Thất thoát đất công: Ai lợi ích nhóm, ai móc ngoặc?

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về tình trạng thất thoát đất công trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu vấn đề ai móc ngoặc, ai lợi ích nhóm.

Bộ trưởng TN-MT trả lời chất vấn sáng 5/6 Từ 4/6 đến 6/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng 4 bộ trưởng các bộ Giao thông, Tài nguyên & Môi trường, LĐ-TB&XH và Giáo dục & Đào tạo sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sáng (5/6), Bộ trưởng TM&MT Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của Quốc hội về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng.

Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; thực trạng xử lý rác thải và giải pháp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số bộ trưởng như Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ... cùng tham gia.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Quân Minh.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Quân Minh.

Trong thời gian nửa buổi chiều qua (4/6), Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 đại biểu Quốc hội chất vấn và 8 ý kiến tranh luận. Hôm nay, vị bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn, còn 47 đại biểu đang chờ đăng ký chất vấn.

08:12 05/06

3 câu hỏi từ chiều 4/6

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của 3 đại biểu còn chưa trả lời vào cuối giờ chiều hôm qua.

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng): Tôi đồng ý câu trả lời của Bộ trưởng với câu hỏi tôi đặt ra nhưng tôi thấy câu trả lời chưa đầy đủ. Bộ trưởng nói rằng những mảnh đất xen kẽ gom lại để thí điểm cho các dự án công trình, công cộng, công ích. Theo tôi nhiều mảnh đất ở địa phương không có nhu cầu vào những dự án đó, nhiều mảnh nhỏ không thể làm bất kỳ công trình công cộng nào mà chỉ để nhà ở dân sinh. Bộ trưởng cần trả lời người dân đối với trường hợp địa phương không có nhu cầu thì chúng ta có làm thủ tục chuyển đổi cho dân không để họ đỡ vất vả khó khăn trong vấn đề sử dụng mảnh đất nhưng không phải thổ cư của mình, đó là đất nông nghiệp cũng như đất vườn tạp mà dân hiện đang sở hữu.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Tôi đã nghiên cứu Quyết định 2149 về phê duyệt chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn của Thủ tướng và đã xem Quyết định 491 về điều chỉnh Quyết định 2149 này. Tuy nhiên câu hỏi thứ hai tôi đặt cho Bộ trưởng không phải ý này mà tôi muốn nói với thực trạng xử lý nước thải của ta đang dưới 10% như Bộ trưởng nêu. Còn đối với chất thải rắn sinh hoạt còn khoảng trên 70% xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đa số là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Đây là thực trạng gây ô nhiễm môi trường. Trong trả lời đầu giờ của Bộ trưởng đã nói trách nhiệm của các địa phương là phải xử lý cụ thể vấn đề này. Tôi cho rằng thế này chưa thỏa đáng vì còn có trách nhiệm của Bộ là một bộ thay mặt Chính phủ chủ trì quản lý môi trường mà chưa được làm rõ. Tôi đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này chứ không phải nghiên cứu.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tôi chăm chú nghe và chia sẻ nhiều với các vị đại biểu Quốc hội và với Bộ trưởng về xử lý rác thải. Mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải, mỗi năm tăng thêm bình quân 9% tức là khoảng 1 triệu tấn. Chúng ta đã sử dụng lượng vốn ngân sách và vốn ODA rất lớn cho các nhà máy và doanh nghiệp xử lý rác thải ở Hà Nội, TP.HCM.

Ví dụ, ở TP.HCM, bãi rác Đa Phước mỗi ngày là 100.000 USD, khoảng 23-24 tỷ đồng để xử lý. Nhà Việt kiều này về đầu tư đã hứa rằng sẽ xử lý rác thải theo như ý của Bộ trưởng là sẽ phát điện, làm phân bón compost... nhưng hầu hết như đại biểu Trần Văn Minh nói, chúng ta đều chôn gây ô nhiễm môi trường và ở đây dẫn đến vấn đề tốn kém ngân sách và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn ODA. Tôi cho rằng như thế, chúng ta còn chưa quản lý tốt và chưa quản lý có hiệu quả.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhân đây xin gửi vấn đề này tới Bộ trưởng Tài chính là chúng ta quản lý nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước để xử lý chất thải như thế nào cho hiệu quả?

