Thất thoát ngân sách 5.000 tỷ đồng, ai chịu trách nhiệm?

Với việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1-7-2011 đến hết ngày 31-12-2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 31-8-2017 theo đề nghị của Chính phủ, Ngân sách Nhà nước có thể thất thu 5.000 tỷ đồng.

96 đại biểu bác đề xuất của Chính phủ

Tổng thư ký Quốc hội vừa báo cáo tổng hợp kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1-7-2011 đến hết ngày 31-12-2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 31-8-2017.

96 đại biểu bác đề xuất không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước

96 đại biểu bác đề xuất không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước

Sở dĩ có đề nghị trên là do Chính phủ chậm ban hành các nghị định hướng dẫn đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp (dự tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng).

Nhận định việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm nghị định có hiệu lực.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều về việc này, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, nội dung “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 1-7-2011 đến hết ngày 31-12-2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 31-8-2017” có 321/427 vị đại biểu (chiếm 75,18%) đồng ý. Số đại biểu không đồng ý là 96/427 (chiếm 22,48%).

Với nội dung “Quốc hội xem xét, quyết định nội dung “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước” tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8)” có 333/427 đại biểu đồng ý (chiếm 77,99%); 70/427 đại biểu không đồng ý (chiếm 16,39%). Số đại biểu không có ý kiến là 20/427 (chiếm 4,68%)

Xác định rõ trách nhiệm các cơ quan tham mưu

Trước đó, thảo luận tại tổ và Hội trường về nội dung trên, bên cạnh những ý kiến tán thành với đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho người dân, một số ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.

Các ý kiến này đề nghị giải trình và tính toán kỹ hơn vì khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước có thể tính được. Nếu có khả năng hồi tố được để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thì khó vẫn phải làm để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Có ý kiến đề nghị làm rõ những tổ chức, cá nhân nào đang còn hoạt động, đang khai thác khoáng sản và tài nguyên nước thì phải thực hiện nghĩa vụ; đề nghị làm rõ đối tượng được khoanh nợ và những đối tượng chậm thu để đưa ra biện pháp xử lý.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu Quốc hội thống nhất cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước sẽ tạo ra tiền lệ không tốt.

Nhận định tờ trình của Chính phủ giải thích việc chậm trễ trong việc ban hành 2 Nghị định chưa thuyết phục, một số ý kiến yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý dẫn đến việc chậm ban hành Nghị định.

Nhóm ý kiến này cũng đề nghị đánh giá việc chậm ban hành Nghị định tác động như thế nào đến thu ngân sách; đề nghị đánh giá thêm, tìm hiểu nguyên nhân, xem xét dấu hiệu tham nhũng, trục lợi chính sách để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các luật, giữa các doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh doanh.

Liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước, đa số ý kiến đề nghị xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cá nhân có liên quan và biện pháp xử lý như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính…

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các trường hợp khác tương tự phát sinh, bảo đảm luật ban hành được tổ chức thực hiện nghiêm minh và đầy đủ.

Có ý kiến cho rằng Chính phủ mới xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm là chưa thỏa đáng. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ phải kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm, hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ ban hành Nghị định và báo cáo Quốc hội để giải thích với cử tri.

Ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm ban hành các Nghị định là do vô tình hay cố ý, có lợi ích nhóm không trong khi một số ý kiến cho rằng Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc này, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các Ủy ban của Quốc hội trong việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo chương trình kỳ họp, nội dung cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước sẽ nằm trong Nghị quyết chung của kỳ họp, được thông qua tại phiên bế mạc vào chiều 27-11 tới.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/that-thoat-ngan-sach-5000-ty-dong-ai-chiu-trach-nhiem_83382.html