Thật - giả 'tiên dược' đông trùng hạ thảo - Bài 3: Tạo dựng thương hiệu 'thần dược made in Việt Nam'

Trước việc đông trùng hạ thảo trong tự nhiên ngày càng hiếm và đắt đỏ, trong khi đó, lĩnh vực công nghệ sinh học không ngừng phát triển nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo, giúp nhiều người có thể tiếp cận được loại dược liệu quý giá này để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh.

Nhân viên Công ty CP HQGANO nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Nhân viên Công ty CP HQGANO nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Nuôi cấy từ gạo lứt, nhộng tằm

Chuẩn bị thu hoạch những mẻ đông trùng hạ thảo sau 3 tháng cấy phôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Rau hoa Song Bill (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), không giấu được niềm vui: “Thành công rồi các anh ạ! Sau một thời gian dài nghiên cứu, đơn vị đã nuôi trồng được đông trùng hạ thảo theo quy trình nuôi trồng trên giá thể là sinh khối hữu cơ (tổng hợp cấy trên hạt gạo) và nuôi trồng tạo rễ ký sinh trên cơ thể con nhộng tằm có ngay tại địa phương bằng phương pháp thủ công”. Giới thiệu về quy trình nuôi trồng, bà Trâm cho biết, các kỹ thuật viên sẽ cấy nấm thẳng trên con nhộng sống, sau đó tế bào nấm sẽ ăn chết con nhộng rồi mọc lên thành cây.

“Công nghệ chủ lực để tạo ra đông trùng hạ thảo là giống và môi trường sống, để đảm bảo cây có thể phát triển và cho ra thành phẩm, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nồng độ CO2 trong nhà nuôi phải tương đồng với nhiệt độ ngoài tự nhiên. Quá trình ủ là khâu quan trọng nhất để cây đạt đủ khỏe, khả năng thành công khi cấy giống nấm lên cơ thể nhộng tằm rất thấp, chỉ khoảng 30%. Nhưng nếu nuôi trồng thành công, độ cao tối ưu của đông trùng hạ thảo khoảng 7cm và có khoảng 60% - 70% dưỡng chất so với sản phẩm tự nhiên ở Tây Tạng”, bà Trâm cho hay.

Ngoài Công ty Rau hoa Song Bill đưa ra thị trường thành phẩm đông trùng hạ thảo, hiện nay tại TP Đà Lạt, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng sau khi nuôi cấy thành công nấm nhộng trùng thảo trên môi trường nhộng tằm lại tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm tối ưu trên môi trường thích hợp, phân tích chất lượng sản phẩm, nâng cao hoạt chất sinh học, giá trị dinh dưỡng; nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm nhộng trùng thảo sau thu hoạch.

Tại TPHCM, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ TPHCM (CESTI) cùng Công ty SAHA vừa giới thiệu công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo giá rẻ, chất lượng cao từ gạo, mía.

Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty SAHA, nhóm nghiên cứu của công ty đã nghiên cứu, phát triển quy trình công nghệ sản xuất trùng thảo theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Công ty SAHA đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy, sản xuất trùng thảo khép kín bằng các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Tỷ lệ Cordycepin (hoạt chất quan trọng trong đông trùng hạ thảo) đạt 8,69mg/100g sản phẩm.

“Hiện công ty cũng đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công trùng thảo trên nhộng tằm gần với cách đông trùng hạ thảo sinh trưởng trong tự nhiên cho chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tự chế tạo các thiết bị phục vụ nuôi cấy như nồi hấp, máy lắc, tủ cấy, hệ thống nuôi sinh khối... và hoàn thiện quy trình nuôi có thể chuyển giao cho nhiều quy mô sản xuất khác nhau. Giá thành sản xuất hiện nay không chênh lệch nhiều so với phương pháp sử dụng hóa chất vì nguồn nguyên liệu hữu cơ rất sẵn có, giá thấp. Sản phẩm theo hướng hữu cơ thông thường có giá cao nhưng với phương pháp này, chúng tôi hy vọng đem lại sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người dùng vừa có giá cả cạnh tranh được”, ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi thông tin.