08:20 05/06

Dựa vào tư nhân để xử lý 12 triệu tấn rác thải mỗi năm

Đáp lời, Bộ trưởng TNMT cho rằng với 12 triệu tấn rác thải, nếu ta không huy động toàn xã hội tham gia xử lý từ nguồn thì sẽ rất phức tạp. Xử lý thì phải phân loại. Tại nông thôn, người dân có thể được hướng dẫn tự xử lý phân loại. Đối với loại khác thì phải tái chế sử dụng, chuyển thành nhiệt năng hoặc chuyển thành phân vô cơ.

Chúng ta không đánh giá lại quá khứ nữa. Từ nay cần phải lựa chọn công nghệ. Quan điểm rõ ràng phải dựa vào khối tư nhân, và cần cơ chế để khối tư nhân tham gia được. Bằng trí tuệ, nhân lực, nguồn vốn của Việt Nam để xử lý. Có nhiều mô hình đã được thực hiện và được đánh giá cao.

08:27 05/06

Địa phương chưa quản lý chặt nên quy hoạch mỗi năm phải rà một lần

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh được thẩm định và chính phủ phê duyệt, việc giao đất, cho thuê đất chuyển đổi đất lúa từ 10 ha và trên 20 ha với đất từng phải trình Thủ tướng phê duyệt tạo nhiều thủ tục, dễ tạo xin cho làm chậm quá trình đầu tư, gây bức xúc cho nhà đầu tư. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm phê duyệt cuối năm trước năm kế hoạch làm mất cơ hội đầu tư cho dự án vào năm kế hoạch. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện nay chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, từ cấp huyện, cấp xã, việc lớn hay nhỏ hơn 10 ha là chỉ tiêu đã được đưa ra từ trước. Một trong những tồn tại của quy hoạch đất đai là chỉ tiêu đưa ra định lượng chưa đưa ra được vị trí địa điểm cụ thể. Đó là trách nhiệm của địa phương, nếu địa phương làm tốt thì Chính phủ hoàn toàn có thể ủy quyền, mà hiện nay TP.HCM đã có cơ chế này rồi.

Nhưng bất cập ở chỗ địa phương chưa xác định được cụ thể, kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tiễn, nếu tình trạng này còn xảy ra không kiểm soát được thì vẫn phải duy trì như hiện nay. Nếu địa phương làm tốt Chính phủ chỉ cần phê duyệt 1 lần là đủ.

Việc cải cách thủ tục hành chính chủ yếu nằm ở vấn đề đền bù giải pháp mặt bằng, rất tốn thời gian, chiếm 80% thời gian quá trình giao đất chứ không phải các thủ tục mang tính pháp lý này.

Việc phê duyệt đầu năm hiện nay là do địa phương chưa quản lý chặt được, nếu không chúng ta đã làm trong 5 năm chứ không phải mỗi năm rà soát lại một lần.

08:31 05/06

Trả lại bờ biển cho dân

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Bộ trưởng đã tiếp cận công nghệ xử lý rác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài khi tiếp cận nhiều địa phương họ gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong, Chính phủ, Bộ trưởng có những chỉ đạo giải quyết tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này.

Về hành lang pháp lý bờ biển, bờ sông, tôi đề nghị Chính phủ ra quy định rà soát lại bờ sông, bờ biển trả lại cho quốc gia, người dân, không để các nhà đầu tư lấn chiếm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cảm ơn đại biểu đã cho biết thêm nhiều thông tin về xử lý rác với công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài, Việt kiều và sẽ đánh giá công nghệ ở Việt Nam và rất kỳ vọng các mô hình xử lý chất thải thành phân bón, thành điện…giá thành thấp hơn.

