Thất nghiệp vì dịch, nữ tiếp viên hàng không học làm phi công

Mất việc sau 8 tháng làm tiếp viên hàng không, Jordan Milano Hazrati (người Anh) dốc hết tiền tiết kiệm để theo đuổi nghề nghiệp mình thật sự ao ước.

Khi trở thành tiếp viên của Hãng hàng không Virgin Atlantic vào tháng 2/2020, Jordan Milano Hazrati thấy giấc mơ của mình trở thành hiện thực.

Nhưng 8 tháng sau, cô bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng xảy ra trong lĩnh vực hàng không, theo CNN.

Trong khi nhiều đồng nghiệp chọn cách rời đi, Hazrati tận dụng thời gian nghỉ dịch để theo đuổi công việc bản thân luôn ao ước là phi công.

 Jordan Milano Hazrati mất việc sau 8 tháng làm tiếp viên hàng không cho Virgin Atlantic.

Jordan Milano Hazrati mất việc sau 8 tháng làm tiếp viên hàng không cho Virgin Atlantic.

Tận dụng từng giây

Hazrati xuất phát là vũ công trình diễn trong các vở nhạc kịch. Tuy nhiên, cô luôn bị thu hút bởi ngành hàng không.

“Tôi từng không muốn thừa nhận điều đó vì sợ phải trả giá đắt. Học để trở thành phi công rất tốn kém và là trở ngại lớn đối với những người không xuất thân giàu có”, cô nói.

Năm 2017, Hazrati có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp và được bố mẹ mua cho buổi học lái máy bay vào dịp sinh nhật.

“Họ biết tôi yêu bầu trời đến nhường nào. Ngay khi máy bay cất cánh, tôi bị nghiện cảm giác được vi vu trên cao. Tôi nghĩ đây là viễn cảnh mà tôi cần cho phần còn lại của cuộc đời. Nhưng câu hỏi lớn là làm thế nào”, cô nhớ lại.

Dù rất thích, Hazrati không thể lập tức học bay.

“Việc này tốn kém đến mức bạn phải luôn chắc chắn đây là con đường đúng đắn”, cô lý giải.

Hazrati mơ ước trở thành phi công từ lâu và chỉ có quyết tâm theo đuổi nghề này khi dịch bùng phát.

Chỉ đến khi thất nghiệp vì dịch, Hazrati mới nhận ra mình muốn nghiêm túc theo đuổi ước mơ. Cô quyết định dồn hết số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm để học làm phi công.

“Tôi có thể trả hết nợ thời sinh viên hoặc mua nhà, nhưng tôi không hối tiếc”, cô nói.

Kể từ khi bắt đầu học lái máy bay vào tháng 3 năm nay, Hazrati đã chi 14.000 bảng Anh (19.200 USD) nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Để hoàn thành khóa đào tạo PPL (giấy phép phi công tư nhân), cô mất 3 năm với chi phí tối thiểu 50.000-60.000 bảng Anh (69.000-82.000 USD).

Hazrati cũng được The Air League, tổ chức hàng không phi lợi nhuận của Vương quốc Anh, trao học bổng để thực hiện ước mơ.

Kể từ khi mất việc, Hazrati làm hàng loạt công việc để duy trì cuộc sống trong dịch, từ PT, nhân viên phục vụ, trực tổng đài tiêm chủng quốc gia của Vương quốc Anh đến yêu tinh Giáng sinh.

Cô cũng tình nguyện làm việc tại phòng khám tiêm chủng và giờ là chuyên viên về yếu tố con người ở hãng hàng không khác.

Hazrati làm việc chăm chỉ để hướng tới mục tiêu cuối cùng. Cô tận dụng từng giây để nghiên cứu các tuyến đường và học lý thuyết nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc bay.

Hazrati lam việc chăm chỉ để thực hiện ước mơ ấp ủ ừ lâu.

Bay là cảm giác tuyệt vời

“Lái máy bay là cảm giác kỳ lạ mà chỉ số ít mọi người mới có thể cảm nhận. Tôi cảm thấy rất biết ơn”, Hazrati nói.

Cô hiện có thể thực hiện các chuyến bay một mình, trong khi tích lũy giờ bay.

“Mọi người thường nghĩ đến việc tạm nghỉ hoặc bỏ việc khi sân bay bị đóng cửa. Tôi thích thử thách này vì nó mang lại sự tự do và thay đổi quan điểm về cuộc sống”, cô nói.

Theo Hazrati, không phải ai cũng cho rằng tiếp viên hàng không sẽ trở thành phi công giỏi. Trong khi thành viên phi hành đoàn được biết đến với tính cách hòa đồng, phi công lại luôn nghiêm túc để điều khiển máy bay một cách bình tĩnh.

“Đó là quan niệm khuôn mẫu và hơi lỗi thời. Rất nhiều phi công mà tôi làm việc cùng có tính cách hài hước và thú vị. Họ sẽ nghiêm túc và điềm tĩnh khi cần. Trong khóa đào tạo tiếp viên hàng năm, điều tôi thích nhất luôn là các quy trình an toàn. Điều này phù hợp cho việc chuyển giao vị trí”, cô nói.

Hazrati hy vọng quá khứ làm tiếp viên sẽ giúp cô hoàn thành tốt công việc phi công trong tương lai.

Bên cạnh đó, Hazrati nói các phi công cũng thường được coi trọng hơn so với tiếp viên.

“Chúng tôi hiểu giá trị của nhau nhưng trong một số lĩnh vực của ngành, sự phân cấp thể hiện ở việc phi công được ưu ái hơn tiếp viên. Một số người mong đợi thấy các phi công đi phía trước với dàn tiếp viên phía sau. Tuy nhiên, đó là di sản của những ngày xưa. Chúng tôi quan niệm tất cả là một đội”, cô nói.

Không nản chí khi đối mặt với cuộc khủng hoảng của ngành hàng không trong 18 tháng qua, Hazrati vừa học lái máy bay, vừa học thạc sĩ về yếu tố con người và hàng không.

“Tôi cần duy trì kết nối với ngành để đảm bảo khi hoạt động trở lại, tôi có kỹ năng tốt hơn để phục vụ công việc”, cô nói.

Dù hiểu rằng mình cần nhiều năm để được cầm lái chuyến bay cho hãng hàng không, thậm chí còn lâu hơn để bay đường dài, Hazrati vẫn lạc quan.

Cô rất vui khi đổi những chuyến đi của đoàn tiếp viên đến Johannesburg, Hong Kong hay Los Angeles để lấy hành trình ngắn trong nước, miễn là được ngồi trong khoang lái.

Thiên Nhi

Ảnh: Jordan Milano Hazrati

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/that-nghiep-vi-dich-nu-tiep-vien-hang-khong-hoc-lam-phi-cong-post1259704.html