Thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ, ai chịu trách nhiệm?

Ðã gần 3 năm danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương được xác lập và tập trung giải quyết, nhưng tới nay nhiều dự án vẫn khó khăn, chưa hẹn ngày khởi động lại. Theo các chuyên gia, đã tới lúc thẳng thắn nhìn nhận khả năng phục hồi của từng dự án và cho phá sản, bán thanh lý với các dự án quá khó khăn để cắt lỗ.

Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan cho rằng, từ khi bắt tay xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, bà đã đề xuất 2 giải pháp. Đầu tiên là đánh giá, phân loại cụ thể từng dự án. Sau đó chào bán toàn bộ ra thị trường để tư nhân đầu tư tái cơ cấu.

“Nếu Nhà nước bán ra sẽ không thể đòi hỏi có lãi, hoặc lỗ ít, vì thông thường dự án nhà nước đầu tư ban đầu vốn dĩ đã đắt hơn so với tư nhân làm. Chỉ có lợi thế đất đẹp, giá thuê đất rẻ, nên nhiều nhà đầu tư quan tâm tới đất chứ không hẳn là nhà máy”, bà Lan nói. Phương án 2 là cho phá sản, giải thể, hoặc bán thanh lý các dự án quá yếu kém, tư nhân không mua. Vì những dự án này khó có khả năng phục hồi được, hoặc nếu phục hồi cũng rất tốn kém, chi phí cao hơn lợi ích thu được, làm tăng thêm gánh nợ.

Theo bà Lan, thực tế sau gần 3 năm xử lý, các dự án vẫn chồng chất khó khăn, dù tiền bạc, công sức, thời gian họp hành bàn luận đã bỏ ra không ít. Dù có một số dự án đưa được cho là đã phục hồi nhưng phục hồi ra sao, chi phí bao nhiêu không được đề cập. “Xử lý các dự án này phải nghiêm túc, trách nhiệm rõ ràng, không nên tiếp tục kéo dài, vì đây là tài sản công, từ tiền thuế của người dân”, bà Lan nói thêm.

GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, trước khi bắt tay xử lý, đáng ra Bộ Công Thương phải làm rõ từng dự án, cách giải quyết và báo cáo Chính phủ quyết. Điển hình là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, thiết kế một đằng đầu tư máy móc một nẻo, nên không sử dụng được, giờ chỉ bán thanh lý. Với những dự án này, có bán thanh lý cũng phải chấp nhận giá thấp, còn càng để lâu càng lỗ. Dự án nào có khả năng phục hồi thì đã phải phục hồi rồi, không phải tới giờ mới có lãi.

Về việc nhùng nhằng trong xử lý các dự án thua lỗ, theo ông Đào, điều này có thể do các dự án đều đầu tư lớn, nay nếu phá sản, bán thanh lý chỉ thu được rất ít, đầu tư nghìn tỷ có thể chỉ bán được vài trăm tỷ đồng. Số tiền ngân sách thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đó ai chịu trách nhiệm? “Nếu bán thanh lý giá thấp, hoặc cho phá sản sẽ có 1 loạt quan chức từ trên xuống dưới phải bị xử lý trách nhiệm. Đặc biệt khi ngân sách đang khó khăn, phải tính từng đồng. Nhưng đã tới lúc phải làm sớm, làm rõ, không thể kéo dài thêm. Đó là câu chuyện càng nói càng buồn, vì ngân sách bị lãng phí, thất thoát do quản lý lỏng lẻo”, ông Đào nói.

Theo bà Chi Lan, kéo dài thêm trạng thái “chết lâm sàng” của các dự án nghìn tỷ đồng là cách làm thiếu trách nhiệm với nhà nước và nhân dân. “Việc kéo dài xử lý các dự án thua lỗ có thể để những cán bộ liên quan tiếp tục được hưởng lương và sau được hạ cánh an toàn, thoát trách nhiệm. Nếu cho phá sản, chắc chắn sẽ có cán bộ liên quan phải chịu trách nhiệm, vì để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Hơn 2 năm đã qua, các dự án vẫn khó khăn, nên rõ ràng việc kéo dài này vì mục đích kinh tế không thành công”, bà Lan nêu quan điểm.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/that-thoat-hang-tram-hang-nghin-ty-ai-chiu-trach-nhiem-1394317.tpo