Về hành lang biển, bờ sông, chúng ta để thể chế hóa bằng luật tài nguyên nước quy định hành lang bảo vệ, luật về biển cũng quy định rất rõ. Tôi đề nghị không cần thêm, chỉ cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương thực hiện ở địa phương.

Cùng quan tâm vấn đề đường xuống biển cho dân, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu: Hiện nay bao nhiêu đường xuống biển tắm tại các khu du lịch đã bị tư nhân hóa hết, dân muốn tắm không được tắm. Thậm chí, tư nhân làm rào chắn không cho người dân đi qua. Đây là việc bất cập trong quản lý đất đai khi cho tư nhân mua bán hợp pháp hoặc có giấy đỏ. Giải pháp sắp tới tính thế nào để thu hồi đất, đảm bảo đường xuống biển cho dân. Trong tương lai gần, đặc khu nhất là Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này.

Đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc tư nhân hóa bãi biển chiếm đất của dân là không đúng quy định pháp luật về tài nguyên môi trường biển.

Trách nhiệm là ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, đây là việc mà Đà Nẵng đã làm được, Đà Nẵng cũng rất chặt chẽ trong việc giao đất cho doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, trong việc này sai phải sửa, ai sai phải chịu trách nhiệm. Về góc độ pháp luật Bộ sẽ rà soát thêm xem còn vướng mắc gì hay không.

Vấn đề hồi tố trước khi Luật TNMT biển được thông qua trước đây cần phải xem xét kỹ để hài hòa lợi ích các bên.

08:38 05/06

Bộ trưởng có đảm bảo Formosa không tái diễn sự cố môi trường?

ĐQ Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương): Trong suốt quá trình Bộ trưởng trả lời chất vấn, Bộ trưởng có đề cập đến vấn đề kiểm soát chặt chẽ các công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải và chúng ta đã được biết vấn đề về sự cố môi trường của Formosa nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, đặc biệt là vấn đề xử lý sự cố đã xảy ra và đến nay đã đạt được hiệu quả rất tích cực.

Theo báo cáo, hiện Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2, các biện pháp giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương.

Bài học về Formosa rất đắt giá, xin hỏi Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không gây ra sự cố tái diễn như trước đây không?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nói về Formosa, chúng ta đã thay đổi toàn phương pháp quản lý. Chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giám sát trực tuyến. Có 3 mức đề phòng sự cố: Nơi sản xuất, trong nhà máy, ngoài nhà máy. Hồ sinh học hiện nay nước có thể đạt loại A. Giám sát khâu nào chặt chẽ khâu đó thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm được. Với Formosa, tôi báo cáo để đại biểu yên tâm.

Cá chết do sự cố xả thải Formosa trước đây.

09:13 05/06

Đề xuất tăng thuế với đất không sử dụng

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu nghịch lý trong quản lý đất đai hiện này là đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án người dân vẫn khiếu kiện. Tỷ lệ không nhỏ tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ các công trình dự án phát triển bất động sản. Và càng phát triển, giá đất càng tăng, chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền đền bù và người dân càng khiến kiện.

Vậy chính sách đất đai của chúng ta đặc biệt là các công cụ kinh tế có liên quan gì đến thị trường trên? Có nên sử dụng ưu đãi nhà đầu tư trong việc giao đất giá thấp hay miễn tiền sử dụng đất hay không? Chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đây là vấn đề liên quan tới việc định giá đất đai. Có 5 phương pháp định giá đất đai, nhưng thế giới làm được còn tại Việt Nam thì rất khó, vì đất đai biến động mạnh. Chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang đất quy hoạch phát triển bất động sản là khác nhau rất lớn. Trên thế giới quy hoạch của họ rất rõ ràng, không có chuyển đổi mục đích nên 5 phương pháp có thể áp dụng được. Trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành thị trường nên các phương pháp này không phù hợp.

