'Thật may, thằng Phú đã về...'

Hơn 6 giờ sáng, tôi được Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau gọi vào đơn vị và chỉ đạo xuống ngay địa bàn hòn Đá Bạc. Ở đó, đêm khuya, anh em Đồn Biên phòng (BP) Sông Đốc cùng với ngư dân địa phương mới tìm kiếm, cứu sống một thuyên viên bị rơi xuống biển. Gia đình nạn nhân khó khăn, mẹ nạn nhân đang hoảng loạn.

Thuyền viên Phạm Văn Phú (bên phải) bình an trở về sau vụ tai nạn trên biển. Ảnh: Lê Khoa

Tôi nhanh chóng lên đường cùng Trung tá Phan Xuân Huyền, Đồn trưởng Đồn BP Sông Đốc về địa bàn ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Với quãng đường gần 50km, trên xe đủ thời gian để Trung tá Phan Xuân Huyền chia sẻ thông tin vụ việc với tôi. Anh cho biết: Khoảng 20 giờ 45 phút, ngày 15-5, Đồn BP Sông Đốc nhận được tin báo của chủ phương tiện biển số CM 92006 TS, do anh Mã Hùng Biển, 39 tuổi, ngụ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau điều khiển cho biết: Tàu của ông đang hành trình trên biển cách khu vực cửa biển Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khoảng 6 hải lí thì phát hiện thuyền viên Phạm Văn Phú, 20 tuổi, ngụ cùng địa chỉ không còn trên tàu.

Nhận định thuyền viên Phú đã bị rơi xuống biển, Ban chỉ huy Đồn BP Sông Đốc nhanh chóng xác minh nguồn tin, báo cáo xin ý kiến Bộ Chỉ huy tổ chức cho lực lượng tìm kiếm. Sau khi nhận báo cáo, Đại tá Lương Hoàng Đông chỉ đạo Đồn BP Sông Đốc sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu CM 92006 TS hỗ trợ tìm kiếm; đồng thời huy động 12 phương tiện, gần 50 ngư dân từ cửa biển Sông Đốc, cửa biển Đá Bạc ra biển tìm kiếm nạn nhân. Ngay sau đó, Đồn BP Sông Đốc sử dụng ca nô cao tốc và 5 cán bộ, chiến sĩ ra biển cùng ngư dân tìm kiếm cứu nạn.

Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, phương tiện ra từ cửa biển Sông Đốc của ông Trần Văn Trung, 50 tuổi, ngụ ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời phát hiện và cứu vớt thành công nạn nhân Phạm Văn Phú. Tổ công tác tìm kiếm cứu nạn của Đồn BP Sông Đốc hướng dẫn ông Trung đưa nạn nhân lên phương tiện CM 92006 và hộ tống đưa về Trạm Kiểm soát BP Đá Bạc. Sau khi được chăm sóc sức khỏe ổn định, nạn nhân Phạm Văn Phú được bàn giao về đoàn tụ cùng gia đình.

Chúng tôi đến gia đình nạn nhân Phú ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Phía trước căn nhà diện tích khoảng 20m2, được làm bằng gỗ, lợp tôn thiếc đã cũ của gia đình, bà Nguyễn Thị Lý đang cúi đầu cúng vái tứ phương để tạ lễ vì con trai bà được sống sót trở về. Lễ vật là đĩa trái cây, vài cây nhang cắm tạm trong lon nước ngọt cũ. Đầu bà cạo trọc, mắt đỏ hoe.

Cầm chặt tay Trung tá Phan Xuân Huyền, bà Lý nói trong nước mắt và những tiếng nấc nghẹn: "Chú ơi! Khi nghe tin thằng Phú rơi xuống biển, tôi như phát điên, chạy la khắp xóm giềng cầu cứu người ra biển cứu con tôi. Rồi tôi ngất đi. Tỉnh dậy, tôi thấy trong nhà, ngoài đường mọi người đến rất đông. Họ đến động viên tôi và cho biết, các chú BP và ngư dân đang tìm kiếm con tôi ngoài biển. Tôi cầu nguyện cho con tôi sống sót và thề với lòng là sẽ cạo trọc đầu khi nó trở về. Thật may, thằng Phú đã về”.

Bà Lý cho biết, vợ chồng bà có 2 người con trai, hoàn cảnh khó khăn. Cuối năm 2017, anh trai của Phú bị tai nạn giao thông chết. Phú cũng từng bị tai nạn, cánh tay trái gần như bị liệt. Thấy hoàn cảnh khổ cực nên anh Biển cho Phú ra biển phụ mua hải sản.

Trong năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay (20-5), trên vùng biển Cà Mau xảy ra 137 vụ tai nạn, làm chết 47 người, mất tích 33 người, bị thương 11 người, chìm 42 phương tiện, hư hỏng 13 phương tiện. Ước tính thiệt hại trên 10 tỷ đồng. BĐBP Cà Mau đã điều động 18 lượt phương tiện, trên 200 lượt cán bộ, chiến sĩ của đơn vị; huy động hàng chục phương tiện của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hàng chục ngư dân trên biển.

Trước những người dân đến chia vui với gia đình bà Lý, Trung tá Phan Xuân Huyền không hề nhắc đến những việc mà anh em đơn vị đã làm, mà chỉ nhắc đến những ngư dân đã nhiệt tình phối hợp với đơn vị ra biển tìm kiếm nạn nhân, nhất là ông Trần Văn Trung, người lái tàu và trực tiếp phát hiện cứu sống Phạm Văn Phú. Vớt được Phú, thông báo cho đồn BP, chuyển người lên phương tiện lớn an toàn, ông Trung quay trở lại ngư trường tiếp tục hoạt động nghề thả lưới.

Qua điện thoại, ông Trung nói: "Cứu người, giúp người gặp nạn trên biển là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là lời nguyền của người đi biển, nên các anh nói gia đình Phú đừng lo, không cần ơn huệ gì đâu". Chỉ vậy thôi, đã đủ cho thấy sự hào sảng của người sinh ra đã thấy biển và lớn lên nhờ lộc của biển. Không tính toán thiệt hơn, không câu nệ gian khó, xem lời kêu gọi ra biển cứu người như mệnh lênh từ trái tim.

Chúng tôi ra về cũng là lúc nhiều người thân của gia đình Phú từ các nơi xa cũng tới chia sẻ niềm hạnh phúc với gia đình bà Lý. Rồi đây, ông Trung sẽ được cấp có thẩm quyền tỉnh Cà Mau khen thưởng vì tấm lòng nhân ái, nghĩa hiệp. Ngoài kia, biển vẫn đang ban lộc cho những ngư dân cần mẫn như ông Trung và bao ngư dân khác đang ngày đêm hăng say lao động sản xuất cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/that-may-thang-phu-da-ve/