Thất nghiệp trong đại dịch, người Italy quay lại với nghề nông

Ngày càng nhiều người Italy quay lại công việc mà ông bà họ từng làm trong các trang trại do đại dịch phá hủy các ngành công nghiệp khác.

Trong trang trại nhỏ ở ngoại ô Rome, Italy, các nông dân cúi mình trên một cánh đồng ngô và chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.

Những người thợ Morocco, Romania và Nigeria biết mình cần phải làm gì. Chỉ có những người Italy mới được thuê vào thì cần sự giúp đỡ.

“Phải bỏ cái này đi”, chủ nông trại nói với ông Massimiliano Cassina trong khi chỉ vào một số bộ phận của cây ngô.

 Thu hoạch dâu tây trên cánh đồng của ông Franco Baraldi vào tuần trước ở Ferrara. Ông Baraldi nói rằng những người Italy mà ông thuê ban đầu không biết họ đang làm gì. Ảnh: New York Times.

Thu hoạch dâu tây trên cánh đồng của ông Franco Baraldi vào tuần trước ở Ferrara. Ông Baraldi nói rằng những người Italy mà ông thuê ban đầu không biết họ đang làm gì. Ảnh: New York Times.

Chỉ vài tuần trước, ông Cassina, 52 tuổi, vẫn đang điều hành công ty vải có khách hàng quốc tế chuyên về áo phông thể thao. Nhưng Covid-19, đại dịch khiến hơn 30.000 người Italy tử vong và phá hủy nền kinh tế nước này, cũng giáng một đòn chí tử lên doanh nghiệp của ông.

Tuyệt vọng trong việc kiếm tiền, ông gia nhập đội ngũ những người Italy tìm kiếm tương lai ở nền nông nghiệp của nước này.

“Họ đã cho tôi cơ hội”, ông Cassina nói với New York Times trong khi mang khẩu trang, găng tay cao su màu xanh và mặc chiếc áo thấm mồ hôi.

Quay lại với nghề nghiệp của ông cha

Italy công nghiệp hóa sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, virus corona đã tái cấu trúc mạnh mẽ xã hội và nền kinh tế nước này. Những lao động thời vụ không thể đến Italy trong khi những người Italy làm việc trong ngành bán lẻ, giải trí, thời trang và các ngành công nghiệp từng hùng mạnh khác trở nên thất nghiệp.

Trước đại dịch, công việc gieo trồng dường như dành riêng cho những người yêu thích rượu vang tự nhiên hoặc những khu vườn nhỏ. Giờ đây, nhiều người Italy xem công việc mà ông bà họ từng làm trong các trang trại lớn ngày càng trở nên cần thiết để nuôi sống đất nước bị tê liệt do đại dịch.

Không có họ, hàng trăm tấn bông cải xanh, đậu răng ngựa, trái cây và rau quả có nguy cơ bị héo trên cây hoặc thối rữa trên mặt đất.

Công nhân rời cánh đồng dâu sau một ngày làm việc. Ảnh: New York Times.

“Virus đã buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về các mô hình phát triển và cách thức hoạt động của đất nước”, bà Teresa Bellanova, Bộ trưởng nông nghiệp Italy, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Bà nói rằng virus khiến Italy phải đối mặt với tình trạng “khan hiếm lương thực cho nhiều thành phần trong xã hội”, bao gồm những người trẻ thất nghiệp, và nông nghiệp “cần là nơi các thế hệ mới có thể tìm thấy một tương lai”.

Để làm được điều đó, nông nghiệp cần phải rũ bỏ sự lạc hậu của quá khứ tiền công nghiệp và nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ, máy móc và hóa học một cách tinh vi.

Bà Bellanova cho biết bà đã thảo luận về một sự thay đổi như vậy với người đồng cấp Pháp. Điều tương tự cũng đúng với Tây Ban Nha, Đức và các quốc gia khác do virus phá hủy các ngành nghề còn lại.

“Làm nông nghiệp không có nghĩa là quay lại dùng cuốc”, bà Bellanova nói.

Nếu giờ người Italy cần những cánh đồng để sống thì các trang trại cũng đột nhiên cần người Italy. Khoảng 150.000 nông dân thời vụ từ Romania, Ba Lan, Ấn Độ và các nơi khác không thể đến Italy mặc dù các nhóm nông nghiệp đã vận động hành lang mạnh mẽ để họ có thể đến nơi dễ dàng.

Trong lúc đó, nhà hàng, công ty du lịch và cửa hàng ở Italy bị đóng cửa trong đại dịch. Sự an toàn khi làm việc ngoài trời trong các nông trại bỗng trở nên hấp dẫn. Và việc được trả lương cũng vậy.

Các hiệp hội nông nghiệp hàng đầu Italy đã thiết lập các trang web tuyển dụng và đã thu hút được hơn 20.000 đơn đăng ký, hầu hết trong số đó là người Italy, để lấp đầy sự thiếu hụt nhân công.

Nhưng quá trình chuyển đổi công việc với nhiều người không dễ dàng. Nông nghiệp đã trở nên xa lạ với người Italy khi những người lao động thời vụ từ các quốc gia khác đến làm thay họ trong nhiều thập kỷ qua.

Chỉ có 36% trong số khoảng 1 triệu lao động trang trại ở nước này là người Italy.