Bộ rất mong muốn được hỗ trợ trong vấn đề sửa luật, điều chỉnh chính sách đất đai bằng các công cụ kinh tế để điều chỉnh giá đất và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực trước và sau quy hoạch, qua đó tính toán thu đầy đủ thuế gia tăng từ quá trình chuyển đổi.

Nhà nước có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng quyền lợi sẽ được chia cho người dân. Với nhà đầu tư, chúng ta tính toán vẫn còn lợi nhuận.

Đương nhiên đấu giá đất đai vẫn là biện pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta chưa đấu giá được. Đã đấu giá phải dựa trên giá xác định, mà giá xác định hiện nay lại chưa theo giá thị trường.

Với việc đất đai tại 3 khu dự kiến làm đặc khu sốt lên, trừ trường hợp vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm thì chúng ta sẽ sử lý. Còn không chúng ta muốn đất không sốt lên thì phải sử dụng các công cụ kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét 1 người được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì tăng giá. Sử dụng đất 3 năm là phải có lộ trình nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đối với những người không sử dụng. Điều này cần được sửa trong Luật đất đai sắp tới.

Đã là tài sản thì không cho không ai cả. Tài sản phải được đánh giá đầy đủ mới sử dụng hiệu quả. Thậm chí đất nông nghiệp đã miễn thuế nhiều năm, đi quanh Hà Nội nhiều mảnh đất không sử dụng, hoang hóa, điều này không nên, không đặt ra quan tâm kinh tế trong mảnh đất này. Nếu mảnh đất hoạt động hiệu quả chúng ta thu thuế thu nhập, còn các khu khác phải thu thuế sử dụng đất đai để sử dụng hiệu quả.

09:16 05/06

Bộ trưởng trấn an đại biểu về Formosa

09:19 05/06

Đặt nhà máy thép ở thượng nguồn thì khó kiểm soát

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Hà Nội): Liên quan tới 3 nhà máy thép tại Đà Nẵng, có tư liệu rõ ràng cho thấy 2/3 nhà máy không chỉ ô nhiễm về khói bụi mà còn có cả nguồn nước. Trong khi hiện nay đang có kế hoạch đưa nhà máy thép Việt Pháp lên thương nguồn các dòng sông tại Đà Nẵng và Quảng Nam, rất nguy hiểm. Bộ có biết vấn đề này không và chúng ta phải sử lý thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với 3 nhà máy thép này đã có những quy định, quy chuẩn về việc xử lý xả thải ra môi trường cũng như công nghệ xử lý rác thải. Ngoài ra, việc đặt các nhà máy tại vị trí nào cũng có các hành lang an toàn, có quy định các thiết bị xử lý khí thải, các thiết bị quan trắc 24/24 về bụi và khí thải. Nếu đặt ở nơi không phù hợp thì có quan trắc thế nào cũng không hiệu quả.
Tôi không quan tâm nhà máy đó đặt ở đâu nhưng phải quan tâm dự án đó đáp ứng các quy định, quy chuẩn khí thải đến đâu. Tôi đồng tình Đà Nẵng cần có trao đổi để tìm ra địa điểm hợp lý, chứ nếu đưa nên khu thượng nguồn các dòng sông thì rất khó kiểm soát.

