Thật đáng lo khi bóng V-League cứ muốn lăn trong mùa dịch

Giữa lúc dịch COVID-19 đang lây nhanh toàn cầu, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng bùng phát, các tổ chức quản lý bóng đá không còn quyền tự quyết và phải tuân thủ chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý…

Những giải đấu nội địa của Thái Lan, Malaysia khi đầu mùa dịch vẫn ung dung chuẩn bị kế hoạch, thậm chí một số giải quốc tế cũng diễn ra, điển hình như Thái Lan tổ chức giải tứ hùng, giải futsal giao hữu quốc tế… Rồi Thai-League cũng chủ động dừng trước khi nhà nước và Bộ Y tế Thái Lan lên tiếng cấm các hoạt động thể thao khác.

Những giải đấu nội địa của Thái Lan, Malaysia khi đầu mùa dịch vẫn ung dung chuẩn bị kế hoạch, thậm chí một số giải quốc tế cũng diễn ra, điển hình như Thái Lan tổ chức giải tứ hùng, giải futsal giao hữu quốc tế… Rồi Thai-League cũng chủ động dừng trước khi nhà nước và Bộ Y tế Thái Lan lên tiếng cấm các hoạt động thể thao khác.

Trong khi đó, nạn dịch COVID-19 ở Việt Nam đang có dấu hiệu số ca nhiễm tăng lên từng ngày khắp ba miền, các cơ quan chức năng ngày một đối phó với những thách thức và vất vả lần tìm tung tích các bệnh nhân, những người nghi nhiễm thì VPF lại bàn chuyện gom 14 đội ra miền Bắc đá bóng. Sự bàn bạc có vẻ thừa thãi và theo như nhiều người am hiểu lên tiếng thì khẳng định những nhà làm bóng đá không xin ý kiến hay xin tư vấn, khuyến cáo từ Bộ Y tế hay bộ phận dịch tễ học đang căng mình chống dịch.

Thế giới bóng ngừng lăn, còn bình diện châu Á thì Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã ngưng thi đấu. Nói như những nhà tổ chức các giải đấu ở những quốc gia đấy thì ngưng rồi sẽ có rất nhiều thứ đáng lo như nghĩa vụ với đối tác, nhà tài trợ, các CLB sẽ phải nuôi quân thế nào khi mất nguồn thu… Nhưng với đại dịch toàn cầu thì cái đáng lo nhất là sức khỏe của con người mà mỗi quốc gia, mỗi người dân đều phải có ý thức và nghĩa vụ ngăn chặn.

Chuyện tiền bạc liên quan đến nhà tài trợ, hay kể cả sức ép từ những thành viên có làm nhiệm vụ ở giải đấu thì mới có lương giờ không quan trọng bằng mạng sống con người.

Việc VPF đưa ra phương án bóng lăn lại vào giữa tháng 4 hay đầu tháng 5 và gom lại các sân phía Bắc đá rồi xin ý kiến đến lãnh đạo các đội bóng (cũng là thành viên cổ đông của VPF) vào thời điểm này đã không được các đội, các cổ đông tán thành.

Xét cho cùng thì bóng không lăn, các đội mới chịu thiệt thòi nhiều. Họ phải cắn răng trả lương cầu thủ, lại cứ gặp thông báo hoãn từng chặng kiểu VPF đang làm càng khiến các đội khổ và tốn kém. Thế nhưng vì sao các đội vẫn phản ứng và thậm chí là không thèm trả lời VPF?

Tổ chức V-League đá tập trung và không để hoãn lâu trong thời điểm mọi người, mọi cấp, mọi tổ chức và mọi nhà cùng căng mình chống COVID-19 thì có nên hay không?

Một trận bóng đá dù đóng kín cổng nhưng cũng tập trung ít nhất 100 con người gồm hai đội, những người làm nhiệm vụ, quan chức, báo chí… cũng là điều kiện dễ lây lan dịch bệnh.

Thay vì xin ý kiến 14 đội bóng thì chỉ cần xin ý kiến Bộ Y tế, hay cụ thể là đơn vị về dịch tễ học đang căng mình chống dịch thì sẽ có câu trả lời.

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/that-dang-lo-khi-bong-vleague-cu-muon-lan-trong-mua-dich-900149.html