Tìm tương lai trong ngành nông nghiệp

Ông Massimiliano Giansanti, Chủ tịch của Confagricoltura, một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn nhất Italy, cho biết nhiều người ứng tuyển không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm cần thiết để làm nông nghiệp.

“Làm nông nghiệp không chỉ là hái một quả táo đỏ từ cây xuống”, ông Giansanti nói với New York Times và giải thích rằng trồng trọt là một ngành công nghiệp hiện đại đòi hỏi kiến thức, sự quyết tâm và linh hoạt.

Ông cũng cho biết “đa số” người Italy tìm hiểu về các vị trí được đăng trên web của hiệp hội vẫn xem việc này như làm vườn.

Ông Bruno Francescon, 45 tuổi, chủ trang trại dưa ở Mantova, đã thuê những người Italy từng làm việc trong khách sạn và lái xe buýt. Ông cho biết ông nhớ những “lao động chuyên nghiệp từ Ấn Độ và Morocco” của ông.

Ông nói số lượng lớn nhân công người Italy “không thể bù đắp cho việc thiếu kỹ năng”. Một số người Italy ông thuê còn “bỏ chạy”.

Ông Franco Baraldi, 59 tuổi, chủ sở hữu một trang trại Italy cho biết những người Italy ông thuê ban đầu không biết họ đang làm gì nhưng sau đó đã bắt kịp.

Ông Baraldi cho biết nhiều lao động không hề kiếm được tiền hay nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ từ tháng 3. Một số người xin ở lại nông trại làm việc tiếp cho vụ thu hoạch mơ và đào sau vụ thu hoạch dâu tây.

Dâu tây đã được thu hoạch ở Ferrara. Ảnh: New York Times.

Ông Baraldi hy vọng rằng họ có thể làm vậy, nhưng tương lai của nông nghiệp phụ thuộc vào sự giúp đỡ của chính phủ. Kể từ khi ông nội của ông điều hành trang trại, nhà nước đã bỏ rơi ngành nông nghiệp.

Theo ông, nếu không có các khoản trợ cấp như các ngành công nghiệp khác, các trang trại không thể kiếm được lợi nhuận. Điều này tạo điều kiện cho các chủ trang trại không đạo đức trả lương thấp cho công nhân nước ngoài.

Trong tháng này, chính phủ Italy dành riêng hơn 1 tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD) trợ cấp cho nông dân như một phần của gói cứu trợ trị giá 55 tỷ euro. Tuy nhiên, biện pháp này được đưa ra tranh cãi vì nó cũng bao gồm một con đường hợp pháp hóa cho những người lao động không có giấy tờ trong lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, vấn đề chính vẫn là sự thiếu hụt các lao động thời vụ có kinh nghiệm và liệu có đủ công nhân cho vụ thu hoạch sắp tới hay không.

Confagricoltura đã tổ chức các chuyến bay chở hàng trăm lao động Morocco đến Italy trong tuần này. Một người trồng nho ở khu vực Alto Adige phía bắc đã phàn nàn rằng những người Italy ông thuê đã bỏ đi. Vì vậy, ông phải thuê một chuyến bay để đưa tám lao động Rumani dày dạn đến vườn nho của mình.

Nhưng so với Đức, đất nước đã cho phép hàng chục nghìn lao động thời vụ vào làm việc, con số này không là gì cả.

Ở Italy, một số quan chức và nông dân đã tìm kiếm nguồn lao động tiềm năng từ những người Italy nghèo nhất. Nhiều người trong số đó sống ở miền Nam và phải nhận chi phiếu thu nhập hàng tháng kể từ năm 2018.

Ông Francesco D’Amore, người trồng cà chua ở khu vực Campania, phá lên cười khi được hỏi liệu ông có nghĩ mọi người sẽ từ bỏ việc nhận chi phiếu để quay lại làm đồng hay không.

Nhưng trong tháng này, chính phủ Italy đã cho phép những người nhận trợ cấp hoãn việc nhận trong tối đa 60 ngày nếu họ tìm được việc làm trong ngành nông nghiệp.

Ông Nazaro Lo Iacono, 56 tuổi, người nhận trợ cấp thu nhập cơ bản, nói rằng với sự đảm bảo của chính phủ, ông sẽ vui vẻ để người khác tạm thời nhận chi phiếu của ông trong khi ông quay lại hái cà chua như khi còn trẻ, miễn là ông có hợp đồng thích hợp.

Theo ông Iacono, vấn đề là các chủ trang trại “không trung thực” xua người Italy khỏi ngành nông nghiệp bằng cách giảm lương và trả lương thấp cho những lao động nước ngoài bị bóc lột. “Chúng tôi ngày càng rời xa nông nghiệp vì nguyên nhân này”, ông nói.

Thiếu chỗ hỏa táng, quan tài được gửi vào trong nhà thờ ở Italy Số ca tử vong vì Covid-19 ở Italy ngày càng tăng cao khiến các nghĩa trang quá tải. Quân đội đã phải đưa quan tài đến các nhà thờ và tạm thời được gửi ở đây để chờ hỏa táng.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/that-nghiep-trong-dai-dich-nguoi-italy-quay-lai-voi-nghe-nong-post1088321.html