09:41 05/06

Đủ chế tài để xử lý DN gây ô nhiễm

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ): Hiện nay có nhiều dự án đầu tư và cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động sử dụng công nghiệp lạc hậu gây ô nhiễm ở một số địa phương. Tình hình vấn đề này hiện nay ra sao, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Các doanh nghiệp ở địa phương xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị yêu cầu ngừng sản xuất để xử lý xả thải. Để ngừng sản xuất phải sử dụng các biện pháp mạnh như dừng cấp điện nhưng điều này lại vi phạm luật điện lực nên ngành điện vẫn phải cấp. Vì thế, trên thực tế quyết định của địa phương không có hiệu lực. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ đã có phân công đánh giá quy mô nguồn thải như thế nào thì sẽ do cấp đó quản lý. Bộ đang có lộ trình các doanh nghiệp có bao nhiêu lỗi thì phải khác phục trong thời hạn bao lâu. Đến thời điểm cần đáp ứng mà không đáp ứng thì sẽ sử dụng chế tài mạnh, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn chứ không phải tạm dừng.

Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chưa làm tốt phân loại năng lực và chưa kiểm tra, thanh tra tốt. Hiện nay quyết định đình chỉ công tác và yêu cầu doanh nghiệp phải chấp hành, việc cắt điện, cắt nước là các doanh nghiệp vi phạm là không nen. Nếu doanh nghiệp không chấp hành sẽ áp dụng các biện pháp mạnh như mời lên làm việc, nếu không tuân thủ tịch thu phương tiện nếu cần thiết. Chúng ta có đủ chế tài để xử lý các vi phạm trong vấn đề này.

Formosa đã làm cá chết thế nào? Cơ quan chức năng xác định công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa đã có hành vi xả thải ra biển có chứa độc tố vượt quá mức cho phép. Độc tố theo dòng hải lưu làm hải sản chết.

09:49 05/06

Thất thoát đất công: Ai lợi ích nhóm, ai móc ngoặc?

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Trong các hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp đoàn giảm sát đã chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý và sử dụng đất, xác định giá đất khi giao gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư. Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới và làm sao để thu hồi các khoản thất thoát này xử lý vi phạm của các tổ chức vi phạm đến đâu?

Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để thu hồi thất thoát, ví dụ Công ty TNHH MTV Giao thông công chính thuộc Tổng công ty cấp thoát nước Sài Gòn trong cổ phấn hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì thu lời 40 tỷ. Vậy chúng ta còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã bán trao tay thì chúng ta còn thu được lại tiền hay không? Cái nữa là xử lý trong vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhóm lợi ích trong chuyện này. Ông cũng đồng tình với đại biểu trong việc quản lý đất đai không chặt chẽ.

Trước cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê cho mượn đấy thuộc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Trong và sau cổ phần hóa, còn có trách nghiệm của ngành TNM, Bộ TNMT, và UBND các cấp.

Trong quá trình cổ phần hóa, có tình trạng chưa rà soát lại và có phương án sắp xếp lại để một doanh nghiệp hoạt động quỹ đất bao nhiêu là đủ và sử dụng như thế nào hiệu quả. Hai là trước đây giao đất không thu tiền, nay các doanh nghiệp đều phải thu tiền, nên phải tính toán hiệu quả khi sử dụng đất. Vì thế, các tính toán đó sẽ lấy lại các quỹ đất không có nhu cầu sử dụng để sử dụng mục đích khác. Nếu DN cần thì sẽ có cơ chế để họ tiếp tục phát triển.

Việc cổ phần hóa vừa rồi thất thoát nguồn lực cái chính là chưa làm tốt công tác quản lý đất và đang để đất đai ở tình trạng không quản lý. Ngay khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này vi phạm 2 vấn đề. Một là không đúng tiêu chí hoạt động, chuyển sang kinh doanh thương mại bất động sản đã sai với mục tiêu cổ phần hóa. Hai là quá trình chuyển mục đích lại không qua đấu giá mà áp đặt giá rất thấp không theo thị trường, cơ quan quản lý thẩm định thấy sai vẫn để chuyện đó xảy ra. Sau khi chuyển đổi mục đích giá tăng rất nhiều so với trước cổ phần hóa đây là thất thoát trong việc sử dụng đất công.

Nghị định 01, 126 đã khắc phục cơ bản triệt để tình trạng này. Hiện nay chỉ cần đảm bảo khâu đấu giá, định giá để đáp bảo giá đất đúng với thị trường, công khai với nhân dân.