Tiếp tục nghiên cứu và phát triển

Việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam xuất phát từ lâu. Vào năm 2014, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TPHCM (nay là Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM - CESTI) đã giới thiệu về cách nuôi trồng đông trùng hạ thảo, như của Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Theo đó, viện này đã nghiên cứu thành công đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris (là một trong 2 loài có dược tính cao nhất với các hoạt chất sinh học quý hiếm, có tác dụng phòng bệnh và điều trị bệnh) ở quy mô phòng thí nghiệm. Theo công bố của Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, quả thể đông trùng hạ thảo nuôi cấy có chất lượng tương đương với sản phẩm tự nhiên và sản phẩm nuôi cấy của các nghiên cứu đã được công bố; có khả năng thương mại hóa cao.

"Nhìn bề ngoài, đông trùng hạ thảo nuôi trồng giống nhau nhưng chất lượng hoàn toàn khác nhau nếu không tuân thủ quy trình nuôi trồng nghiêm ngặt và điều kiện khí hậu thích hợp. Về hình dáng, màu sắc, loại đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris nuôi cấy nhân tạo có hình dáng khác hoàn toàn với loại đông trùng hạ thảo tự nhiên. Bên cạnh đó, các dược chất quý trong đông trùng hạ thảo kể cả nguồn gốc tự nhiên, hay nuôi cấy nhân tạo còn phụ thuộc rất nhiều vào cách sơ chế và bảo quản sản phẩm. Sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không đảm bảo ở nhiệt độ -50oC hoặc cách bảo quản không đúng, chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết" - TS PHẠM VĂN NHẠ, Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học, Viện Bảo vệ thực phẩm

Vào tháng 9-2015, Công ty CP HQGANO đã khai trương trang trại nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM. Đây là mô hình đầu tiên trình diễn tất cả các nguyên liệu, thiết bị và quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo để những người quan tâm có thể tham gia ngành nông nghiệp công nghệ cao đầy mới mẻ này. Bà Huỳnh Tiến Hạnh, Giám đốc HQGANO cho biết, sản phẩm nhập từ nước ngoài có giá rất cao, không phải ai cũng có thể mua được nên việc đưa vào hoạt động trang trại nuôi trồng đông trùng hạ thảo ngay tại Việt Nam sẽ giúp sản phẩm này đến gần với người dân trong nước hơn.

Không chỉ vậy, tháng 11-2015, Công ty CP HQGANO cũng khai giảng lớp thực hành sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo khóa đầu tiên với sự tham gia của các nhà khoa học nghiên cứu về nấm và đông đảo, các học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất, hộ nông dân có đam mê và mong muốn khởi nghiệp với ngành nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới này. Sau khóa học, học viên có thể tự tay sản xuất, nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại nhà để cung cấp sản phẩm với giá thành hợp lý nhất, từ đó có thể đưa mô hình này đi vào sản xuất đại trà…

Mới đây nhất, Hội đồng khoa học của Sở KH-CN TPHCM đã có cuộc họp Hội đồng đánh giá đồng thời thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước “Khảo sát ảnh hưởng của môi trường dinh dưỡng đến năng suất và chất lượng quả thể đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris”… tiếp tục hứa hẹn những kết quả mới về đông trùng hạ thảo giữa lòng đô thị TPHCM. Với năng lực nghiên cứu và sản xuất của giới khoa học, đông trùng hạ thảo giờ đây không có giá quá cao, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ đưa một loại dược liệu quý với giá thành rất rẻ ra thị trường để ai cũng có cơ hội sử dụng, kể cả người có thu nhập thấp.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/that-gia-tien-duoc-dong-trung-ha-thao-bai-3-tao-dung-thuong-hieu-than-duoc-made-in-viet-nam-580815.html