồng đều giữa các quốc gia, dựa trên các điều kiện kinh tế. Ngoài ra, thiếu hụt có nguyên nhân từ gần một nửa nguồn thực phẩm toàn cầu đã bị mất đi do lãng phí. Ông John Mandyck, Phó Chủ tịch về Phát triển Bền vững của UTC, cho biết, khoảng 40% lương thực, thực phẩm làm ra đã bị thất thoát, lãng phí. Trong đó, 2/3 tỉ lệ thất thoát xảy ra ở các khâu trước khi đến tay người tiêu dùng. Còn lại là bị thất thoát trong quá trình chế biến bị hư hỏng hoặc nấu nướng quá thừa mứa. Các sản phẩm bị lãng phí nhiều nhất phải kể đến ngũ cốc, hoa quả, thịt, thủy hải sản.

Ở cấp độ khu vực APEC, theo nghiên cứu từ ông Tony Shih - Hsun Hsu, thuộc Trường Đại học Đài Loan và các cộng sự, thực phẩm nào cũng xảy ra tình trạng thất thoát... Trong đó, gần một nửa trái cây trồng trong khu vực bị thất thoát. Kế đó là rau (43%), thủy hải sản (38%), thịt (21%)... Thất thoát cũng diễn ra trong toàn bộ chuỗi quy trình sản xuất nông nghiệp. Thất thoát nhiều nhất ở khâu sản xuất (36,1%), chế biến, đóng gói (29,2%), phân phối (28,27%).

Với hiện trạng đó, tại các diễn đàn, các nhà lãnh đạo APEC từng đưa ra cam kết giảm 10% thất thoát thực phẩm vào năm 2020. Ông Tony Shih - Hsun Hsu đã giới thiệu 37 giải pháp để khắc phục tình trạng này tại các quốc gia trong APEC. Các nước tham gia đã gặt hái một số kết quả như tạo thêm 181.519 công việc, thu hồi hơn 36.000 bữa ăn, giảm được một lượng lớn khí CO2 thải ra và tiết kiệm nước.

Trên thực tế, theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của John M. Mandyck (Mỹ), nguồn thực phẩm lãng phí bỏ đi trên thế giới làm phát sinh thêm 4,4 tỉ tấn CO2 mỗi năm. Ngoài ra, 70% nguồn nước trong tự nhiên phải dùng cho tưới tiêu trồng trọt. Lãng phí 40% thực phẩm cũng đồng nghĩa với lãng phí nguồn nước. Lấy ví dụ, chỉ 1 bông cải bị hư, kéo theo lãng phí 20,4 lít nước đã tưới cho bông cải đó. Trong khi nước cho sinh hoạt của con người hiện chỉ chiếm 1,3% nguồn nước.

Ở Việt Nam, thất thoát, lãng phí thực phẩm còn nghiêm trọng. Kết quả khảo sát của Công ty tư vấn CEL cho thấy, 1/3 nguồn rau quả của Việt Nam không đến được tay người phân phối. Con số này ở thịt là 14%, ở thủy sản là 12%. Trong đó, thất thoát nặng nhất xảy ra ở khâu trồng trọt, thu hoạch (26% đối với rau quả), chênh lệch đáng kể so với các nước Đông nam Á (15%), theo FAO.

Một báo cáo trước đây của Tổng cục Môi trường cũng cho biết, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam hiện thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước.

Cơ cấu lại chuỗi sản xuất nông nghiệp

Trong khi đó, người Việt Nam ăn uống đa dạng và khoảng một nửa người Việt chuộng thực phẩm tươi sống, theo báo cáo từ CEL. Theo đánh giá của ông Julien Brun, Quản lý đối tác của CEL, chính điều này sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trong kiểm soát lãng phí thực phẩm. Bởi thực tế, một trong những giải pháp giúp các nước giảm được lãng phí thực phẩm là tăng cường chế biến, đóng gói thực phẩm. Bởi vì chuỗi thực phẩm Việt Nam lại đang có nguy cơ bị thất thoát cao so với các quốc gia trong khu vực do hiện tượng “gãy, đứt đoạn” trong cung ứng lạnh - mát. Theo các chuyên gia, “tỉ lệ thất thoát thực phẩm tươi lên tới 50% là quá lớn, gây lãng phí”.

Vì vậy, Việt Nam cũng muốn tìm cách kiểm soát lãng phí thực phẩm về mức thấp nhất có thể. Thậm chí, chống thất thoát, lãng phí là giải pháp để bảo đảm an ninh lương thực.

Tại Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu 2018, do Carrier tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Julien Brun, thuộc CEL, cho biết lãng phí thực phẩm ở Việt Nam cần được xem xét một cách nghiêm túc. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giảm 5% thất thoát ở lúa gạo và 10% ở nhóm trái cây... Để làm được các việc này, Việt Nam sẽ cơ cấu lại các khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Nhưng khó khăn cho Việt Nam là diện tích trồng trọt ở Việt Nam rất manh mún. Theo thông tin từ trong Hội nghị Chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu 2018, 90% diện tích trồng trọt là từ hộ nông dân. Trong đó, đến 90% là diện tích dưới 0,5 ha/hộ. Vì thế, bài toán mời gọi người dân tham gia hợp tác xã đã được đặt ra.

Nhưng cả khi thiết lập nên các hợp tác xã, câu chuyện tài chính, vay vốn giúp nông dân có điều kiện sản xuất vẫn là bài toàn khó. Ngoài ra, vấn đề bảo quản lạnh cũng phải được thúc đẩy. Trong vòng 10 năm qua, dù năng lực của chuỗi cung ứng lạnh - mát tăng 4 lần nhưng theo quan sát của ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam, thị trường logistics cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam khá phân mảnh, các nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ phục vụ rời rạc, chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.

Trong khi đó, không nhiều doanh nghiệp đầu tư cho công đoạn đóng gói, bảo quản thực phẩm vì e ngại chi phí. Chưa kể, có những nhà sản xuất sản phẩm thực phẩm cố tình cắt bớt một số khâu trong chuỗi cung ứng lạnh để giảm chi phí...

Ông Lương Quang Thi, CEO của ABA, cho rằng vấn đề nằm ở nhận thức của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Hiện tại, ABA đang triển khai giá dịch vụ vận chuyển hàng lạnh gần bằng với giá vận chuyển hàng khô, chấp nhận lãi ít. Mục đích là để mọi người làm quen với hình thức này, như một cách tránh lãng phí thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người dân.

Ở tầm vĩ mô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra là hình thành chuỗi liên kết lớn, ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị dựa trên 3 trục ngành hàng: nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD; ngành hàng có năng lực cạnh tranh cấp địa phương và ngành hàng đặc sản địa phương.

Ngọc Thủy

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/song/that-thoat-thuc-pham-bai-toan-an-ninh-luong-thuc-3322961/