09:53 05/06

Dành quỹ đất cho không gian công cộng

Sau giải lao, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ông cho biết công tác quản lý đất đai tại đô thị và khu vực phát triển kinh tế ven biển, chính sách quản lý đất đai tại đây có nhiều chuyển biến tích cực, lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất.

Tuy nhiên, chúng ta quản lý ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập, không gian công cộng cho người dân còn hạn chế, nhiều khu du lịch không có chỗ cho người dân xuống biển, giao thông khó khăn. Trong khi đó, có quá nhiều dự án nhà ở, nghỉ dưỡng, khách sạn, resort…

Việc giao đất, cho thuê đất cũng chưa căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều dự án không triển khai gây lãng phí đầu tư. Nhiều dự án xây dựng lấn chiến không gian công cộng như bãi biển, bờ sông… Tình trạng xác định giá quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không sát với thị trường trong các dự án BT, cổ phần hóa các DNNN.

Chính phủ và Thủ tướng đã có nhiều chấn chỉnh nhưng chưa được thực hiện hiệu quả. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 về chấn chỉnh công tác quản lý đất đai. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đất đai không gian bờ biển, bờ sông, phát triển đô thị. Đồng thời rà soát quy hoạch, dành quỹ đất cho giao thông, không gian công cộng cho người dân.

Công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, dịch vụ để người dân giám sát. Quản lý chặt chẽ mục đích chuyển đổi sử dụng đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ. Rà soát các dự án đã giao đất cho thuế đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đúng quy hoạch. Thu hồi các dự án không thực hiện, hết nguồn lực thực hiện. Ngăn chặn tình trạng buôn đất tại các địa phương sốt nóng thời gian qua.

Đặc biệt phải kiểm tra tất cả các dự án đầu tư ven biển, yêu cầu điều chỉnh dự án để dành không gian biển phù hợp với yếu cầu của người dân và đúng quy định pháp luật. Thu hồi xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm đất đai…

Hoàn thiện pháp luật thực hiện đấu giá đất vàng ở các địa phương, các dự án BT, đất chuyển đổi mục đích, các doanh nghiệp cổ phần hóa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất.

10:37 05/06

Chủ tịch Quốc hội: 'Bộ trưởng nắm chắc vấn đề'

Kết luận phiên chất vấn với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn "diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn" theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Lần thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội, "Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, công tác quản lý đất đai từng bước được triển khai chặt chẽ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 đã được các địa phương cơ bản hoàn thành; hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đối khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đang triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã chất vấn cần có các giải pháp thiết thực để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới cả trước mắt và lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội,chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản; rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý đất ven sông, ven biển; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền; kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng;

- Tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài liên quan đến đất đai;

- Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; triển khai Quy hoạch xử lý rác thải, xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải, hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác; theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp ven sông, ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường; rà soát, đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương; giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải ở các địa phương, nhất là các cụm khu công nghiệp, các làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường; quản lý chặt chẽ tài nguyên nước theo Luật tài nguyên nước.

- Làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ khâu này; kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong việc nhập khẩu, triển khai các dự án, rà soát, quản lý chặt việc nhập khẩu phế liệu, không nhập khẩu chất thải; đánh giá, phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Sớm xây dựng quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương về biến đổi khí hậu, chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các quốc gia có liên quan để giải quyết tốt các vấn đề do biến đổi khí hậu đặt ra; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 853 của UBTVQH về giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gây sạt lở; Xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời việc sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả kinh phí để triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.

Đến 10h30, phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết thúc. Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung là người tiếp theo trả lời chất vấn Quốc hội.

Nhóm phóng viên
Ảnh: Quân Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/that-thoat-dat-cong-ai-loi-ich-nhom-ai-moc-ngoac-post848646.html